Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đấy...
Sau 7 năm học tại khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật quốc gia Matxcơva Liên Xô mang tên họa sĩ Xuricop, gần cuối năm 1984 tốt nghiệp tôi về nước. Từ một nơi hoa lệ rực rỡ ánh đèn điện, sau hơn chục tiếng đồng hồ trên máy bay, “bụp” một cái về một nơi làng quê le lói ánh đèn dầu với đĩa rau muống luộc. Cảm giác thật khó tả! Nhưng cái khó tả ấy không thể so với những gì đang đợi tôi mà tôi không thể lường trước được...
Thật may mắn, tôi xin việc cũng không khó khăn lắm. Hồ sơ gửi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và chờ ngày đi làm. Thật tình cờ, có người đến chơi nhà và nói Nhà xuất bản Hà Nội đang cần họa sĩ. Chẳng phút đắn đo, tôi đến trường xin rút hồ sơ. Ông Trưởng phòng Tổ chức (đã từng quản lý sinh viên ở Liên Xô) tỏ ra tiếc vì đã thẩm tra kỹ về tôi trong thời gian ở Liên Xô nên ông mới nhận về.
Đến Nhà xuất bản Hà Nội, tiếp tôi là ông Đỗ Ninh - Phó Giám đốc, phụ trách công tác nhân sự. Mọi việc cũng đơn giản và tôi chờ quyết định về Nhà xuất bản Hà Nội. Nhưng trong quá trình chuyển đổi hồ sơ không ngờ “gay cấn” nhất lại là trên Bộ Văn hóa (vì ngành dọc - họ quản lý tôi) khi tôi xin đổi hồ sơ về Nhà xuất bản Hà Nội. Tôi vẫn còn nhớ như in cán bộ Ban Tổ chức tiếp tôi và nói lớn: “Anh đúng là từ trên trời rơi xuống, người ta đang mơ cái hộ khẩu Hà Nội không được. Còn anh, anh đứng núi này trông núi nọ, bây giờ chỉ có Tây Nguyên, Tây Bắc đang chờ anh thôi...”. Quả thực bây giờ nhớ lại vẫn thấy “vãi”. Rồi mọi chuyện qua đi...
Tháng 6/1985, tôi về công tác tại Nhà xuất bản Hà Nội.
Nhớ ngày đầu mới về, tôi thấy mình bỡ ngỡ nhiều quá. Mọi cái đều phải quan sát và phải thích nghi dần. Mọi người sống và làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất rất sơ sài và khó khăn. Nhưng quãng thời gian ấy cái đọng lại trong tôi nhất, dù khó khăn đến đâu tiếng cười vẫn ngự trị trong bầu không khí làm việc. Giám đốc Nhà xuất bản lúc đó là nhà thơ Vũ Cao để lại trong tôi những ấn tượng đẹp: với tiếng cười sảng khoái, tấm lòng đôn hậu, nhân văn và rất nghệ sĩ...
Những năm học ở Liên Xô, tôi được tiếp thu những kiến thức và thực hành về xuất bản, báo chí, in ấn của một nước hiện đại hơn ta rất nhiều. Những lần đi thực tập xuống nhà in, tôi thấy họ bắt đầu áp dụng mi trang bằng máy tính và in ấn bằng máy offset 6 màu, sách được gia công, vào bìa hoàn toàn bằng máy móc. Về nước, tôi phải làm quen với chữ in bằng chì, các bìa sách sau khi can tách phải đưa thợ khắc gỗ làm. Nhận bản in thử từ nhà in giấy thì đen, chữ đầy mực, chữ non mực, ảnh có chú thích: “Từ trái sang phải: ông X, ông N, ông Y...” nhưng chẳng thấy ai cả mà chỉ thấy một khung hình nhờ nhờ. Điều kiện làm việc buộc mọi thứ đều phải tính đến sự giản lược nhất. Đầu tôi cứ quay cuồng với những điều phải thích ứng đó.
Những năm 80 của thế kỷ trước, tuy có thay đổi cơ chế nhưng ngành xuất bản vẫn quản lý theo mô hình sản xuất theo kế hoạch, bao cấp. Sách cứ in hàng vạn cuốn rồi chuyển sang phát hành sách để tiêu thụ mà không xét đến nhu cầu thực của người đọc như thế nào. Các kho của bên phát hành có những khi chật cứng sách tồn đọng của các nhà xuất bản. Nhớ mãi một thời, đang trong giờ làm việc, thậm chí cả buổi tối khi có lệnh tất cả ai có khả năng khuân vác đều tham gia đi giao sách cho bên phát hành. Mọi người đi lấy sách ở nhà in rồi sang giao sách cho Công ty Phát hành sách Hà Nội. Cõng trên lưng mấy bó sách băng băng đi lên cầu thang của mấy tầng nhà, thấm đẫm mồ hôi mà vẫn thấy vui, và vui hơn nữa khi nhận những đồng thù lao sau khi kết thúc công việc.
Một thời gian khó kéo dài đi hết năm này đến năm khác, sách tiêu thụ rất chậm, việc làm bấp bênh, thu nhập của cán bộ nhân viên thấp. Tìm kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập chung của cơ quan là vấn đề nan giải của những người lãnh đạo thời kỳ đó. Nhớ mãi những buổi gia công bồi lịch ban đêm, cả cơ quan như một công trường, ngổn ngang nào phôi lịch, hồ dán, bìa cát tông gồ ghề với màu xám đen… Tiếng búa tán ôzê vang khắp phòng, ai ai cũng hăng hái làm để hoàn thành công việc nhanh rồi còn lĩnh tiền. Hay như thỉnh thoảng cơ quan lại mua được con lợn, hoặc trâu, bò, mọi người lại xúm nhau cùng mổ, rồi thái chia ra từng suất đặt trên giấy báo trải bên cạnh cây đa cho cán bộ công nhân viên. Thế là các gia đình lại có một bữa ăn “chất” hơn.
Những ngày ấy, mỗi sáng đến cơ quan mọi người quây quần bên ấm trà, mọi thứ chuyện được trao đổi rồi tiếng cười lại vang lên. Cộng tác viên của biên tập viên, họa sĩ cũng thường hay lui tới trao đổi với Nhà xuất bản. Có thời gian, dưới gốc cây đa, Nhà xuất bản mở một “quán bia”, chiều đến khi hết giờ phòng Hành chính tổ chức bán bia. Khách đến uống bia là những họa sĩ, nhà văn, nhà thơ - chủ yếu là những cộng tác viên của nhà xuất bản, nhưng quán chỉ tồn tại một thời gian rồi “sập tiệm”.
“Đổi mới” như một luồng gió mạnh ùa vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Ban Giám đốc đã mời một số chuyên gia tin học đến để phổ cập cho cán bộ của cơ quan. Hồi đó, tin học mới ở dạng trình duyệt MS-DOS với Window 3.1, cấu hình máy tính cực chậm. Mọi người tham gia đầy đủ, nhưng cứ hết giờ rồi về. Tôi trình bày với ông Đỗ Ninh là hết giờ làm việc cho phép tôi ở lại thực hành trên máy tính, đề nghị của tôi được ông chấp thuận. Dần rà, bằng nỗ lực và đam mê tôi đã bị cuốn hút vào tin học lúc nào không hay và vi tính đã hỗ trợ rất nhiều trong thiết kế đồ họa của tôi sau này. Có một điều tôi rất cảm động và vẫn nhớ mãi: trong điều kiện vật chất còn rất khó khăn, giám đốc trang bị cho phòng Vi tính một máy điều hòa của Liên Xô, còn phòng giám đốc vẫn là quạt trần suốt trong nhiều năm. Mỗi khi mất điện, tôi cùng một “bầy tiên nữ” “túa” ra ngoài, nhìn sang phòng bên thấy giám đốc vẫn ngồi làm việc với chiếc quạt giấy phe phẩy trên tay.
Hoạt động phong trào cũng là một thích thú của tôi. Được sự tín nhiệm của tập thể, tôi được bầu làm chủ tịch công đoàn. Việc “làm dâu trăm họ” rất mệt nhưng cũng có nhiều niềm vui. Tôi nhớ lần công đoàn tổ chức đi nghỉ ở Sa Pa, hướng dẫn viên báo với tôi lịch trình có địa điểm tham quan đi xa nên phải đi ôtô. Trong đoàn nhiều người hay bị say xe, người mà tôi quan tâm nhất trong số đó là cô Lê Anh Lê. Tôi nói với cô Lê phải uống thuốc chống say xe ngay. Một lúc sau, hướng dẫn viên đến gặp tôi báo thay đổi chương trình chỉ đi bộ thăm Hàm Rồng... Thế rồi, Lê Anh Lê “vai kề vai” cùng Chủ tịch Công đoàn... chân bước loạng choạng lên đỉnh Hàm Rồng, theo ngôn ngữ hiện đại, hồi đó chắc Lê Anh Lê “phê” thuốc lắm.
Hoạt động phong trào trong một cơ quan không hẳn như một số người suy nghĩ là ít người quan tâm tham gia. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là công tác tư tưởng và tổ chức. Từ những cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm đoàn viên để giới thiệu sang chi bộ xét đưa vào diện bồi dưỡng cảm tình đảng thì mới thấy lớp trẻ rất quan tâm. Hoặc như, có một đại hội công đoàn cơ quan mà bầu chọn đến lần thứ 2, hai người được đề cử số phiếu vẫn ngang nhau, không có đột biến. Qua đó mới thấy các đoàn viên cũng đánh giá tương đối đúng về người mình chọn. Một thời gian dài lãnh đạo mới chỉ quan tâm đến công việc mà thiếu động viên, khen thưởng xứng đáng kịp thời. Thăm dò ý kiến để nắm bắt tư tưởng, khi được nghe phản ánh thì lại cho là “bây giờ mà vẫn còn tư tưởng như thế”.
Tôi vốn là một người lính – một pháo thủ thực sự nên quen nói lớn và suốt cuộc đời vẫn quen “oang oang” vì sợ người khác không nghe thấy những gì mình nói. Thật kinh khủng, nhưng biết làm sao được vì nó quen rồi. Thẳng tính nên có người cũng chẳng ưa. Cái cá tính mỗi người ai cũng có. Nhiều năm được tham gia quản lý, tôi vẫn ngẫm về cá tính. Cá tính của bản thân mình là vậy, nên với người khác cũng vậy. Tôi luôn nghĩ, trong công việc hãy gác cá tính của họ sang một bên (mặc dù có lúc vẫn cứ săm soi), quan trọng nhất là thái độ với công việc như thế nào. Hãy đừng định kiến, định kiến đến nỗi thành căn bệnh để rồi định kiến tiếp và chỉ nhìn người khác bằng con mắt quen đến nỗi người khác muốn có sự thay đổi chân thành mà không nhận ra và không cho họ một cơ hội nào cả.
Một thời, Nhà xuất bản “đông vui nhất” - cơ quan tuyển nhân sự hết lớp này đến lớp khác. Người đến rồi lại đi, số người ở lại đếm trên đầu ngón tay, điều đó hợp với quy luật. Trong quá trình làm việc với các bạn trẻ đến thử việc, tôi nhận thấy nhiều bạn có kiến thức, vốn hiểu biết và cũng có chính kiến, tuy nhiên có không ít bạn lại có những câu hỏi rất ngô nghê như hỏi “bờ vở”, “giá thể” là gì, điều đó cũng dễ hiểu và thông cảm vì kinh nghiệm sống chưa nhiều hoặc vốn hiểu biết còn ít ỏi. Càng thông cảm bao nhiêu thì tôi càng bất ngờ và thất vọng bấy nhiêu khi sau này được chứng kiến có người từng trải phán một câu xanh rờn: “Làm gì có thời kỳ ăn dặm ở trẻ em”. Thế mới biết trường học và trường đời thật là vô tận.
Tôi là một họa sĩ, nói về ngành học cũng là ngành xã hội. Khi thi đại học, điểm văn của tôi vừa đủ điểm chuẩn vào Đại học Ngoại ngữ để đủ điều kiện đi học ở Liên Xô. Lẽ ra làm họa sĩ suốt đời, chẳng ngờ “trời” lại phán cho tôi sang ngả khác! Thôi thì “thế thì phải thế”! Sau khi kết thúc lớp “Lý luận cao cấp chính trị” loại giỏi, tôi được phân về phụ trách phòng Biên tập 2. Một thời gian dài, tôi và cô Hoàng Châu Minh (phụ trách phòng Biên tập 3) đeo mãi chữ “Q” mãi về sau “nước lên thuyền lên”, tôi và cô Châu Minh mới được công nhận là Trưởng phòng. Trước đây, tôi được làm Trưởng phòng Kỹ - Mỹ thuật tôi rất mừng. Nhưng nhận chức Trưởng phòng Biên tập 2 tôi thấy lo nhiều hơn vui vì tay ngang, lạ lẫm và khó khăn sẽ rất nhiều. Như trên đã nói, học là vô tận. Tôi cũng từng nói với mọi người trong phòng: Việc tôi được phụ trách phòng Biên tập 2 đấy là sự phân công của tổ chức. Tuy tôi nhiều tuổi, lại ở cương vị Trưởng phòng nhưng trong làm việc tôi không thể lấy điều đó áp đặt ý kiến của mình khi thẩm định bản thảo, bởi vì trong phòng có nhiều người là cử nhân chuyên ngành Văn, Sử, Triết học... giỏi hơn tôi rất nhiều. Trong quá trình làm việc tôi cần sự đồng thuận, nên sau khi bàn bạc, ý kiến của bất cứ ai đúng cần được sự tôn trọng, qua đó tôi đã học hỏi và trưởng thành rất nhiều. Từ sự chân thành đó, được mọi người giúp đỡ tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày trước ngành xuất bản nói chung và Nhà xuất bản Hà Nội nói riêng số đầu sách mỗi năm không nhiều nhưng mỗi đầu sách lại được in số lượng hàng vạn. Thời gian cứ trôi, trong lĩnh vực xuất bản xuất hiện “đầu nậu”, công việc tìm kiếm bản thảo cũng khó hơn. Thời kỳ này hình thành “liên kết” mà vai trò “đầu nậu” gần như thao túng khâu in ấn và phát hành. Càng về sau, công tác xuất bản gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Đứng trước thử thách đó, cơ quan áp dụng cơ chế khoán tài chính cho những người làm biên tập và một số người khác. Người được khoán hoang mang, lo lắng.
Đối với tôi, đây là một thử thách lớn. Trong khó khăn, bằng nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của mọi người tôi thấy được niềm vui, nhưng soi gương thấy mình gầy đi nhiều, vốn da nâu nay càng “tươi màu suy nghĩ” để rồi đến mùa phượng vĩ... về hưu.
Cơ chế khoán bắt đầu óc tôi phải suy nghĩ, với người khác tôi không rõ, nhưng với tôi việc cộng trừ nhân chia, tính toán này nọ tôi không thạo. Trước đây, mọi khâu đoạn khi làm sách do giám đốc quyết hết. Nay theo cơ chế khoán, cá nhân được khoán tự lo liệu từ A đến Z rồi báo cáo giám đốc duyệt.
Khoán đã thay đổi tôi trong cách sống, năng động hơn, bình tĩnh hơn, lắng nghe hơn và tính kiên trì thì bền bỉ hơn. Gặp đối tác khai thác để đi đến ký kết hợp đồng, không thể vội được và việc đầu tiên ở chỗ này, chỗ khác là phải biết uống rượu, cửa ải đó tôi cũng phải tập và vượt qua. Cái tôi lo lắng nhất mà lại khắc phục nhanh nhất là tính nóng của mình. Nhớ lại, có một lần xuống một Huyện ủy nọ để ký hợp đồng, mặc dù đã có hẹn, tôi đến ngồi chờ trước mặt họ gần một tiếng đồng hồ mà họ vẫn coi như không có, họ thản nhiên xem mấy cuốn tạp chí mới do văn thư chuyển đến, còn tôi “nuốt” cục tức vào lòng và kiên trì đợi... Rồi cuối cùng họ tiếp tôi với vô số điều kiện mới đặt bút ký vào hợp đồng. Ra về bực mà vui vì trong “túi” tôi đã thấy thêm ít tiền cho khoán.
Ký ức ngày nào cứ ùa về. Còn nhiều lắm...
Gần 25 năm trôi đi, đối với một con người đó là quãng đời đủ dài để suy nghĩ và nhớ lại. Thăng trầm đủ cả, rũ bỏ mọi ưu phiền để chắt chiu và gìn giữ cái đáng trân trọng nhất trong đời tôi - tình người, để hôm nay tôi như được chắp cánh thêm trên con đường nghệ thuật mà tôi đã chọn với một tâm hồn lộng gió: sống hết mình, làm việc hết mình và chơi hết mình.
Nguyễn Huỳnh Mai (Nguyên Trưởng phòng Biên tập 2, Nhà xuất bản Hà Nội)
Nhà xuất bản Hà Nội