Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 05/12/2014 08:44
Bước khởi đầu gian nan

Ra đời với nhiệm vụ là công cụ giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến đường lối chủ trương chính sách của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội cùng với định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho bạn đọc Thủ đô, song ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà xuất bản Hà Nội đã phải đối mặt với rất nhiều gian khó. Thực hiện Nghị quyết số 1643/NQ-TU của Thường vụ Thành ủy, Nhà xuất bản Hà Nội đã có những thay đổi về cơ bản trên nhiều mặt.


Về cơ cấu tổ chức:
 
Thành ủy bổ nhiệm nhà thơ Vũ Cao, thượng tá quân đội, nguyên Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội, về làm Giám đốc và 2 đồng chí Phó Giám đốc là Nguyễn Kế Vân và Ngô Xuân Sách giúp việc triển khai khối biên tập và khối sản xuất trị sự.
 
Cơ cấu Nhà xuất bản được thay đổi. Đứng đầu là Giám đốc – Tổng Biên tập, dưới là Phó Giám đốc Phụ trách Biên tập trực tiếp phụ trách Tổ biên tập sách chính trị - xã hội, khoa học – kỹ thuật và Phó Giám đốc phụ trách Sản xuất – Trị sự trực tiếp phụ trách Bộ phận Tổ chức cán bộ; Phòng Kế hoạch;  Bộ phận Tài vụ - Kế toán; Phòng Hành chính quản trị.
 
Về tài chính và cơ sở vật chất:
 
- Cấp trụ sở mới tại số 4 phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
 
- Thành phố cấp vốn lưu động ban đầu là: 118.000 đồng.
 
- Hàng năm được cấp chỉ tiêu 15 tấn giấy địa phương và 3 tấn giấy của Trung ương để in sách.
 
Về chế độ hạch toán: Theo sự nghiệp có thu.
 
Những yếu tố trên là điểm khởi đầu thuận lợi và là nguồn động lực to lớn cho cả một quá trình làm việc đoàn kết, gắn bó và đầy hiệu quả của toàn thể cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội.
 
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, Nhà xuất bản Hà Nội phải vượt qua nhiều khó khăn do hoàn cảnh khách quan mang lại. Nhà xuất bản đã có trụ sở riêng để làm việc và giao dịch song đó chỉ là một ngôi nhà 2 tầng vẻn vẹn 60m2 xây dựng, lại qua tay nhiều chủ nên rất dột nát, cửa rả đều bị tháo dỡ và đang có nguy cơ bị lấn chiếm. Vì thế, cán bộ cơ quan vừa phải làm công tác dân vận, lại vừa phải thay nhau trực bảo vệ trụ sở suốt cả ngày lẫn đêm, đồng thời đôn đốc sửa chữa dọn dẹp khẩn trương để sớm ổn định.
 
“An cư lạc nghiệp”. Sau khi đã có trụ sở và làm lễ ra mắt, Nhà xuất bản Hà Nội từng bước hoạt động ổn định, hiệu quả. Lúc này, Nhà xuất bản có gần 30 cán bộ công nhân viên tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Đội ngũ biên tập viên của Nhà xuất bản hầu hết là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội như Vũ Cao, Xuân Sách, Hà Ân, Lê Bầu, Vũ Đức Nguyên, Phùng Thái, Trần Minh Tâm, Trương Ngọc Liên, Nguyễn Văn Hoan… đã nhanh chóng xây dựng được mạng lưới cộng tác viên vững mạnh. Nhà xuất bản Hà Nội dần dần trở thành điểm hẹn, là nơi hội tụ, là một trong những “xalông văn học” của Thủ đô. Các tác giả danh tiếng như: Phạm Khắc Hòe, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, v.v... đã nhiệt tình cộng tác với Nhà xuất bản, góp phần khẳng định vị thế của một nhà xuất bản Thủ đô.
 
Cũng từ đây, Nhà xuất bản Hà Nội phát huy chức năng nhiệm vụ của một nhà xuất bản tổng hợp qua việc xây dựng và triển khai kế hoạch đề tài trên bốn mảng sách lớn: chính trị - xã hội, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật và thiếu nhi. Tỷ lệ giữa các mảng sách cũng được tính toán cân đối nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố, đồng thời đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm độc giả. Kế hoạch đề tài với cơ cấu hợp lý có vai trò quan trọng trong việc triển khai hoạt động và định hướng phát triển được xây dựng hàng năm. Từ đó tới nay, kế hoạch đề tài của Nhà xuất bản vẫn được xây dựng theo cơ cấu đó, với sự điều chỉnh chút ít về tỷ lệ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng năm. Có thể nói đây là ưu điểm nổi bật trong chặng đường đầu tiên, tạo tiền đề vững chắc cho những chặng đường tiếp theo của Nhà xuất bản Hà Nội.
 
Cùng thời gian này, việc xuất bản in ấn còn gặp nhiều khó khăn. Số giấy được cấp theo chỉ tiêu rất hạn chế, chất lượng lại không cao. Sách của Nhà xuất bản được chỉ định in tại Xí nghiệp In Hà Nội, nơi máy móc phần nhiều cũ kỹ, lạc hậu nên còn yếu về hình thức và chủ yếu tiêu thụ qua Công ty Phát hành sách Hà Nội. Khả năng tài chính eo hẹp (vốn được cấp là 118.000 đồng) cũng là một nguyên nhân gây trở ngại cho việc mở rộng hoạt động của Nhà xuất bản. Cơ chế bao cấp giữ cho hoạt động xuất bản ổn định nhưng mặt khác cũng tạo ra sự trì trệ, kém năng động. Thêm vào đó, do vật tư hiếm nên số đầu sách bị hạn chế, dẫn tới tình trạng các tác giả phải “xếp hàng” chờ kế hoạch. Sách được in ra phần nào có tính chất “mặt trận” nên nhiều cuốn chất lượng chưa cao: nặng về đúng mà nhẹ về hay, chưa thu hút bạn đọc. Vào những năm 1983 - 1984, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sách càng in càng lỗ và bị tồn đọng lớn ở một số đề tài. Cơ chế quan liêu bao cấp ngày càng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vào tháng 10/1984, đồng chí Đỗ Ninh được điều về làm Phó giám đốc Nhà xuất bản thay đồng chí Kế Vân nghỉ hưu và đồng chí Xuân Sách chuyển công tác.
 
Trong giai đoạn đầu tiên (1979 - 1984), trải qua những thuận lợi và khó khăn to lớn, Nhà xuất bản Hà Nội đã bước đầu khẳng định được vị thế của mình, đồng thời tích trữ được nguồn lực để bước tiếp trên những chặng đường mới.
 
 
Phòng Biên tập
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)