Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 21/11/2014 04:18
Kho tàng truyền thuyết trong văn học dân gian Thăng Long – Hà Nội

Với vị thế là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, Hà Nội trong trường kỳ lịch sử phát triển, đặc biệt là từ thời Lý, cùng với việc định đô là cuộc phục hưng văn hoá dân tộc, cùng với những chủ trương của các nhà nước phong kiến về việc thu hút nhân tài thì tự thân Thăng Long cũng đã là “miền đất hứa” đối với nhân tài, kẻ sĩ và cư dân tứ chiếng. Do đó, Thăng Long – Hà Nội thực sự là “nơi hội tụ của bốn phương trời đất”, của không chỉ người Việt mà còn cả nhân thần và nhiên thần… Chính điều này đã tạo nên kho tàng các truyền thuyết dân gian vô cùng phong phú của Hà Nội ở cả phương diện truyền miệng và ghi chép.

 
Thăng Long là đất rồng bay lên. Rồng là một con vật truyền thuyết mà khi chọn con vật này để đặt tên cho kinh đô thì cũng đã thừa nhận đây là xứ sở của những truyền thuyết. Truyện kể xưa nhất mà lại còn cả dấu tích văn hoá vật thể trên đất Hà Nội đó là truyền thuyết “Bảy cây gạo”. Tương truyền, Lạc Phi, tức vợ Lạc Long Quân, khi sống bên Tây Hồ đã sinh ra một bọc bảy trứng. Bà kinh sợ bèn đem bỏ ra ngoài đê phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân). Sau trứng nở ra thành bảy con rồng bay vút lên trời xanh. Chuyện đến tai Lạc phi bà đã đến và trồng bảy cây gạo để ghi dấu các con. Có thể coi truyền thuyết Bảy cây gạo như mảnh vỡ của hệ thần thoại Việt cổ Lạc Long Quân – Âu Cơ đã bị các đời sau truyền thuyết hoá; đồng thời phần nào lý giải cho tên gọi Thăng Long (rồng bay lên). Vì nơi đây là “đất thiêng ngàn năm văn vật” nên chúng ta còn gặp ở Thăng Long rất nhiều con vật huyền thoại mà đi cùng với đó là những truyền thuyết về lịch sử, văn hoá của nơi đây. Có rồng vàng bay lên mở ra một kỷ nguyên độc lập, có rùa vàng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa (Truyền thuyết rùa vàng) và rùa vàng với truyền thuyết trả gươm (Truyền thuyết hồ Gươm) để khẳng định đất nước có chủ quyền và đã hoàn toàn độc lập, hoà bình. Đó còn là thần Bạch Mã, với vai trò như là kiến trúc sư chỉ rõ con đường quy hoạch thành Thăng Long mà nay còn đền thờ thần Bạch Mã. Có trâu vàng tắm nước hồ Tây tạo cho Thăng Long rất nhiều gương diễm lệ (Truyền thuyết hồ Tây), có hồ còn giữ được cái tên Kim Ngưu. Rồi lại có khá nhiều rắn. Phải là rắn mới gợi ra những huyền tích xa xưa để ta nhớ đến Giao Long thần kỳ, được người Việt gọi tên bố về hỗ trợ cháu con gặp nạn. Dấu tích của rắn có ở khắp mọi nơi: ở Lệ Mật phía Đông, ở Dịch Vọng phía Bắc và ở Linh Lang ngay chính giữa Kinh đô. Có thể nói Thăng Long là xứ sở của những câu chuyện huyền thoại, những con vật huyền thoại gắn liền với đời sống của nhân dân, những con vật linh thiêng phù trợ cho nhân dân. Điều đó lý giải vì sao Hà Nội có nhiều đền thờ, nhiều địa danh gắn liền với những huyền thoại, những con vật huyền thoại đó: hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Kim Ngưu, Lệ Mật, Linh Lang…

Có vật linh thiêng, Thăng Long – Hà Nội lại có cả những vị thần linh thiêng, cả nhân thần và nhiên thần. Đó là những vị thần đã trợ giúp nhân dân, trợ giúp Thăng Long trong quá trình hình thành như thần Tô Lịch/ Long Đỗ. Đây là vị thành hoàng của thành Đại La xưa, vốn được nhân dân vùng Hà Nội cổ lập đền thờ từ lâu. Đến đời Lý thì lại được tôn làm Quốc đô Thành hoàng, tức là vị thần bảo vệ thủ đô của cả nước (Truyện sông Tô LịchTruyện thần chính khí Long Đỗ). Đó còn là những con người đã giúp nhân dân nơi đây an cư lạc nghiệp. Nhiều người trong số họ được tôn thờ thành thánh như: Thánh Gióng - người đã đánh tan giặc Ân, rồi hoá về trời (Truyện Đổng Thiên Vương), hiện nay đền thờ Thánh Gióng có ở nhiều nơi, nhưng đền thờ chính và lễ hội Gióng chính thức là ở Sóc Sơn, Hà Nội. Đó còn là thánh Chèm (Truyện Lý Ông Trọng), thánh Đồng Đen ở giữa lòng Hà Nội… Mỗi thánh đều có sự tích để đi vào văn học dân gian. Không những thế Hà Nội còn có các thánh mẫu như bà Chúa Kho, Ỷ Lan, Liễu Hạnh, Quỳnh Hoa. Không những thế, các anh hùng chống giặc ngoại xâm cũng được nhân dân tôn xưng là thánh như thánh Phạm, thánh Trần…

Ngoài những câu chuyện dân gian lưu truyền các truyền thuyết huyền thoại cũng được ghi chép trong các sách Hán Nôm và các văn bản thần tích. Sách Hán nôm kể về các truyền thuyết dân gian có khá nhiều, trong đó đặc biệt phải kể đến là hai tác phẩm Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái. Đây là hai tác phẩm được biên soạn sớm nhất về truyện cổ dân gian Việt Nam, trong đó có nhiều truyện rất hay và tiêu biểu về cả tư tưởng và nghệ thuật, có giá trị mở nguồn cho tư duy văn xuôi về xu hướng chí quái - thần kỳ mang màu sắc huyền thoại. Trong hai tác phẩm này ghi chép khá nhiều về sự tích các vị nhân thần như: Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Đổng Thiên Vương, Rùa Vàng, Lý Ông Trọng, Thần Tô Lịch, Tứ vị Hồng Nương, Lý Thường Kiệt,...

Trong dặm dài phát triển của lịch sử, kho tàng truyền thuyết đã thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân, góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng trong đời sống văn hoá tinh thần của cư dân Thăng Long. Đồng thời chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử của Thăng Long. Đó là những giá trị cốt lõi về truyền thống anh hùng, tinh thần bất khuất truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, cũng như ý thức tự lực tự cường của dân tộc ta nói chung của Kinh đô ngàn năm văn hiến nói riêng.
 
 
Dương Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)