Thăng Long – Hà Nội trong thơ Nguyễn Văn Siêu
Đứng trước dòng sông Hồng lịch sử, Nguyễn Văn Siêu đã choáng ngợp trước sự hùng vĩ của dòng sông của quê hương, dòng sông của lịch sử ngàn năm:
Một dòng sông trong trời đất đã có từ ngàn xưa
Đến trước dòng, bên thành luỹ cũ, ngắm ngôi lầu mới
Chốn mặt trời nơi bể Đông, ngàn ngọn nguồn đã định
Ngọn Tây Lĩnh lẫn trong mây, muôn hang bồng bềnh…
(Sông Nhị - Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu,
tập 4, trang 7)
và cùng với vẻ đẹp thơ mộng nên thơ, gợi bao tâm tình cho lữ khách:
Xa lắc ngàn thôn khói lửa hồng
Thuyền buồm ghé bến dặm ngàn thông
Lẻ loi tình khách nơi bờ bắc
Tư lự hồn trăng chốn bến đông
Mây cúi lùm xa dòng nước biếc
Trời cao lầu ngất khoảng thinh không
Xem ra vũ trụ luôn vui mắt
Ý vị đêm nay, ai cảm không?
(Ngắm trăng bên sông Nhị - Tuyển tập văn thơ Phương Đình
Nguyễn Văn Siêu, tập 4, trang 11))
Nếu như sông Hồng hiện lên với sự hùng vĩ và dữ dội thì sông Tô Lịch hiện lên trong thơ Nguyễn Văn Siêu có phần thơ mộng hơn, đúng với cảnh hiền hoà vốn có của nó:
Sông Tô uốn khúc lượn bên thành
Dải nước cát bùn đỏ vây quanh
Mua lụt dòng trong nhân biến đổi
Chung mầu sông Nhị dưới trời xanh
(Xem dòng sông Tô - Tuyển tập văn thơ Phương Đình
Nguyễn Văn Siêu, tập 4, trang 79
Khi du ngoạn hồ Tây, Nguyễn Văn Siêu lại không giấu nổi lòng ngưỡng mộ trước thiên nhiên và những ẩn chứa lịch sử của nơi đây mà bao đổi thay của thời cuộc không xoá mờ được những vẻ đẹp ẩn tàng của nó:
Cổ kim biến đổi lẽ thường
Giang sơn còn đó có lường biết không
Thành trì trơ trọi luống trông
Nước trời lờ lững một dòng trôi xuôi
Tiếng chuống tỉnh giấc mộng đời
Tàn thu thấy rõ cảnh trời sắc cây
Vui cho hết thú sớm nay
Trăm lo gột sạch dan tay bạn bè
(Du Hồ Tây – Tuyển tập văn thơ Phương Đình
Nguyễn Văn Siêu, tập 4, trang 14)
Với hồ Gươm, Nguyễn Văn Siêu không những để lại những vần thơ hay, lời văn đẹp mà còn để lại những kiến trúc như Tháp Bút, Đài Nghiên, cùng với những bút tích của mình trên bài minh trên nghiên đá. Tại đây, những bài thơ như “Ngồi uống rượu trong thuyền trước đêm trăng hồ Hoàn Kiếm”, “Bài minh trên Đài Nghiên”, “Đề thơ ở đền Nạp Kiếm hồ Gươm” đã miêu tả cảnh hồ, cùng lịch sử ngàn năm, sự trường tồn của kinh đô Thăng Long nói riêng của dân tộc Việt Nam nói chung:
Giữa hồ Hoàn Kiếm thấy rồng về
Nạp Kiếm bên hồ Tả vọng đề
Tinh đẩu giãi soi Nùng Lĩnh ngọn
Phong vân lồng lộng Nhị Hà đê
Non sông thống nhất nghìn năm trải
Trời đất bao dung một dạ thề
Chuông điểm chiều chiều vang bốn cõi
Muôn cây thanh nhã vững vàng ghê
(Đề thơ ở đền Nạp Kiếm hồ Gươm - Tuyển tập văn thơ Phương Đình
Nguyễn Văn Siêu, tập 4, trang 204)
Thăm quán Trấn Vũ, Nguyễn Văn Siêu lại không thể giấu được xúc cảm trước cảnh vật, thiên nhiên và những kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của nơi đây, để rồi cảm những u sầu và muốn “dựng thư phòng” để làm bạn với thiên nhiên:
Thành có hồ thôn, thôn có chùa
Bên chùa có trúc, trúc bên lầu
Ngày nọ lên chơi dễ cảm sầu
Khói nước một hồ thiên địa sắc
Tam sơn cây đổi cổ kim thâu
Nhìn ra thích thú non sông gấm
Muốn dựng thư phòng bạn lưới câu.
(Lên lầu chuông quán Trấn Vũ - Tuyển tập văn thơ Phương Đình
Nguyễn Văn Siêu, tập 4, trang 17)
Đó còn là niềm tự hào về ý chí quật cường, truyền thống anh dũng của cha ông khi đến viếng gò Đống Đa, ở phía Tây thành Hà Nội, nơi chiến trường xưa mà hàng vạn quân Thanh đã bị quân Tây Sơn đánh bại, xác quân Thanh chất thành đống:
Việc đã suy vong chống chọi chi
Tây Sơn quật khởi thế theo đi
Kẻ đâu ý mạnh khi lân quốc
Đất khách xem thường dễ thí si
Từ đó quan hà nhiều thảm lệ
Ngẫm xưa thảo mộc thẩy sinh bi
Đáng thương hài cốt về không được
Lổn nhổn gò thây nhìn thấy gì.
(Viếng Loa Sơn ở phía Tây thành , nơi chiến trường xưa - Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, tập 4, trang 291)
Thăm thành Thăng Long xưa, Nguyễn Văn Siêu cảm thấy tiếc khi Thăng Long không còn là kinh đô thuở nào, nhưng ông tỏ ra khâm phục nhà Tây Sơn - triều đại cuối cùng định đô ở Thăng Long:
Tây Sơn thẳng tiến đến Long Biên
Nhớ lại ngày này tứ thập niên
Muôn thuở sơn hà bên việt đế
Ba triều văn vật cậy Nam thiên
Mặt xanh tóc bạc còn nguyên đó
Nước chảy mây trôi vẫn mịt mờ
Ngả bóng cô thành thu sắc muộn
Việc qua mấy độ xót thương liền.
(Thăng Long hoài cổ - Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu,
tập 4, trang 141)
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, không thể nói hết những tình cảm mà Nguyễn Văn Siêu đã dành cho Thăng Long – Hà Nội. Chỉ có thể hiểu rằng Nguyễn Văn Siêu đã dành trọn cả cuộc đời cho mảnh đất này. Nơi đây lưu giữ tâm hồn, con người ông, để rồi từ đó Thăng Long – Hà Nội hiện lên trong thơ ông với muôn ngàn cảnh sắc và muôn ngàn tình yêu thương. Một Thăng Long – Hà Nội thâm trầm, cổ kính, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hoá của một kinh đô ngàn năm văn hiến trong những ngôi đền, toà tháp, tường thành; một Thăng Long – Hà Nội đẹp, quyến rũ bởi những dòng sông, những cảnh sắc nên thơ… tất cả đã góp phần tạo tác nên tâm hồn thơ Nguyễn Văn Siêu.
Hoàng Minh
Nhà xuất bản Hà Nội