Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 20/11/2014 01:45
Đôi điều về truyện cười kết chuỗi Thăng Long - Hà Nội

Truyện cười là truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống, trong hành vi của người đời, nhằm gây tiếng cười. Có thể là nụ cười mỉm nhưng thường là cười giòn giã, có thể là cười một cách vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng thường là cười mà phẫn nộ, mà khinh ghét. Kho tàng truyện cười dân gian Thăng Long - Hà Nội đã trải qua một tiến trình lịch sử lâu dài và dồn nén trong đó biết bao triết lý, bao ứng đối trước sự đổi thay của thời cuộc. Khảo sát mảng truyện cười kết chuỗi trong cuốn Truyện kể dân gian Hà Nội người đọc sẽ hình dung được diện mạo lịch sử một thời của mảnh đất Thăng Long qua khía cạnh độc đáo mà lý thú: ấy là tiếng cười.

 

Kho tàng truyện cười Thăng Long - Hà Nội cũng giống như một số thể loại văn học dân gian khác, nghĩa là với những truyện hay, quen biết, có giá trị phổ biến thì đều được lưu truyền rộng rãi trong cư dân ba mươi sáu phố phường, không chỉ bằng miệng mà còn có văn bản Nôm khắc in vào đầu thời Nguyễn, bán ở phố Hàng Gai. Tuy nhiên, truyện cười Hà Nội còn có những nét riêng của vùng văn hóa Kẻ Chợ và tiêu biểu cho hệ thống truyện cười Thăng Long - Hà Nội phải kể đến nhóm truyện cười xâu chuỗi, kết chuỗi Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Ba Giai - Tú Xuất. Đây là những truyện cười in đậm dấu ấn của văn hóa thị dân, văn hóa đô thị, văn hóa đất Kinh kỳ nghìn năm.

Trạng Lợn tên là Chung Nhi, vốn là kẻ văn dốt võ dát. Nhưng nhờ số đỏ và gan liều nên Chung Nhi lần lượt có được danh tiếng, vợ đẹp và trở thành Chân Trạng nguyên, rồi Cầm đầu sứ bộ sang Tàu, trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên… Thế là từ một thành phần hèn kém bị xã hội phong kiến khinh bỉ, anh chàng lái lợn dốt nát bỗng chốc trở thành quan trạng áo mũ xênh xang. Bằng cách xâu chuỗi nhiều mẩu chuyện nhỏ, hệ thống truyện Trạng Lợn đã tạo được những tình huống gây cười thật ngộ nghĩnh, nhằm vạch trần một hiện tượng lố bịch của xã hội phong kiến thối nát đương thời là kẻ có thực tài thì không được trọng dụng, kẻ ngu dốt huênh hoang gặp thời lại được làm quan, được coi là trạng nguyên. Qua hình ảnh Chung Nhi, tác giả đã cất tiếng cười chế giễu xã hội được xây dựng trên sự giả dối, mọi thứ đểu giả, kể cả trí tuệ cũng là trí tuệ giả, trạng nguyên là “trạng nguyên rởm”, tiến sĩ là “tiến sĩ giấy”.

Truyện Trạng Quỳnh tuy cùng loại hình với Trạng Lợn những đã tiến một bước xa hơn hẳn về cả nội dung phê phán hiện thực lẫn cấu trúc nghệ thuật. Trạng Quỳnh chĩa mũi nhọn vào mọi thứ quyền uy lớn nhỏ của xã hội phong kiến. Trạng Quỳnh đã đồng thời công kích cả vương quyền (Trên câm điếc, dưới cũng câm, Thừa giấy vẽ voi, Vụ kiện chôn văn. Trộm mèo của chúa…) lẫn thần quyền, hai thành lũy vốn từ lâu là thiêng liêng bất khả xâm phạm của chế độ quân chủ. Thế nên, vua Lê, chúa Trịnh, thần thánh, quan lại, sứ giả của “Thiên triều”… trong truyện Trạng Quỳnh đều là những hình tượng nhân vật ngu đần, kệch cỡm, đều trở thành những cái bung xung để làm trò cười cho nhân dân.

Ra đời muộn hơn, truyện trào phúng Ba Giai - Tú Xuất cũng cùng loại hình với Trạng Quỳnh về hình thái kết cấu và tính chất đả kích, là loại truyện được lưu truyền khá phổ biến ở Hà Nội thời cận đại. Thứ nhất Ba Giai, thứ hai Tú Xuất là dư luận tán thưởng của nhân dân Hà thành lúc đương thời. Ba Giai vốn là người Hà Nội gốc, còn Tú Xuất là con một ông đốc học ở Hà Nội. Cả hai người đều được học hành từ nhỏ nhưng cùng lận đận trên đường khoa cử, lại gặp lúc đất nước loạn lạc, nên đều tỏ ra bất mãn với thời cuộc, nhất là với thái độ hèn yếu của triều đình Huế trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp lúc đương thời. Đối tượng đả kích, châm biếm của Ba Giai - Tú Xuất khá rộng, từ tổng đốc, tri phủ, tri huyện đến chánh tổng, hào lý của địa phương (Họ xự xàng xê, Giả quan thanh tra, Lột áo gấm quan Hàn, Lột quần thầy lý…) đến cả các cô nàng chua ngoa ở phố phường Hà Nội (Cỗ quan tài trước Giao thừa, Tao bóp cho ngay đây mà coi, Nâu này của tôi hay của cô…) rồi bọn tay sai chó săn cho Pháp. Truyện Ba Giai - Tú Xuất in đậm văn minh đô thị đang bước phát triển cùng một thứ đạo lý bình dân phường phố. Nên truyện trước hết cũng giống như truyện cười nói chung, nhằm đánh vào những thói hư tật xấu trong xã hội nhưng trong truyện Ba Giai - Tú Xuất còn có chút khác biệt hơn, đó là tập trung đòn đánh vào những cái nhố nhăng, những cái chướng tai gai mắt của buổi giao thời. Truyện Ba Giai - Tú Xuất quen thuộc với nhân dân Hà Nội đến nỗi có những truyện mà ý nghĩa và triết lý nhân sinh của nó đã được đúc kết thành phương ngôn, ngạn ngữ thông dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Và bởi vậy, Truyện Ba Giai - Tú Xuất chính là vũ khí tư tưởng của nhân dân Hà Nội trong buổi giao thời đầy nhố nhăng, kệch cỡm, “chó đểu” (Vũ Trọng Phụng).

Truyện cười trước hết bao giờ cũng nhằm mục đích gây cười nên mọi chi tiết, sự kiện từ lời nói nhân vật, hành động, cử chỉ đều đáng cười và được đặt trong tình huống hoàn cảnh đáng cười, đầy kịch tính để cho nhân vật bộc lộ cái cười một cách tự nhiên bất ngờ. Nhưng truyện cười kết chuỗi Thăng Long - Hà Nội không chỉ đem lại tiếng cười mua vui mà hơn cả, nó còn bộc lộ thái độ sống, nhân sinh quan của những người Kinh kỳ: lên án, đả kích cái xấu xa, kệch cỡm, ca ngợi, tôn vinh những người bênh vực kẻ yếu, hợm hĩnh, bán nước cầu vinh… Đó phải chăng chính là nét riêng trong văn hóa ứng xử, văn hóa cười của đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay.


Nguyễn Dung

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)