- Không ai có thì giờ làm lại quyết định theo sở thích cá nhân của anh như thế. Quyết định đã ký là thi hành...
Thế là tôi cung cúc đeo hai chiếc ba lô, một ba lô quần áo một ba lô gồm mấy quyển tự điển, từ điển Trung Hoa và tấm bằng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ Trung văn từ nước Trung Hoa về Sở Văn hoá Hà Nội.
Tôi bước chân vào “nghề biên tập” từ đó và tôi đã “đeo đẳng” hay nói chính xác hơn là “đeo đuổi” nó cho đến lúc về hưu, với “thâm niên” hơn ba chục năm “tuổi nghề”. Làm biên tập, nhưng tôi đã làm luôn cả việc xuống nhà in sửa bông sửa bài, nói “sửa bài” là vì nhiều khi có những bài dư ra dăm ba dòng, thậm chí cả một đoạn mà thợ nhà in không biết “nhét” vào chỗ nào trên “tờ bướm” phát không cho các xí nghiệp, nhà máy; hai trang đó, tôi phải tìm cách cắt bỏ bớt nội dung, để lấy chỗ “dư dôi” mà đưa đoạn đó vào cho “hợp với khuôn khổ tờ báo”…
ít năm sau, Hội Văn nghệ Hà Nội được thành lập, lực lượng để thành lập văn phòng Hội Văn nghệ là dựa vào Sở Văn hoá, nên tôi được đưa về hội cùng với một số cán bộ khác, làm biên tập cho tạp chí của hội, đã lần lượt mang tên khác nhau, như “Người Hà Nội” (có lẽ đó là tiền thân của tờ tuần báo Người Hà Nội bây giờ), “Sáng tác Hà Nội”, thậm chí mỗi số tạp chí phải mang một tên riêng, coi như một đầu sách…
Lại cho đến khi thành lập Nhà xuất bản Hà Nội, thì lực lượng biên tập chủ yếu ban đầu của Nhà xuất bản là “anh em văn nghệ” được đưa từ Hội Văn nghệ sang. Tôi cũng lại nằm trong cái “tốp” nhưng chưa đủ “ten” ấy.
Trong đời làm biên tập của tôi, đến đó, tính ra đã ba lần chuyển đổi cơ quan, nhưng thực tế lại chẳng có “chuyển đổi” gì vì vẫn “định vị” ở cái gác ba của Sở Văn hoá ấy, và vẫn là làm biên tập, nhưng bây giờ là biên tập sách chứ không làm biên tập báo như trước kia nữa.
Nếu như không tính một “Nhà xuất bản” có tên là Thăng Long được manh nha hình thành từ Sở Văn hoá rồi sang Hội Văn nghệ là tiền thân của Nhà xuất bản Hà Nội, đã in được nhiều sách và đặc biệt là tờ Ngựa Gióng nổi tiếng trên toàn quốc do hoạ sĩ Phan Doãn là giám đốc thì người làm giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Hà Nội là nhà thơ rất có tiếng tăm với bài thơ Núi đôi - ông Vũ Cao chuyển từ Văn nghệ quân đội sang. Ông Vũ Cao là người thẳng thắn, bộc trực và rộng lượng đầy nhân ái. Ông vụ vào công việc chứ không vụ vào thái độ, cho nên trong một cuộc họp cơ quan, ông đã nói:
- Về công việc, có thể cãi nhau, cãi nhau to cũng được nhưng tôi kêu gọi anh em đoàn kết mà làm việc, mà nuôi nhau...
Trần Thị Minh Tâm - biên tập viên đã tổng kết về ông Vũ Cao như thế này:
- Với ông Vũ Cao, việc to thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì!
Tôi nhớ, một lần, Nhà xuất bản Hà Nội cho in cuốn tiểu thuyết của biên tập viên Nguyễn Văn Hoan có tên là “Ngọn lửa xanh”. Sách còn nằm dưới nhà in, chưa xong, vậy mà không biết từ đâu có báo cáo lên trên rằng cuốn tiểu thuyết ấy “có vấn đề”. Thế là đống sách phải tạm thời “đắp chiếu nằm đấy” chờ “xem xét” sau khi rút đi mấy cuốn đọc “kiểm tra”… Dư luận ngoài xã hội xôn xao, anh em trong cơ quan xôn xao… tìm đọc, thì ra “khiếm khuyết” duy nhất trong mấy trăm trang tiểu thuyết ấy là tác giả đã dám động chạm tới những hành động của cánh “con ông cháu cha” dựa vào thế của bố, tiền của bố, làm chuyện bậy bạ ngoài xã hội, ngày ấy, viết thế vẫn còn có thể coi như một “tội to”, nhưng ông Vũ Cao vẫn bình thản bảo anh em biên tập:
- Việc “đối ngoại” các cậu cứ mặc tôi, tôi lo, còn các cậu cứ yên tâm, làm mọi việc theo kế hoạch đã phân công...
Quả nhiên Ngọn lửa xanh vẫn được phát hành, mà chẳng có “dư luận” gì. Giám đốc Vũ Cao là người như vậy. Ông là người dám chịu trách nhiệm, sống rất có tình và chăm lo đến quyền lợi của anh em cán bộ trong cơ quan.
Sau này, Thành uỷ có cử ông Ngô Minh về làm Phó giám đốc, giúp giám đốc mảng công tác biên tập.
Trước đây ông Ngô Minh là cán bộ quân sự, hoạt động “bí mật nhưng công khai” trong quân đội nguỵ giữa lòng Hà Nội bị tạm chiếm. Khi thủ đô Hà Nội giải phóng ông về Sở Văn hoá Hà Nội, lần lượt phụ trách Công ty Mỹ thuật, Đoàn cải lương và phòng Văn nghệ. Khi tôi vừa bước chân vào phòng Văn nghệ của ông để nhận việc, ông không giáo dục, răn đe theo kiểu cách thời ấy mà chỉ nói:
- Về đây, phải đi nhiều đấy, có xe đạp chưa, chưa có cho mua một chiếc...
Thời bao cấp ấy, được mua một chiếc xe đạp phân phối là hết sức khó khăn.
Tôi mau mắn đáp:
- Cảm ơn anh, tôi có xe đạp rồi!
Ông nhìn tôi, cười, nụ cười mang đầy vẻ quý mến.
Cho đến khi chuẩn bị thành lập Hội Văn nghệ Hà Nội, thì chức Tổng thư ký đầu tiên của hội này, Thành uỷ đã nhắm vào ông. Ông đã nhận nhiệm vụ trước, đã cùng với tôi và Minh Tâm làm mấy số tạp chí gọi là “trù bị đại hội”… Nhưng rồi đùng một cái bên Bộ Quốc phòng “trưng dụng” ông, “gọi” ông quay trở lại quân đội, đi công tác nước ngoài.
Sau nhiều năm “bôn ba nơi hải ngoại”, nay ông trở về Nhà xuất bản Hà Nội.
Thời gian đó, Ban Giám đốc Nhà xuất bản tổ chức cho anh chị em làm lao động ở cơ quan để kiếm thêm thu nhập và cải thiện đời sống. Đó là những công việc trước đây vẫn khoán trắng cho nhà in, hoặc phát hành, như bồi bìa lịch vào những dịp cuối năm dương lịch, hay đi bốc vác sách từ nhà in giao cho phát hành sách. Về sau, do “tình trạng thị trường”, công việc lao động đã phát sinh thêm một “công đoạn” nữa cho anh em làm thêm, ấy là “đóng giá sách”. Thông thường giá một cuốn sách, đều được tính toán và cho in luôn lên góc cuối ở bìa bốn cuốn sách ấy, nhưng ở thời điểm ấy, việc in một cuốn sách rất chậm, có khi vài ba tháng mới xong, trong khi đó ngoài xã hội, giá giấy, giá mực và tất cả giá các mặt hàng khác đều “bốc” lên từng ngày, cho nên chỗ in giá cuốn sách, nhà in bỏ trống, trước ngày phát hành, Nhà xuất bản lấy sách về đóng giá rồi mới giao cho bên phát hành.
Những ngày “lao động” như thế, cơ quan không vắng mặt một ai, ai vắng mặt, cử người nhà đi làm thay, bởi những “thu nhập thêm” như thế đã đóng góp rất quan trọng vào cho những đồng lương cố định, còm cõi, lại bị trượt giá, mất giá hàng ngày. Các “chức sắc” cao tuổi như ông Vũ Cao, ông Ngô Minh đều có “một chân”, và ông Ngô Minh cũng vẫn rất “nghiêm túc” thực hiện nhiệm vụ “cửu vạn” của mình, mà thường là rất hăng hái, xốc vác, “kiếm tiền một cách lương thiện, bằng sức lao động của mình…”.
Ông Ngô Minh vẫn là người luôn xả thân vì công việc, những khi nhiều bản thảo mà ông phải đọc, phải duyệt, thì đêm đêm phòng làm việc ở cơ quan của ông luôn sáng ánh đèn đến tận khuya, mà chả biết có cơm cháo gì không, hay đợi đến đêm về nhà ăn một thể? Ông đọc bản thảo chu đáo, tỉ mỉ đến từng câu chữ, chính ông đã có lần vạch ra cho tôi “một chữ dịch sai”, khi tôi đang dịch bộ truyện tranh Tam quốc diễn nghĩa cho Nhà xuất bản Hà Nội in ra.
Ông Ngô Minh còn là người rất chú trọng “bồi dưỡng nghiệp vụ” cho anh em biên tập của Nhà xuất bản. Ông rất hay tổ chức những chuyến “đi thực tế”, cho anh em đi sâu, đi sát với thực tế xã hội, những cái đó rất cần cho kiến thức của một biên tập viên.
Khi ông Vũ Cao cùng ông Ngô Minh nghỉ hưu, Thành uỷ cử bà Hoàng Ngọc Hà về làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội.
Trong buổi trao đổi “trình diện” đầu tiên với thuộc cấp của mình ở cơ quan, chị Hà không nói nhiều về tình hình nhiệm vụ chính trị cũng như kế hoạch trước mắt và lâu dài của đất nước, của cơ quan như thường thấy ở một số cán bộ tuyên huấn của Thành uỷ. Chị chỉ nói cách thức, thái độ làm việc của chị từ nay về sau ở cơ quan, có thể tóm lại bằng mấy chữ thế này: thực bụng, thẳng thắn và không quanh co úp mở.
Tôi thấy có cảm tình với thái độ khôn ngoan, khiêm tốn của người cán bộ chính trị này trước anh em văn nghệ sĩ trí thức.
Ngay sau cuộc họp đầu tiên đó, tôi lại là anh em biên tập đầu tiên được chị hẹn gặp vào sáng hôm sau.
Cuộc “đàm đạo” đầu tiên của tôi với chị Hà đã được mở đầu bằng sự thẳng thắn, không úp mở, cho nên những chuyện tiếp theo đều rất cởi mở… Tôi nói những điều chị Hà cần tìm hiểu, nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, những điều tôi nói chỉ là do kiến thức cũng như quan niệm của riêng tôi.
Sau đó có nhiều anh em nhà văn quan tâm đến xuất bản và tính cách của một vị “tướng mới” trong ngành xuất bản, đã hỏi tôi: “Bà Hà là người như thế nào?”. Tôi nói và nhấn mạnh:
- Đây là nhận định của riêng tôi: Bà Hà là một người tốt bụng, thẳng thắn nhưng lại rất mềm dẻo, rất quý trọng và rất thông cảm với anh em văn nghệ sĩ, chơi được, song cũng nên nhớ một điều rằng, bà Hà là cán bộ chính trị, người của Thành uỷ, mặc dù có tham gia sáng tác văn học.
Từ đấy, tôi với chị Hà càng hiểu biết về nhau hơn và dần dần trở nên thân thiết…
Chuyện vui buồn, kỷ niệm trong đời làm biên tập ở Nhà xuất bản Hà Nội của tôi rất nhiều, mà đều đáng viết cả, song với khuôn khổ có hạn của bài viết, nên tôi xin dừng lại ở đây.
* Bài đã được in trong cuốn 25 năm Nhà xuất bản Hà Nội (1979 - 2004). Nhà xuất bản Hà Nội, 2004.
** Nguyên cán bộ biên tập Nhà xuất bản Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Lê Bầu**
Nhà xuất bản Hà Nội