Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 20/11/2014 01:29
Nghệ thuật múa truyền thống Thăng Long – Hà Nội: Nét riêng của vùng đất địa linh nhân kiệt

Nghệ thuật múa Thăng Long – Hà Nội vừa có tính chất phong phú đa dạng   mang tính biểu trưng về giá trị của di sản văn hoá Việt Nam lại vừa mang sắc thái riêng trong sáng tạo của vùng đất địa linh nhân kiệt. Những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật múa - một loại hình nghệ thuật không thể thiếu của Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt là nghệ thuật múa truyền thống có thể tìm đọc cuốn “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại” do Lê Ngọc Canh chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.

 

Cảnh quan thiên nhiên và địa lý của Thăng Long – Hà Nội trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đã khẳng định: “Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Bởi thế, không có vùng đất nào ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ lại có được một kho vốn múa dân gian cổ truyền lớn và phong phú như Thăng Long – Hà Nội. Có thể nói, Thăng Long – Hà Nội gần như hội tụ đủ các hình thức múa dân gian của người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Qua thời gian và những giai đoạn lịch sử, nghệ thuật múa Thăng Long đã được bồi đắp và nối dài hơn.
 
Nghệ thuật múa truyền thống ở Hà Nội với múa trong lễ hội cổ truyền, múa tín ngưỡng và tôn giáo, múa trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng và múa cung đình Thăng Long. Múa dân gian trên đất Thăng Long – Hà Nội chỉ riêng trong địa giới Hà Nội trước năm 1961(địa giới Hà Nội được mở rộng lần thứ nhất) đã tìm thấy hơn hai chục vũ điệu cổ: Trống bồng, Sênh tiền, Chải cạn, Đèn, Bài bông, Phượng, Chạy cờ, Lân, Rồng… Danh mục múa dân gian trên đất Hà Nội càng được nối dài hơn khi địa giới Hà Nội được mở rộng ra bốn phía (1961, 1976, 2008). Không chỉ lớn về số lượng, múa dân gian trên vùng đất nghìn năm còn rất phong phú về hình thức, ngôn ngữ và ý tưởng nghệ thuật. Như múa rồng có mặt ở khắp mọi nơi trên vùng châu thổ Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long nhưng, riêng ở Thăng Long – Hà Nội lại có cá tính riêng biệt với nhiều hình thức hơn ở các địa phương khác. Theo phân tích của các tác giả trong cuốn “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại”, rồng Thăng Long mang vẻ đẹp hoành tráng, thể hiện uy quyền qua vẻ đẹp tôn quý, mềm mại, không ham cường lực, vũ dũng như con rồng trong nghệ thuật múa của các nghệ nhân Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh). Múa rồng ở các địa phương là rồng đuổi ngọc, rồng đơn (một đội hình). Ngoài rồng đơn, ở Thăng Long – Hà Nội còn có rồng cặp đực – cái và rồng lửa. Có thể thấy, múa rồng đơn các vũ công chỉ có thể diễn tả vẻ đẹp hấp dẫn của con vật thông qua các kiểu dáng bay lượn của rồng trong không gian, nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn của các vũ công và cách dẫn dắt khéo léo của người múa ngọc. Còn múa rồng cặp như ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì thì mang phong cách và ý tưởng nghệ thuật hoàn toàn khác. Tìm hiểu chúng ta có thể thấy, từ con vật biểu tượng cho quyền uy tối thượng, rồng của Triều Khúc đã mang nhiều cảm xúc nhân tính. Hình ảnh hai con rồng hoan hỷ sóng đôi, quấn quýt, vờn đuổi ấp cọ lấy nhau, chan hoà hạnh phúc. Ở đây có thể thấy hình ảnh của tình cảm yêu thương không màng danh lợi, quyền uy. Về rồng lửa, nét độc đáo thấy rõ ở múa rồng lửa của hai làng Khương Thượng và Đồng Quan - quận Đống Đa. Rồng lửa ở hai làng này không giống với rồng lửa mà ta thường thấy. Chúng được chế tác bằng rơm khô bện lại bằng lõi, ngoài bọc mo tre khô. Người nghệ nhân khéo léo giữ lửa than bên trong nhân lõi con vật sao cho rồng rơm có thể tự bốc cháy thành đuốc lửa ở thời điểm đã định trước. Có lẽ, không nơi nào trên cả nước có con rồng hoả đặc biệt như ở hai làng này. Vì thế, điệu múa rồng lửa cũng khác hẳn các vũ điệu rồng thông thường là do rồng còn được bổ sung thêm tính cách của nhiều chiến binh ở hai bên phải trái đội hình trung tâm. Đây là một ví dụ phân tích về múa rồng để thấy được nét riêng trong nghệ thuật múa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội.
 
Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội là giai đoạn tiếp nối từ nghìn năm trước khi các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Do đó, nghệ thuật múa Thăng Long – Hà Nội cũng được nối tiếp từ đó. Bởi thế, từ khi định đô Thăng Long đến nay, các thế hệ người Thăng Long – Hà Nội đã tạo dựng và để lại một kho tàng văn hoá đồ sộ và quý giá, một loại hình nghệ thuật không thể thiếu và có nét riêng biệt của vùng đất địa linh nhân kiệt: nghệ thuật múa truyền thống Thăng Long – Hà Nội.
 
Với kho vốn đồ sộ, phong phú về hình thức và màu sắc cảm xúc, các vũ điệu dân gian cổ có đủ khả năng góp phần giải quyết nhu cầu giải trí, hưởng thụ thẩm mỹ của con người trong xã hội làng xã. Kế thừa và phát huy những thành tựu nghiên cứu và các công trình đã có, “Nghệ thuật thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại” là một công trình nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh, đã hệ thống đầy đủ, bao quát và có giá trị khoa học cũng như thực tiễn sâu sắc.
 
 
Minh Thy
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)