Thời gian tôi công tác tại Nhà xuất bản, cơ quan tiến hành sửa chữa cải tạo, nâng cấp trụ sở ba lần. Công việc không chỉ đơn thuần về xây dựng do các đơn vị thi công thực hiện mà tôi phải trực 24/24 giờ để trông nom vật liệu, quản lý nhân công cùng gánh vác những khó khăn vất vả với đồng chí Tuấn (tôi vốn được cơ quan sắp xếp ở một phòng xép dưới chân cầu thang để tiện sinh hoạt và làm việc). Lần cải tạo xây dựng gần đây nhất vào cuối năm 2001 mang lại diện mạo trụ sở Nhà xuất bản hiện tại, ngoài việc quản lý chung, tôi và anh Tuấn được giao nhiệm vụ giám sát thi công bên A theo nhật ký công trình. Trong một quá trình thi công gần 4 tháng, không lúc nào chúng tôi vắng mặt tại hiện trường.
Với vai trò lái xe kiêm “quản gia tay hòm chìa khoá” của cơ quan, tôi thường xuyên cùng các đồng chí Ninh, Tuấn, Oánh làm công tác phát hành sách, lịch, văn hoá phẩm các loại ở các tỉnh phía Bắc. Do yêu cầu công việc, chúng tôi đi không kể giờ giấc, ngày lễ, ngày nghỉ. Thời đó, hạ tầng giao thông, phương tiện hết sức tồi tệ, trên đường có thể xảy ra đủ mọi chuyện bất trắc, phải linh hoạt xử lý, vất vả không kể xiết. Nhưng những chuyến đi đó để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ kể lại hai trong nhiều chuyến đi đó.
Chuyến thứ nhất, cuối năm 1987 âm lịch, sau tết ông Công ông Táo năm đó, ở Nhà xuất bản mặt hàng câu đối bán chậm, còn tồn nhiều. Theo kinh nghiệm phát hành nhiều năm của đồng chí Tuấn rằng ở các tỉnh, dân thường mua lịch và các loại văn hoá phẩm dịp đi chợ sắm tết nên tuy muộn vẫn có thể bán được. Tôi và anh Tuấn chở câu đối và một ít tranh ngũ quả đi bán ở Hưng Yên và huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Nhờ anh Tuấn có quan hệ trước nên kết quả tương đối thuận lợi, hàng giải quyết gần hết chỉ có điều chuyến đi đó khổ muốn chết vì đường sá và xe cộ.
Số là vì mặt hàng gọn nên chúng tôi chở hàng bằng chiếc xe Lada cũ của cơ quan. Tuyến đường quốc lộ 39 thời ấy tưởng không còn con đường nào xấu hơn. Mặt đường toàn ổ voi, ổ trâu. Xe đi trên đường mà cứ như tàu vượt biển trong bão. Trên đường về, qua một ổ trâu xe bị gãy bu-lông trục các-đăng. Lúc đó trời đã tối đen, hai bên đường là ruộng đồng bát ngát, nhà dân còn không có nói gì đến hàng sửa xe. Chúng tôi quyết định tự xử lý để bằng mọi cách phải bò được về nhà. Tôi và anh Tuấn kích xe, khuân thêm đá bên đường kê xe. Mặc dù trời rét đậm, chúng tôi cởi hết áo ấm thay nhau chui vào gầm xe nằm trực tiếp trên đường đất để xem xét tìm cách xử lý. May sao trong cốp xe lúc đó lại có đoạn dây thép đủ to và dài để chúng tôi phát huy sáng kiến, dùng dây thép buộc xiết 2 mặt bích trục các-đăng thay bu-lông, sau đó cố gắng cho xe chạy êm từ từ. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng về đến Hà Nội với mặt mũi và toàn thân lấm lem dầu mỡ, cát bụi. Bấy giờ hai anh em mới chợt nhận ra vừa đói vừa rét, cơn lạnh cuộn lên khiến chúng tôi rùng mình nhưng không át được niềm vui đang tràn ngập vì giải quyết được gần hết hàng tồn.
Chuyến thứ hai tôi muốn kể là chuyến đi Thái Bình vào cuối hè năm 1989. Chuyến đi gồm ba người là tôi, anh Ninh và anh Tuấn. Chuyến đó cũng toàn hàng gọn nhẹ nên chúng tôi đi xe Lada. Sau khi làm việc xong với Công ty Phát hành sách của tỉnh và huyện Vũ Thư, chúng tôi đi tiếp đến huyện Thái Thuỵ. Gần trưa, xe đang bon bon trên đường vắng thì chúng tôi rơi vào… ổ phục kích của công an. Thoạt đầu, nhìn lực lượng hùng hậu và vẻ mặt nghiêm trọng của họ, chúng tôi cũng thoáng giật mình. Sau khi xem xét giấy tờ và nghe đủ mọi lý lẽ trình bày, kiểm tra cẩn thận hàng trên xe, lực lượng công an mới cho biết họ được lệnh trên phong toả các tuyến đường trong tỉnh để vây bắt một con xe màu đỏ (trùng với màu xe của chúng tôi) phạm trọng tội, vì nhiệm vụ mong chúng tôi thông cảm. Chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc rất… thông cảm.
Chuyến đi này không thật thành công, cộng thêm thời tiết nóng bức và những chuyện không đâu nên chúng tôi hết sức mệt mỏi, căng thẳng. Trên đường về phải qua phà Tân Đệ, một bến sông rộng và là trục đường chính rất đông xe. Chúng tôi quyết định qua phà xong mới ăn trưa dù lúc đó đã hơn 2 giờ chiều, bụng đói mắt hoa. Trời nóng bức cộng thêm đói khát, trên phà chúng tôi nảy ra… sáng kiến, đùa mấy em nhỏ bán hàng rong mời chào là không có tiền, chỉ đổi bưu ảnh lấy ổi và mận với giá mỗi bưu ảnh lấy một quả ổi, hoặc ba quả mận… Tưởng đùa, hoá ra lại đắt khách. Thấy hay, cả người lớn bán hàng rong cũng xúm vào đổi chác, hình thành một cái “chợ con” ở một góc trên phà, đến nỗi khách đi phà quanh đó phải tròn mắt vì lạ. Việc mua bán khá sôi nổi, có cả việc thương thảo, kỳ kèo, mặc cả (số là bộ bưu ảnh gồm 10 cái, riêng mẫu hồ Hoàn Kiếm bán lẻ chạy nhất nên hàng cứ bị lệch bộ. Anh Tuấn ra giá riêng bưu ảnh hồ Hoàn Kiếm, số ổi và mận phải trả gấp đôi). Kết quả là chúng tôi không những giải toả được cơn khát mà còn đem về một túi ổi và mận làm quà. Và điều quan trọng nhất là tạo được niềm vui nhỏ trong chuyến đi không toại nguyện, thêm một kỷ niệm trong đời làm xuất bản, phát hành.
Tôi cũng được lãnh đạo giao cho cùng đồng chí Tuấn lo giấy in, phụ trách in ấn. Có những đợt in tài liệu quan trọng nhiềm hôm chúng tôi phải thay nhau ngủ dưới nhà in để theo dõi in đảm bảo không xảy ra sai sót. Có những khi tôi còn được phân công đi giao dịch với khách hàng, thu tiền, đòi nợ. Nhiều khi chủ nợ tránh mặt không gặp, tôi phải kiên trì chờ đợi để đòi được tiền. Có lần thu được nhiều tiền, mang trong mình hàng triệu tiền sách, đi đường cũng rất lo lắng nhưng đã cố gắng giữ gìn an toàn, về tôi đã giao nộp đầy đủ cho cơ quan, không thiếu một xu.
Thời đó, tất cả cán bộ công nhân viên chức ai cũng một lòng góp công sức để xây dựng Nhà xuất bản phát triển. Ban Giám đốc luôn chăm lo cho cán bộ công nhân viên và chia sẻ những khó khăn của đời sống. Với người dân trong khu phố, nhà ai cần giúp đỡ gì Nhà xuất bản cũng sẵn lòng, vậy nên mọi người rất yêu quý anh em. Có thời kỳ tôi còn được anh em tín nhiệm giao việc tổ chức bữa ăn trưa, tôi đã cố gắng nấu ăn lấy vừa rẻ, vừa đảm bảo chất lượng.
Trong đời công tác của tôi có hai nơi tôi quý nhất đó là: Tạp chí Văn nghệ quân đội - nơi rèn giũa tôi trưởng thành và Nhà xuất bản Hà Nội - nơi tôi coi là nhà của mình. Ở Nhà xuất bản, tôi không chỉ là một lái xe đơn thuần mà là một cán bộ thực thụ của phòng Hành chính nên được giao nhiều nhiệm vụ khác. Đây thực sự là mái nhà thứ hai của tôi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bốn mươi năm trong nghề lái xe tôi không để xảy ra một va chạm, tai nạn nào. Đơn giản vì khi lái xe tôi vẫn luôn tâm niệm “người đi đường cũng như người thân mình, mình không bao giờ muốn họ và người thân họ phải đau khổ”. Nên tôi cố gắng để lái xe an toàn.
Trải qua những năm tháng công tác trong môi trường quân đội và Nhà xuất bản Hà Nội tôi luôn nghĩ: “Mình là cán bộ ăn lương, là một đảng viên, mình phải làm việc vì tập thể, tập thể có tồn tại mới có mình. Những khó khăn, vấp váp sẽ giúp mình trưởng thành”. Tôi luôn nghĩ trong cuộc sống quan trọng nhất là tình người, mình sống tốt thì mọi người cũng sẽ sống tốt với mình. Bây giờ về hưu tôi vẫn cố gắng làm việc, vừa để vui tuổi già vừa đỡ đần cho con cháu.
Sau cùng tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo Nhà xuất bản Hà Nội qua các thời kỳ đã tạo điều kiện và tin tưởng tôi trong công việc. Cảm ơn các anh chị em trong cơ quan đã yêu quý và giúp đỡ tôi trong suốt thời gian tôi công tác ở đây. Đó là quãng thời gian tôi nhớ và trân trọng suốt đời.
Phạm Văn Hồ
Nhà xuất bản Hà Nội