Những cộng tác viên đặc biệt
Tôi đặc biệt ấn tượng về sự thông tuệ giáo lý Thiên Chúa cùng thái độ làm việc thẳng thắn, chân thực và khiêm tốn của đức cha Nguyễn Văn Sang - giám mục toà Thái Bình. Lần ấy, khi bàn bạc bản thảo Lịch sử toà giám mục Thái Bình, tôi đưa ra hai tấm ảnh cần phải xem xét. Tôi nói: “Tấm ảnh chụp nhà thờ Thái Bình bị tàn phá trong chiến tranh, vì sao trong phần ghi chú lại không nói rõ nhà thờ bị tàn phá do bom của ai”. Cha Sang giật mình và nhận ngay là do mình sơ xuất và cha ghi ngay vào phần chú thích là “Nhà thờ Thái Bình bị tàn phá do bom của Mỹ…”. Còn tấm ảnh thứ hai, tôi đề nghị cha xem lại: “Vì sao cha đã hơn bảy mươi tuổi lại cõng trên lưng một chú bé tàn tật vượt qua cầu, trong khi đó người thư ký đi thong dong bên cạnh lại không giúp cha làm việc này?”. Cha Sang phản ứng tức thì: “Chết, không được đâu, tôi làm giám mục, tôi được Chúa giao cho sứ mệnh cứu giúp người nghèo khổ, trẻ em tàn tật. Việc này là trách nhiệm của tôi, làm sao tôi có thể từ chối được”. Thế mới biết, nhiều quy ước của nhà thờ nếu ta chịu khó tìm hiểu thì mới nhận ra nét đẹp cao quý của nó.
Làm sách Phật giáo, tôi có may mắn quen biết và kết thân với một nhà sư đáng kính. Đó là Thượng toạ Thích Viên Thành. Công việc “bếp núc” của nghề làm sách đã cho chúng tôi có điều kiện ngồi với nhau nhiều dịp. Thượng tọa Thích Viên Thành lúc đó còn trẻ, kém tôi vài tuổi vì vậy chúng tôi dễ nói chuyện với nhau, ngay cả những chuyện không nằm trong việc làm sách. Tôi rất khâm phục về kiến thức uyên bác của nhà sư về đạo Phật và cả triết học hiện đại. Tôi hỏi:
- Bận việc nhà chùa làm sao Thượng toạ có đủ thời giờ để đọc các tác phẩm của Kant, Smid, Ricardo, Hêghen và C. Mác?
- Người tu hành chúng tôi phải học suốt đời. Bây giờ sách vở nhiều lắm, càng đọc mình càng thấu hiểu những lời Phật dạy rất có ích cho chúng sinh mọi thời đại.
- Thế còn viết sách thì Thượng toạ viết vào lúc nào?
- Tôi ngủ ít lắm. Hàng ngày sau khoá lễ cuối cùng lại tiếp tục công việc viết sách. Tôi có thói quen viết về đêm.
Tôi đã hai lần đến chùa Văn Quán để lễ Phật và thăm nhà sư bị ốm. Tôi thật ngỡ ngàng trước cuộc sống giản dị và ngạc nhiên về sức làm việc của vị thượng toạ có dáng người cao gày này. Vừa tiếp khách Thượng tọa vừa phải trả lời điện thoại cho địa phương về công việc trùng tu các chùa do nhà sư phụ trách. Câu chuyện giữa chủ và khách luôn vừa bị gián đoạn, chốc lát lại có người vào báo là có thí chủ đến xin thượng toạ cách đặt hướng nhà hay tìm địa điểm để đặt mộ cho người thân... Công việc nào cũng được thượng tọa giải quyết một cách trọn vẹn, chân tình và dứt khoát. Tôi có cảm tưởng ở con người này có một sức làm việc không phải bằng sức lực thông thường mà bằng thần lực.
Thượng toạ nói với tôi:
- Nhà xuất bản đã giúp nhà chùa in được 5 cuốn sách. Với nhà chùa thì có 3 việc lớn là xây chùa, đúc tượng, in sách. Bác đã biên tập cho chúng tôi cả những cuốn sách này, Phật sẽ độ cho bác luôn gặp phúc lành. - Nói rồi nhà sư bày tỏ ý muốn đến thăm nhà tôi và xem phong thuỷ của ngôi nhà.
Tôi chưa hiểu nhiều về phong thuỷ và rất ít khi tiếp cộng tác viên tại nhà nên lảng sang chuyện khác.
Thật bất ngờ, không biết từ nguồn nào Thượng tọa đã đến thăm gia đình tôi vào một buổi tối sau bữa cơm chiều. Hôm đó, Thượng tọa rất vui vẻ, dáng đi thoăn thoắt. Ra đón khách, chúng tôi cùng khoác lưng nhau đi vào phòng khách. Cử chỉ thân tình đó đã giúp chúng tôi gần gũi nhau như những người bạn. Thượng toạ đã trao cho tôi phong chè lam thơm lừng và nói:
- Đây là lộc của nhà chùa. Đặc sản của vùng Hà Tây đấy. Bây giờ bác cho tôi đi thăm ngôi nhà, xem có giúp được gì về phong thuỷ không?
Tôi và vợ vui vẻ dẫn thầy lần lượt đi thăm các phòng, từ phòng khách đến phòng ngủ, từ bếp đến phòng thờ. Ngồi bệt xuống sàn nhà ở phòng thờ Thượng tọa đặt la bàn ra xem hướng nhà. Bỗng thượng tọa nói:
- Hai bác sinh năm nào?
- Tôi sinh đầu năm bốn mốt nhưng tuổi Canh Thìn còn nhà tôi sinh năm bốn lăm, ất Dậu.
- Chắc hai bác sống hoà thuận và hợp nhau lắm nhỉ?
- Vâng chúng tôi ít khi cãi nhau và nếu có thì chưa hết một ngày đã tự làm lành với nhau rồi.
Câu nói đó đã làm nhà sư bật cười, một nụ cười vừa hồn nhiên, vừa đôn hậu và chân thật. Quả thật tôi chưa gặp nhà sư nào có được nụ cười như thế. Nhưng rồi, nhà sư vội dừng lại giữ gương mặt của một người tu hành.
- Hai bác dọn về ngôi nhà này đã bao lâu rồi?
- Chừng khoảng năm hoặc sáu năm gì đó.
Nhà sư bỗng sững lại, gương mặt đăm chiêu, bàn tay cầm bút gõ nhẹ lên cuốn sổ nhỏ.
- Nếu hai bác về đây chỉ trong vòng bốn năm, bác sẽ gặp phải một tai ương nghiêm trọng có khi đột tử đấy. Hướng nhà này rất hợp với chồng nhưng rất bất lợi cho vợ.
Nhà sư nói xong, cả hai vợ chồng tôi toát mồ hôi và thú thật: nửa năm về trước, nhà tôi trên đường đi công tác bị một chiếc xe tải tông vào mũi xe con khiến dây chằng sống lưng bị giãn, phải nằm điều trị gần một tháng trời.
Trong lần đến thăm ấy Thượng toạ đã chỉ giúp tôi chỉnh lại hướng bếp và khuyên tôi nên thờ Phật cho nhà được mát mẻ và tránh được những điều chẳng lành. Nhà sư hẹn sẽ trở lại yểm tượng và hô thần nhập tượng. Một ứng nghiệm khác mà đến bây giờ tôi cũng chưa thể lý giải được. Chỉ sau chưa đầy một tháng được nhà sư dự đoán những hiểm hoạ rình rập, nhà tôi lại một lần nữa phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Lần này là bị ngộ độc thuốc bắc. Nghe người ta nói: uống thuốc bắc sẽ làm mát gan, hạ nhiệt. Chị em trong cơ quan uống thì không sao nhưng nhà tôi uống có nửa cốc thì thấy mặt mày xa xẩm, chân tay co quắp… Mọi người xúm vào đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán là bị tụt canxi. Và thật may cả bệnh viện chỉ còn một ống thuốc để cứu nhà tôi thoát chết.
Vậy là lời dự đoán của Thượng toạ Thích Viên Thành với sinh mạng của nhà tôi đã ứng nghiệm. Tôi thật sự kinh ngạc và chưa lý giải được sự việc xảy ra thì lại được chứng kiến cảnh tính toán về thời tiết một cách thần diệu của nhà sư.
Như trên đã nói, thượng toạ Thích Viên Thành đã nhận làm lễ hô thần nhập tượng cho nhà tôi. Sau khi tính toán, nhà sư nói rằng chỉ làm lễ vào tối ngày hai ba tháng chạp, từ 9 giờ đến 11 giờ đêm. Nếu không làm vào hôm đó thì không còn ngày nào khác trong năm, việc làm lễ phải chuyển sang năm sau.
Vào đúng tối hôm đó, sau khi tụng kinh niệm Phật nhà sư yêu cầu tắt đèn và niệm chú hô thần nhập tượng, mọi người cùng đọc theo và vỗ tay. Và thật kỳ diệu là ngay chính lúc đó ngoài trời đổ cơn mưa. Cơn mưa bất chợt khó đến và cũng bất chợt ngừng ngay. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 15 phút. Nhà sư nói rằng buổi lễ rất nghiệm rồi thu dọn đồ lễ ra về trước sự bàng hoàng của hàng chục người tham gia buổi lễ.
Lần thứ ba Thượng toạ Thích Viên Thành đã đến nhà tôi. Vừa đi Đài Loan về, nhà sư đến tặng tôi một chiếc chuông gió rất đẹp. Ngồi trong phòng khách, nhà sư chỉ ra những vị trí có liên quan đến phong thuỷ. Nơi này là cung phúc đức còn nơi này là cung bổng lộc… Nhà sư hỏi:
- Bác muốn treo chiếc chuông này ở cung nào?
Tôi buột miệng nói ngay
- Xin Thượng toạ đặt vào cung phúc đức.
Mỉm cười nhà sư nói:
- Sao bác khôn thế, cung này sẽ để lại cho con cháu. Tôi đặt ở cung này mong cháu gái học xong đại học sẽ sớm tìm được việc.
Lời nói đó thoảng qua, tôi ít để tâm đến. Nhưng sự việc xảy ra sau này, nghĩ lại tôi thấy nó như một dự báo rất linh nghiệm. Cũng trong năm ấy con gái tôi học xong đại học, chỉ sau 4 tháng đã có hai nơi gọi đi làm và nơi nào cũng rất thuận lợi, phù hợp với khả năng và mong muốn của cháu.
Nói đến thuật phong thuỷ và khả năng biết được những việc xảy ra trong quá khứ hay tương lai thì có người tin và cũng có người không tin. Riêng tôi, tôi có dịp làm quen với Thượng toạ Thích Viên Thành chỉ ra khả năng kỳ diệu của con người do khổ công tu luyện mà có được. Tôi rất khâm phục và kính trọng vị thượng toạ trẻ, tài đức vẹn toàn.
Trong nghề làm sách, tôi có duyên may được làm sách tôn giáo. Giáo lý của các tôn giáo đã giúp tôi hiểu đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời, sống vị tha, tự tại, thanh thản trước mọi biến động… Với các vị tu hành đáng kính đó là tấm gương sáng về sự tận tuỵ với cộng đồng, nghị lực làm việc và lối sống mẫu mực.
Kỷ niệm những ngày làm xuất bản luôn giữ mãi trong trái tim tôi.
Đỗ Ninh (Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội từ 1994 đến năm 2001)
Nhà xuất bản Hà Nội