Nhà văn Nguyễn Khắc Phục với những thông điệp trao truyền
Không phải là người con của Hà Nội, nhưng sống gắn bó và hiểu về Thăng Long - Hà Nội như thể đây là mảnh đất nơi ông sinh ra, nhà văn Nguyễn Khắc Phục lý giải về sự tồn tại, vững bền của Thăng Long - Hà Nội “không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai” mà bởi chính “thái độ anh hùng và văn hóa”[1]. Suy tưởng ấy của ông rất gần với những ý tưởng cho công trình thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đó cũng là cơ duyên của nhà văn Nguyễn Khắc Phục với NXB Hà Nội, để Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã tin tưởng chọn ông để “gửi vàng” với tư cách là chủ biên của công trình “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng”.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam vốn là lịch sử của công cuộc chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm. Chính từ trong quá trình lao động, đấu tranh ấy, võ thuật - từ điểm xuất phát như là một vũ khí, một phương tiện để sinh tồn và phát triển đã được người dân Việt bồi đắp, kết tinh thành một điểm tựa tinh thần, một sức mạnh của bản lĩnh và ý chí - truyền thống thượng võ. Thăng Long - Hà Nội, ngay cả thời điểm không phải là Thủ đô, vẫn là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại gắn với vận mệnh đất nước và vẫn luôn là mảnh đất lĩnh hội những tinh hoa văn hóa dân tộc. Truyền thống thượng võ của dân tộc Việt, bởi thế cũng ngấm sâu vào đất Thăng Long, người Thăng Long, trở thành một nét bản sắc, một vẻ đẹp riêng của mảnh đất ngàn năm văn vật này.
Với công trình “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cố gắng mô tả, khắc họa, lý giải những biểu hiện sinh động, trực quan, gần gũi của truyền thống thượng võ trên một số phương diện văn hóa và những mối quan hệ tương hỗ giữa truyền thống thượng võ và chủ nghĩa anh hùng. Qua đề tài, người đọc có thể hiểu về truyền thống thượng võ của đất kinh kỳ qua lịch sử hình thành - phát triển võ thuật Thăng Long - Hà Nội; qua hành trạng của các nhân vật lịch sử; qua kho tàng văn nghệ dân gian đến các trước tác khuyết danh cổ điển và hiện đại… Không chỉ dừng lại ở đó, truyền thống thượng võ còn thể hiện qua triết lý của người Thăng Long - Hà Nội nói riêng và người Việt Nam về võ thuật. Và khi đã vượt lên những biểu hiện cụ thể đời thường, “thượng võ” đã trở thành một phẩm chất, một truyền thống, một thứ sức mạnh để Thăng Long - Hà Nội và dân tộc Việt Nam bước qua được những bước thăng trầm lịch sử, chiến thắng được mọi kẻ thù bất kể là thiên nhiên khắc nghiệt hay kẻ thù hung bạo. Ở ngưỡng giá trị này, truyền thống thượng võ đã chạm đến đỉnh cao của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng dân tộc. Và nhà văn Nguyễn Khắc Phục coi đó là một bộ phận hợp thành hệ giá trị cốt lõi, hiện thực, phổ biến có tính quy luật của văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Dẫn dắt người đọc đi theo hành trình từ truyền thống thượng võ đến với chủ nghĩa anh hùng trên mảnh đất văn hiến, nhà văn Nguyễn Khắc Phục muốn khẳng định một chân lý: “Văn hóa (trong đó có hệ giá trị cốt lõi) là cái giá đỡ muôn đời cho lịch sử dựng nước và giữ nước của mọi quốc gia (...) mà lịch sử hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội là một trong những minh chứng hùng hồn và xác thực nhất”. Đó là một quy luật, cũng là một thông điệp mà ngòi bút giàu nội lực này luôn muốn chuyển tải trong mọi sáng tạo của ông. Và cũng như điều ông vẫn luôn ấp ủ gửi gắm trong các tác phẩm của mình, đề tài cũng chứa đựng một mong mỏi của nhà văn, đó là truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Điều này càng cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng là một động lực, một nguồn cảm hứng thôi thúc để nhà văn dành tâm huyết cho đề tài “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng” - một thử thách mới cho ngòi bút của nhà văn như chính ông chia sẻ.
Ở gần cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn miệt mài lao động ngòi bút một cách nghiêm túc, cẩn trọng. Người ta vẫn ví sức viết nơi ông như một dòng nham thạch sục sôi. Mặc dù ông vẫn khiêm tốn rằng "mình chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng nào đó trong con người mình viết ra”[2] nhưng ai đã biết đến ông thì sẽ hiểu, sức mạnh của ngòi bút ấy bắt nguồn từ chính cái tâm của một người công dân yêu nước, ý thức mạnh mẽ về sức mạnh của văn hóa đối với sự tồn vong của một đất nước, một dân tộcvà luôn mong muốn thông điệp ấy được trao truyền và lan tỏa. Với tâm huyết ấy, tin rằng công trình “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng” sẽ là món quà ý nghĩa cho những ai yêu và muốn hiểu về văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
[1] http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/nguyen-khac-phuc-o-chon-phu-du.html
[2] http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/nguyen-khac-phuc-o-chon-phu-du.html
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội