Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 25/11/2014 03:05
Nghế "Bà Đỡ" cho những "Đứa con tinh thần"

Sau khi ra trường, với bằng cử nhân văn học, tôi có quãng thời gian làm việc trái ngành đào tạo trước khi vào Nhà xuất bản Hà Nội. Vậy nên, khi được tuyển làm biên tập viên, tôi không chỉ vui vì có việc làm mà còn háo hức, tò mò với nghề biên tập sách.

 
Từ háo hức ban đầu ấy thấm thoắt nay đã mười năm! Một thập kỷ so với tuổi 35 của Nhà xuất bản chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ độ để tôi có cảm nhận riêng cùng kỷ niệm, cảm xúc về nghề biên tập.
 
Lứa trẻ chúng tôi vào năm 2004 là thế hệ sau gần 20 năm Nhà xuất bản Hà Nội mới tuyển biên tập viên. Có lẽ cái khoảng cách xa ấy nên cách học việc, của chúng tôi cũng có cái khác so với những lứa vào sau này. Đầu tiên chúng tôi được giao đọc bông rồi mới đến biên tập bản thảo. Đọc bông, những tưởng đơn giản chỉ đọc đối chiếu sao cho bông phải đúng với gốc từng câu, chữ, dấu chấm, dấu phẩy… nhưng khi làm chỉ lơ là, thiếu tập trung là có thể dẫn đến sai và sót lỗi. Đã có lần bọn trẻ chúng tôi được giao dán ảnh phụ bản làm market cho nhà in, đứa cắt, đứa dán, vừa làm vừa chuyện trò. Khi kiểm tra những tay sách đã in trước khi gia công, chú phụ trách phát hiện một ảnh chiếc cửa bị ngược, thế là phải in lại cả tay sách đó. Vì đang học việc nên chúng tôi chỉ bị nhắc nhở, không phải đền tiền in lại, nhưng đó là bài học đáng nhớ. Tôi bắt đầu ý thức công việc thật không đơn giản, nó khác xa với cái ý nghĩ thú vị ban đầu vào nghề rằng mọi người phải bỏ tiền để mua sách, dành thời gian để đọc sách, còn công việc hàng ngày của mình lại là đọc bản thảo của tác giả đầu tiên, tìm hiểu tri thức của nhân loại.
 
Vì toàn mới học việc nên đứa nào cũng ngu ngơ với nghề, với cả những khái niệm trong nghề. Tôi đã rất ngạc nhiên và thắc mắc khi đọc một bản thảo có chi tiết tác giả đến nhà xuất bản đã không giấu cảm xúc vui mừng vì được tận tay cầm vào can. Tôi đã hỏi các cô chú, sao ở nhà xuất bản mình không thấy có cái can nào, sao tác giả lại vui mừng khi cầm can? Mọi người được trận cười vì tôi đã không biết đó là bản can để in chứ không phải cái can để đựng.
 
Từ ngây ngô trong khái niệm, quy trình xuất bản đến cả sự trả giá do lơ là, thiếu tập trung, chúng tôi dần cứng cáp hơn. Để khuyến khích, động viên và cũng là tạo đích phấn đấu, chúng tôi được quy định nếu đọc không để sót quá 5 lỗi trên 100 trang thì được đứng tên sửa bản in. Lần đầu tiên được đứng tên sửa bản in, tôi đã ra hiệu sách để tìm cuốn Thư tình thời chiến có tên mình và mua nó với sự háo hức, vui sướng.
 
Đến với biên tập, bài học đầu tiên của chúng tôi là đọc một bản thảo rồi viết bản giám định tác phẩm. Chú phụ trách không hướng dẫn trước mà để cho chúng tôi tự do viết. Kết quả, bản giám định của mỗi đứa một vẻ, bản thì như bài văn bình luận, bản lại như bài phân tính, viết cảm nhận tác phẩm, túm lại là không có bản nào đúng với yêu cầu của một bản giám định tác phẩm.
 
Dẫu rằng sau đấy chúng tôi được phổ biến lý thuyết, bản giám định phải thể hiện sự đánh giá khách quan của biên tập, thậm chí cao hơn là cuốn sách sẽ đem lại nội dung gì cho độc giả và nó có gì mới hơn so với một loạt cuốn sách có đề tài gần với nó, hay như biên tập viên phải thử đặt địa vị mình vào công chúng để hình dung tác dụng của cuốn sách sẽ ra mắt... Lý thuyết là thế nhưng thật không dễ khi ứng dụng vào thực tế mỗi bản thảo. Bằng chứng là tất cả những biên tập viên khi mới vào nghề ai cũng sợ viết bản giám định tác phẩm và việc viết đi viết lại vài lần là chuyện thường tình. Cho đến bây giờ dù thạo nghề hơn, không phải vật vã mỗi khi viết bản giám định nhưng tôi vẫn phải dành thời gian trăn trở suy nghĩ, đắn đo lựa chọn ngôn từ, bởi qua bản giám định không chỉ thể hiện trách nhiệm của biên tập viên với tác giả, tác phẩm mà còn là trách nhiệm với cả độc giả.
 
Càng đi vào việc tôi lại càng nhận thấy công việc biên tập quả đúng như những “bà đỡ”, nhưng “nặng nhọc” hơn là phải góp công sức để tác phẩm đảm bảo nội dung hay, hình thức đẹp hơn trước khi đến tay bạn đọc. Để chỉnh sửa một câu từ hay một dòng, một đoạn, thậm chí là dịch chuyển dấu chấm, dấu phẩy biên tập viên đều phải cân nhắc cẩn trọng trước khi đặt bút sửa. Đặc biệt ở một nhà xuất bản tổng hợp như Nhà xuất bản Hà Nội, biên tập viên còn phải thực hiện những bản thảo không thuộc chuyên môn của mình nên để phát hiện những sai sót, bất hợp lý đã khó, việc sửa chữa, thuyết phục tác giả cùng chỉnh sửa, bổ sung hay cắt bỏ lại càng khó hơn. Khi ấy, không chỉ đòi hỏi biên tập viên phải có kiến thức phông nền rộng mà còn phải hết sức tế nhị và đầy thuyết phục khi làm việc với tác giả.
 
Cái khó, cái khắt khe đòi hỏi từ nghề đã có lúc tôi hoang mang lo mình không đủ năng lực để tiếp tục công việc, nhưng với tâm nguyện “cứ có lòng với nghề thì nghề không phụ mình”, tôi đã kiên nhẫn, học hỏi, không nản lòng, nhụt chí với công việc biên tập. Bản thảo khó tôi đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại, chỗ nào không hiểu, không rõ thì hỏi các cô chú, rồi tra cứu, tìm hiểu. Tôi đã làm biên tập như nhà văn Maksim Gorky nói về nghề văn: “Sáng tác thành công được là do ở nơi tác giả nghiêm khắc chiếu theo bản tính của vai chính của mình, nói hết những lời cần nói, làm xong những việc nên làm”. Cứ như thế tôi đã dần trưởng thành và được đứng tên biên tập. Thời chúng tôi, để được đứng tên biên tập phải sau khi được ký hợp đồng dài hạn và có 5 năm công tác tại Nhà xuất bản Hà Nội. Cuốn sách Con voi chui qua lỗ kim của Hội Nhà báo Hà Nội đã trở thành cuốn sách có ý nghĩa nhất trong nghề, vì nó đặt dấu mốc lần đầu tiên tôi được đứng tên biên tập.
 
Mười năm từ thực tế công việc, tôi nhận thấy vốn hiểu biết, sự cẩn trọng trong nghề có thể học hỏi, rút kinh nghiệm nhưng áp lực trách nhiệm của biên tập viên trước yêu cầu bản thảo làm sao để kịp tiến độ lại không được phép sai sót khi ra sách thì quả thực dù có thâm niên lâu năm cũng không thể quen, không thể coi là bình thường được. Có những bản thảo áp lực tới mức ngày làm trên cơ quan, đêm về nằm ngủ còn ú ớ, hốt hoảng “chỗ này sửa rồi sao sách in ra lại sai!”... Sợ toát mồ hôi, khi bừng tỉnh, thở phào, hóa ra mình đã mơ. Công việc không chỉ ám ảnh cả khi mơ mà cái nghề còn khiến cho những biên tập viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm cũng không bao giờ cho phép lơ là, thiếu cẩn trọng. Còn với tôi, biên tập không chỉ là một công việc nặng nhọc mà còn có thể xem là nghề có nhiều “độc hại” với những cú thót tim, vã mồ hôi hột...
 
Cái khó, cái nhọc nhằn và cả áp lực, sự căng thẳng của nghề, có lúc tôi thực sự nản lòng, muốn từ bỏ hẳn chuyển sang học và làm kinh tế. Nhưng thật kỳ lạ, mỗi bản thảo như một miền đất lạ, nó lôi cuốn, thúc giục tôi phải cày đất, gieo hạt, vun xới để hạt nẩy mầm, lên cây, đơm hoa kết quả và niềm vui gặt hái là sự đón chờ của độc giả, là nụ cười hài lòng của tác giả, là thấy mình tròn phận sự của một “bà đỡ” cho những “đứa con tinh thần”.
 
 
Đàm Thị Ly
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)