Nhớ lại những ngày đầu của Nhà xuất bản*
Ngành xuất bản đã có từ lâu tại Hà Nội, từ những tổ chức xuất bản riêng lẻ của Sở Văn hoá Thành phố đến những khâu xuất bản riêng lẻ của Hội Văn nghệ Hà Nội từ năm 1966. Năm 1976, thành phố Hà Nội đã có một cơ quan xuất bản gọi là xuất bản Thăng Long nằm trong Sở Văn hoá đảm nhiệm công tác xuất bản của thành phố. Bây giờ thành Nhà xuất bản, tướng và quân hoàn toàn không biết nhau. Nhà xuất bản của thành phố Hà Nội là một nhà xuất bản tổng hợp toàn diện có đủ cả sách chính trị, sách văn học, sách khoa học kỹ thuật, sách văn hoá cổ. Sau này có thêm một số đồng chí từ quân đội chuyển ngành về như đồng chí Hồ lái xe, đồng chí Ninh làm công tác trị sự và đặc biệt có đồng chí Xuân Sách ra làm công tác biên tập và là người phụ trách, ngoài ra còn có một số nhân viên mới tốt nghiệp đại học ra làm công tác biên tập. Nhưng dầu sao, số cán bộ cũ của Hà Nội vẫn là lực lượng chủ yếu trong việc vận hành Nhà xuất bản. Như đã nói ở trên, nhà xuất bản của Thủ đô là một nhà xuất bản tổng hợp, toàn diện, kế hoạch xuất bản từ năm thứ nhất của nhà xuất bản đã là một kế hoạch toàn diện. Nó có sách văn học, có đủ từ truyện ngắn, tiểu thuyết, có sách văn học thiếu nhi, có sách lẻ và tập san Ngựa Gióng khá nổi tiếng của riêng thành phố Hà Nội, có sách khoa học kỹ thuật, có sách chính trị và có sách văn hoá cổ, dự án kế hoạch khoảng 37 đến 40 cuốn một năm. Người phụ trách làm kế hoạch rơi vào tôi một cách bất khả kháng. Theo nhận định bấy giờ của tôi thì đó là một bản kế hoạch tổng hợp tương đối toàn diện, tuy chưa mạnh trong tổng hợp và phát triển nhưng đúng là một kế hoạch tổng hợp và được đồng chí Vũ Cao thông qua. Về sau trong một số kế hoạch xuất bản các năm tiếp theo tôi vẫn tiếp tục là người tạo dựng. Đến bây giờ nhận định lại, một số ấn phẩm ban đầu ấy đã tạo cho nhà xuất bản có một thế đứng - về tiểu thuyết có Ngọn lửa xanh của Nguyễn Văn Hoan, có Người Thăng Long của Hà Ân, có tập truyện ngắn của Lê Phương Liên… về sách thiếu nhi có bộ sách 3 tập của Đoàn Giỏi đã ra được 2 tập là Tê giác trong ngàn xanh và Những truyện lạ về cá và những tạp chí Ngựa Gióng xuất bản đều kỳ một tháng một số, sách văn hoá cổ có Phố phường Hà Nội xưa của cụ Hoàng Đạo Thuý, có Phố phường Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc, về khoa học kỹ thuật có Thuốc, biệt dược và cách sử dụng của Vũ Ngọc Thuý, chỉ tiếc tập Văn bia Quốc Tử Giám gồm biên dịch, bình luận đã là xong cả phần chụp ảnh kẽm mà chưa in được.
Tại một nhà xuất bản, giám đốc là người chịu trách nhiệm về tính đúng sai của tác phẩm, của toàn bộ kế hoạch xuất bản, còn ban biên tập chịu trách nhiệm về cái đẹp và cái hay của các tác phẩm cụ thể. Theo tôi, khâu này giữa ban biên tập và đồng chí giám đốc rất hoà hợp. Phải nói thật giám đốc không thể nào đủ thời giờ đọc hết tất cả các ấn phẩm, giám đốc phải tin tưởng ở trưởng phòng biên tập, người trưởng phòng biên tập phải thấy rõ điều đó và khi đưa cho tổng biên tập để xét ký duyệt thì phải nêu lên được những điều nào là cần chú ý, những điều nào là còn băn khoăn để tổng biên tập xét duyệt. Về điều này giữa ban biên tập và đồng chí Vũ Cao làm việc rất nhịp nhàng.
Để tạo được sức mạnh cho việc xây dựng kế hoạch, ban biên tập và các biên tập viên phải được hoàn toàn tự do trong việc tổ chức mạng lưới riêng của mình. Mỗi một biên tập viên cần có một mạng lưới kế hoạch riêng và chịu trách nhiệm với các cộng tác viên của mình. Biên tập viên phải biết rõ về nhân thân của từng cộng tác viên, thời gian sử dụng của từng cộng tác viên hiện nay đang dành cho tác phẩm nào, mặt mạnh, mặt yếu của từng cộng tác viên trong từng lĩnh vực đó để có khả năng xây dựng được phần mảng kiến thức trong kế hoạch và từ đó thống nhất được với kế hoạch của toàn nhà xuất bản.
Các biên tập viên của Nhà xuất bản đều có trình độ và kinh nghiệm trong từng mảng của mình và họ đều có sáng tác, điều đó tạo sự tín nhiệm giữa biên tập viên với cộng tác viên. Tôi còn nhớ trong một đợt đi công tác thực tế vào miền Nam, đoàn Nhà xuất bản Hà Nội có gặp gỡ và làm việc với báo Khăn quàng đỏ của thiếu nhi Sài Gòn. Đoàn Hà Nội có 5 người thì đã có 3 người tên tuổi đã đứng vững trong cả nước là Hà Ân, Lê Bầu và Phùng Thái cho nên cuộc gặp mặt vui vẻ trong thế đàn anh của Nhà xuất bản. Mối quan hệ giữa biên tập viên và cộng tác viên rất mật thiết và như anh em. Chẳng hạn như trong cuộc giao tiếp giữa Nhà xuất bản với nhà văn Đoàn Giỏi là một nhà văn tên tuổi lừng lẫy cả nước nhưng giữa anh em, nhà văn Đoàn Giỏi và tôi không có cách bức. Tôi đã đưa Đoàn Giỏi ra thăm tháp Rùa (việc này tôi làm dễ dàng vì tôi đã có thời kỳ làm việc ở Bảo tàng Sở Văn hoá Hà Nội). Trong khi làm việc để nhận xét về tập ba trong bộ sách của Đoàn Giỏi là Hoa thơm trái ngọt, chúng tôi đã liệt kê những hoa quả nổi tiếng của cả hai miền và giật mình nhận thấy rằng hoa trái của miền Bắc nhiều đến thế, nổi tiếng và ngon đến thế, chỉ hiềm nỗi chưa có nhiều để bán ra. Điểm lại hoa trái miền Bắc có tới trên mười lăm thứ nổi tiếng như bưởi Nghệ, bưởi Phủ Đoan, cam sành Bố Hạ, cam chanh Vinh, nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà, hồng Hạc Trì, hồng Lạng Sơn, quýt sen Lục Yên, mận hậu Cao Bằng, Lào Cai, dứa Phú Thọ, hạt dẻ Cao Bằng, lê Hà Giang…
Những nhà văn có tuổi thường rất khó tính trong vấn đề giao dịch, như bác Nguyễn Tuân chẳng hạn, nhưng chúng tôi cũng không có gì khó khăn trong đối xử với nhau. Tôi đã đưa bác Tuân đi thăm tháp Rùa. Còn nhớ cái lần đó, bác ngồi trên nền tháp ngắm về khách sạn Phú Gia và thủng thỉnh nói một câu: “Từ đây nhìn về Phú Gia không thấy được những vết sẹo trên bức tường của nó”.
Tôi có một lần đưa cho bác Tuân mượn sách. Đó là một cuốn sách đen thời bấy giờ: cuốn Tapis de chair của Le Gii in bằng tiếng Pháp, in rất cầu kỳ cả chữ Hán ba màu mực do hội yêu sách đẹp phát hành 500 bản cho 500 hội viên của mình trên toàn thế giới và không có bán trên thị trường. Khi giải phóng Sài Gòn tôi vào trong Sứ quán úc và nhặt được quyển này vứt trên đất. Tôi đọc và được biết người sưu tầm cuốn sách này và cho dịch, cho in ra chính là một vị đại sứ người Anh. Đây là một cuốn sách viết từ cuối triều Minh đầu triều Thanh và là một cuốn sách rất hiếm ngay cả ở Trung Quốc. Vị đại sứ này đã biết đến cuốn ấy và truy lùng cuốn này một thời gian dài cho đến một lần tình cờ bắt gặp nó trên bàn đọc sách của một học giả Trung Quốc. Không biết làm sao bác Tuân lại biết tôi có cuốn sách ấy và bác hỏi mượn tôi, tôi đành trả lời tôi rất muốn cho bác mượn nhưng đáng tiếc là cuốn này đang theo một người bạn của tôi đi Mađagátxca, tôi hứa khi người bạn tôi về sẽ cho mượn. Đành phải thế. Một năm sau, tôi cầm quyển sách đến đưa cho bác Tuân. Bác cầm quyển sách và nói: “Tớ nổi tiếng là người cướp sách. Không có ai thấy một cuốn sách hay mà không cướp. Nhưng cậu yên chí, cuốn này tớ mượn của cậu nghiêm chỉnh và sẽ giả nghiêm chỉnh. Cậu cho tớ mượn mấy ngày?”. “Ba ngày”. Hết ba ngày, tôi đến, bác Tuân cầm hai tay đưa giả tôi cuốn Nhục bồ đoàn (tên dịch của cuốn sách). “Đây tớ giả cậu nghiêm chỉnh nhớ”. Nhưng bác nói thêm: “Cậu cho tớ mượn thêm một ngày nữa, tớ cho thằng… (bác nói tên một người rất nổi tiếng trong làng văn) đọc để cho nó biết phương Đông không thua gì phương Tây trong bất kỳ phương diện nào”. Sau đó, bác giả tôi nghiêm chỉnh. Quan hệ giữa tôi và bác Tuân cũng từ đấy rất mật thiết. Tôi muốn gì bác cũng làm theo đúng như ý, muốn chữa chữ nào bác cũng đồng ý. Cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi ra đời từ hoàn cảnh như vậy.
Khi cuốn Phố phường Hà Nội xưa của cụ Hoàng Đạo Thuý đang trên máy in thì được tin cụ Hoàng Đạo Thuý ốm nặng nằm ở Viện 108. Được tin cụ Thuý, đồng chí Vũ Cao bảo tôi: “Người bệnh được tin sách in là thích thú lắm đấy, có thể khỏi đấy, cậu sửa soạn tiền tạm ứng cho cụ rồi hai anh em mình lên thăm”. Việc về sau diễn ra đúng như thế.
Từ những ngày đầu ấy, Nhà xuất bản Hà Nội cứ từng bước đi lên để có ngày hôm nay. Mới đó mà đã 25 năm. Tuy đã có vị thế nhất định trong làng xuất bản, nhưng tôi nghĩ Nhà xuất bản Hà Nội phải mạnh hơn nữa trong tổng hợp và phải mở những cánh cửa mới để phát triển toàn diện. Tôi tin rằng Nhà xuất bản Hà Nội sẽ tiếp tục bước những bước tiến mới trên chặng đường tới tương lai.
* Bài đã in trong cuốn 25 năm Nhà xuất bản Hà Nội (1979 - 2004), Nhà xuất bản Hà Nội, 2004.
**Nguyên Phụ trách Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Hà Ân **
Nhà xuất bản Hà Nội