Ngược dòng thời gian 10 năm về trước, khoảng cuối năm 2004, Nhà xuất bản Hà Nội đề xuất ý tưởng xây dựng một dự án về văn hóa nhằm tổng kết văn hóa, văn hiến Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử 1000 năm. Được lãnh đạo Thành phố ủng hộ về chủ trương, Nhà xuất bản xúc tiến việc lập Dự án đầu tư. Tôi được lãnh đạo thông báo chuẩn bị tham gia. Gần như không đắn đo, tôi nhận lời ngay, bởi làm được bất cứ việc gì có ích cho Thủ đô yêu quý luôn là điều tôi hằng tâm niệm.
Sau đó tôi cũng ít nhiều băn khoăn vì từ trước đến nay chưa từng có chút khái niệm gì về công việc Dự án. Nhưng vì quá tâm đắc, mọi băn khoăn tạm thời được gạt bỏ. Hăng hái nhập cuộc, hóa ra mọi sự không đơn giản. Những điều tưởng chừng như đã quen thuộc, biết rõ, nhưng khi bắt tay vào việc chúng tôi mới thấy sự choáng ngợp trong kho tàng văn hiến mênh mông của một kinh đô 1000 năm tuổi, không biết bắt đầu từ đâu.
Nhưng rồi với sự quyết tâm, sự kiên trì của Nhà xuất bản, cùng với trí tuệ của nhiều nhà khoa học, bản phác thảo Dự án đã dần rõ hình hài. Gần cả năm sau đó, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhận được nhiều ý kiến đóng góp giá trị từ các nhà khoa học, các nhà quản lý. Sau mỗi cuộc hội thảo, một phiên bản mới của Dự án lại ra đời với sự chỉnh sửa nâng cấp từng bước. Đến phiên bản thứ 16, Dự án được hoàn thiện với tên gọi “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Dự án được thẩm định, phê duyệt, Nhà xuất bản được giao làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Đầu năm 2007, tôi được điều động làm Chánh Văn phòng chuyên trách tổ chức thực hiện Dự án.
Xây dựng Dự án đã khó, nhưng triển khai thực hiện nó còn nặng nề gấp bội. Dự án phải hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, đa dạng, lại hết sức đặc thù về chuyên môn, chưa hề có tiền lệ, trong điều kiện thời gian và kinh phí hạn chế. Tại Nhà xuất bản lúc đó, trong suốt 5 năm đã diễn ra một không khí làm việc khẩn trương, quyết liệt với chất lượng học thuật cao. Hội đồng Tư vấn khoa học do GS. Vũ Khiêu làm Chủ tịch, các ban Tư vấn chuyên môn của Tủ sách cùng các nhà khoa học làm việc say mê không kể giờ giấc, không tính đếm đến công xá, thù lao.
Sau một thời gian ngắn, mọi việc bắt đầu vào guồng. Các hạng mục điều tra, sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước, cơ cấu đề tài và việc nghiên cứu, biên soạn Tủ sách được triển khai đồng bộ với quy trình hết sức nghiêm túc, khoa học. Chúng tôi tổ chức hàng trăm hội đồng khoa học thẩm định, nghiệm thu đề cương và bản thảo của Tủ sách, đọc và góp ý cho hàng trăm bản thảo…
Và rồi, cái ngày trọng đại, thiêng liêng đã đến: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một niềm vui khôn tả vỡ òa trong tôi khi Tủ sách được cắt băng khai trương tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày 02/10/2010.
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến với hàng trăm tập sách cùng hàng ngàn trang tư liệu quý hiếm về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, với chất lượng cao về nội dung, đẹp về hình thức được đánh giá xứng đáng là một công trình có ý nghĩa lớn về văn hoá, chắc chắn sẽ phát huy giá trị trước mắt và là tài sản vô giá để lại cho các thế hệ mai sau.
Sau thành công bước đầu, Nhà xuất bản được lãnh đạo Thành phố tin tưởng giao tiếp tục triển khai Dự án Tủ sách giai đoạn II. Trong bối cảnh mới, Tủ sách giai đoạn II sẽ bổ sung cho kho tàng văn hiến Thăng Long - Hà Nội, đồng thời khai thác, quảng bá các giá trị văn hoá trong phạm vi không gian Hà Nội mở rộng, bổ khuyết cho những hạn chế của giai đoạn trước. Chúng tôi lại tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học trong chặng đường mới với tinh thần và quyết tâm không hề thay đổi.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ dẫn một số nét hết sức khái quát, sơ lược nhưng không thể không nói đến tình cảm sâu đậm của các nhà khoa học tham gia Dự án đối với Nhà xuất bản. Tôi được chia sẻ rằng chính sự nhiệt thành, tận tâm cùng thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần cầu thị của tập thể lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản đã thuyết phục hoàn toàn các nhà khoa học, xóa tan những e ngại ban đầu về khả năng của Nhà xuất bản khi đến với Dự án. Chính nhờ thái độ đó, tinh thần đó Nhà xuất bản đã tập hợp được hàng trăm nhà khoa học đầu ngành ở tất cả các lĩnh vực cống hiến quên mình cho Tủ sách - một công trình văn hóa trọng điểm của Thủ đô. Và đó cũng chính là một thành công lớn của Nhà xuất bản Hà Nội mà không dễ mấy ai đã làm được.
Cũng cần nói thêm trong khi căng mình thực hiện Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà xuất bản tổng hợp duy nhất của Thủ đô. Hàng năm, kế hoạch xuất bản luôn duy trì ở mức 400 - 500 đầu sách với hàng triệu bản in, hàng trăm triệu trang in, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và chính quyền Thành phố.
Với thành quả đã đạt được trong hành trình không dài 35 năm qua, đặc biệt với sự thành công của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, các nhà khoa học, các tác giả cùng đông đảo các cộng tác viên đã đánh giá Nhà xuất bản Hà Nội xứng đáng là một địa chỉ văn hoá đáng tin cậy của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Riêng với cá nhân tôi, qua thời gian tham gia thực hiện Dự án Tủ sách, đã thu nhận được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Đó sẽ là hành trang quan trọng để tôi tiếp tục đóng góp sức mình nhiều hơn nữa cho sự phát triển không ngừng của Nhà xuất bản trong chặng đường mới.
Phạm Quốc Tuấn