Những ngày đầu về phòng Biên tập tôi bắt tay vào công việc của mình với chức danh “học việc biên tập”. Vào nghề bằng tất cả những háo hức của một sinh viên vừa ra trường, bằng niềm yêu thích và những khao khát khám phá một công việc mới cũng là một thế giới mới, với tôi những ngày đầu đi làm là những ngày đáng nhớ. Tôi say sưa đọc những bản thảo được giao, bắt đầu tập đối chiếu từng chữ viết tay trên bản thảo gốc, bắt đầu làm quen với từng ký hiệu biên tập, bắt đầu tập sửa những câu chữ đầu tiên, bắt đầu tập viết thẩm định bản thảo… Những ngày ấy, công việc đối với tôi là một điều mới mẻ thú vị. Thú vị trong việc được đọc, được tiếp cận những cuốn sách ở dạng sơ khai nhất, thú vị khi được khám phá một bản thảo hay, thú vị cả khi phát hiện ra một điều gì cần phải sửa. Và thậm chí, tôi tìm thấy sự thú vị cả trong cái gấp gáp, vội vã, cấp tập của người làm sách khi chạy đua với thời gian để làm xong một ấn phẩm đúng thời hạn phát hành. Có được công việc mình yêu thích ngay khi vừa tốt nghiệp đối với tôi là một điều may mắn, may mắn hơn nữa là những ngày đầu tiên ấy tôi được học việc, được hướng dẫn bởi một biên tập viên giàu kinh nghiệm và đầy trách nhiệm. Bài học đầu tiên tôi được học đó là ý thức nghiêm túc về công việc mình đang làm. Tôi học được tính cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ, học được ý thức trách nhiệm đối với từng bản thảo, từng trang sách mình đang đọc. Đối với tôi, một người (cũng như trong rất nhiều người hiện nay) bước vào nghề biên tập mà chưa từng qua một trường lớp đào tạo về xuất bản, chưa từng được đọc một giáo trình về nghề làm sách, thì những gì tôi học được trong những ngày đầu đi làm thực sự là bài học vỡ lòng nhưng có lẽ cũng là bài học căn bản nhất mà một người biên tập cần phải khắc cốt ghi tâm.
Những ngày tôi làm việc với tư cách “học việc biên tập” đúng nghĩa nhất tức là làm việc trực tiếp trên bản thảo chỉ vỏn vẹn trong thời gian ngắn. Dưới sự phân công, phân nhiệm của lãnh đạo Nhà xuất bản, tôi được thuyên chuyển sang làm việc ở Văn phòng Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Với tôi đây là một điều may mắn nữa nhưng lại cũng là một thách thức. Bởi lẽ, ở nhiệm vụ mới tôi lại bắt đầu làm quen với những công việc của một chuyên viên văn phòng. Ở đây tôi và những người chị đồng nghiệp của mình - những chuyên viên, biên tập viên của Văn phòng Dự án không có nhiều cơ hội để làm việc trực tiếp với bản thảo nhưng chúng tôi lại có may mắn được tìm hiểu, được học hỏi và tự tích lũy cho mình những điều cần thiết cho công việc chuyên môn của một người làm biên tập bằng những kiến thức “nằm bên ngoài bản thảo” như cách giao tiếp, làm việc với cộng tác viên, như cách tổ chức bản thảo hay quy trình xây dựng market trình bày cho một cuốn sách… Và mỗi khi được giao đọc bản thảo với chúng tôi như tìm lại được niềm vui cũ, lại những háo hức và say sưa, lại những chăm chú và tỷ mẩn với từng con chữ.
Là người “gác cửa” cho mỗi trang sách, nghề biên tập đòi hỏi một bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn kiến văn rộng rãi, sự nhạy bén về mặt ngôn ngữ, khả năng cảm thụ tốt. Ở thời điểm hiện nay nghề biên tập còn đòi hỏi khả năng xây dựng đội ngũ cộng tác viên, sự nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu, thị trường... Không ít người vẫn băn khoăn liệu biên tập viên có phải là nghề dành cho người trẻ? Như tôi, vốn sống chưa nhiều, kinh nghiệm còn ít ỏi, những va vấp, thiếu sót là điều không thể tránh. Nhưng quan niệm “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều” và mỗi lần sai lại là mỗi lần mình có thêm một bài học, tôi lại tự nhủ, với nghề biên tập thì “nghề dạy cho nghề”, làm nghề cũng là mình đang học, tự học từ những bài học kinh nghiệm của bản thân, và học hỏi kinh nghiệm ở những người đi trước.
Nhà văn Nga Pautopxki từng ví công việc của người nghệ sĩ sáng tạo với hình ảnh người thợ ngày đêm miệt mài nhặt nhạnh từng hạt bụi quý để làm nên một bông hồng vàng. Cũng như thế, tôi nghĩ danh hiệu “nghệ sĩ của trang sách” dành cho người biên tập không phải là không xứng đáng. Bởi, đằng sau tên tuổi của tác giả bao giờ cũng có bóng dáng của biên tập viên - người cùng trăn trở, cùng sáng tạo, người “nhặt sạn, gạn trong” để mỗi chữ, mỗi câu đúng hơn, hay hơn, đẹp hơn, để mỗi một cuốn sách đến tay độc giả phải là một ấn phẩm thực sự có giá trị. Trong thời điểm hiện nay, với sự xuất hiện ồ ạt của các công ty, nhà sách tư nhân, với lượng khổng lồ ấn phẩm được phát hành trên thị trường hàng năm, biên tập viên trở thành một nghề khá phổ biến và không quá khó, quá sang, quá cao để những người trẻ vừa ra trường có thể có được chức danh này. Nhưng với áp lực công việc, gánh nặng của cơm áo gạo tiền, có bao nhiêu người vẫn giữ được đam mê hay vẫn theo đuổi đến cùng cái nghề mình đã lựa chọn. Tôi nghĩ đến câu nói của một nhà văn, cũng là một biên tập viên sách, rằng “Người biên tập phải có tấm lòng với sách, với người viết sách và với bạn đọc”. Tôi cũng là một người trẻ, một biên tập viên trẻ đang chập chững những bước đi đầu tiên, vẫn tự nhủ mình, hãy cứ cố gắng giữ cái tâm với nghề, chắc rồi thì nghề sẽ chẳng phụ mình.
Nhà xuất bản của chúng tôi đang đứng trước ngưỡng cửa của tuổi 35. Ba lăm năm ấy được tạo dựng và duy trì, phát triển bởi rất nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên, biên tập viên của Nhà xuất bản. Bằng sự nỗ lực nối tiếp chung tay bồi đắp, hơn ba mươi năm qua, Nhà xuất bản Hà Nội đang dần tìm được chỗ đứng, khẳng định được tên tuổi trong làng xuất bản. Thế hệ những người trẻ chúng tôi không phải là những người “chủ lực” nhưng lại chiếm phần đông, những đóng góp của chúng tôi chưa hẳn là nhiều nhưng chắc chắn, bản thân tôi và cũng như những người trẻ khác ở đây, mỗi ngày trôi qua vẫn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình và vẫn mong muốn có nhiều cơ hội được cống hiến nhiều hơn nữa để Nhà xuất bản ngày càng đi lên.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội