Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 10/12/2014 05:11
Thăng Long – Hà Nội Đô thị tiêu biểu của Việt Nam truyền thống

Thăng Long – Hà Nội là đô thị có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, việc phục dựng lại bức tranh chân thực lịch sử của đô thị Thăng Long – Hà Nội đặt ra nhiều thách thức với nhà nghiên cứu và viết sách. Giới hạn khung nghiên cứu trong 3 thế kỷ XVII – XVIII – XIX (cho đến thời Pháp thuộc) là một thời đoạn đặc biệt đối với sự phát triển của một đô thị lâu đời, là “những thế kỷ đầy biến động và nghịch lý, những thế kỷ vừa của sự trỗi dậy, vừa của sự suy sụp”. Trên bình diện địa phương, hoà cùng đà hưng khởi đô thị toàn quốc, bắt gặp với những giao lưu khu vực và quốc tế, Thăng Long - Kẻ Chợ cùng đạt tới đỉnh cao của sự phát triển kinh tế - văn hoá đô thị. Cuốn sách “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 là món quà nhỏ chân thành của một người tha thiết một tình yêu và lòng ham muốn hiểu biết thấu đáo Thủ đô của mình tặng cho Thủ đô nhân Đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi.

 
Với con mắt và tầm nhìn chiến lược xa rộng, ưu thế địa - chính trị, địa - văn hoá của kinh đô Thăng Long đã được vua Lý Thái Tổ chọn lựa làm nơi xây dựng đế đô lâu dài, biểu hiện trong Chiếu dời đô năm Canh Tuất (1010): “Thành Đại La … ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện đường nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…” (Toàn thư).
 
Thăng Long - Hà Nội - cái tên mang tính lịch sử của một vùng đất được xem là một không gian xã hội đô thị truyền thống. Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, tên gọi Thăng Long – Hà Nội gợi lên một sự khai sinh truyền thuyết là Long Đỗ (bụng rồng, rốn rồng), khu vực trung tâm vùng đất này mang nhiều tên gọi khác nhau như Tống Bình, Đại La (thời Bắc thuộc) rồi sau đó là Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành, cuối cùng là Hà Nội (từ 1831). Ngoài ra, còn có nhiều tên gọi không chính thức được lưu hành trong dân gian như Tràng An, Kẻ Chợ, Thượng Kinh, Phượng Thành, Long Thành, Long Biên, Hà Thành hay Thành Hoàng Diệu (sau Cách mạng tháng Tám).
 
Xét theo một tiêu chí rộng, đô thị Việt Nam đã từng xuất hiện từ khá lâu trong lịch sử và tồn tại trong nhiều quy mô và dạng vẻ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đô thành và đô thị như Phong Châu, Luy Lâu, Hoa Lư hoặc Tây Đô sau này là Phú Xuân - Huế thường nặng về tính chất quan liêu, những đô thị đậm màu sắc kinh tế - dân gian, tuổi thọ thường ngắn ngủi hơn đô thị hành chính như Vân Đồn, Vạn Ninh, Vị Hoàng, Phố Hiến ở miền Bắc, hay Thanh Hà, Hội An, Cù Lao Phố ở miền Nam không thể nào sánh được với Thăng Long - Hà Nội – kinh đô - thủ đô ngàn năm tuổi. Với vị thế là kinh đô - thủ đô ngàn năm tuổi, Thăng Long - Hà Nội là đô thị lớn nhất nước về địa bàn và các hoạt động kinh tế, cũng như các mối giao lưu với các vùng miền khác nhau trong cả nước, là địa bàn chủ yếu đã diễn ra những sự kiện chính trị tạo nên những bước ngoạt lịch sử. Hơn nữa, Thăng Long - Hà Nội cũng là đô thị tiêu biểu cho sự cân xứng. Trải qua 1000 năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là đô thị duy nhất của đất nước tạo nên sự cân đối giữa chính trị và kinh tế, giữa thành và thị, giữa hai yếu tố nhà nước và dân gian. Vị thế “thứ nhất kinh kỳ” đã khẳng định Thăng Long – Hà Nội là một đô thị tiêu biểu, một vi mẫu của xã hội Việt Nam truyền thống.
 
Lịch sử đã cho thấy không gian của Thăng Long – Hà Nội là một không gian mở, có những biên giới mềm và diện tích co giãn, toả rộng ra nhiều vùng phụ cận. Trong lịch sử, Kinh thành Cổ Loa của Thục An Dương Vương chính là một tiền thân của những toà thành Thăng Long – Hà Nội sau này, mặc dù nó vẫn nằm ở ngoại vi chứ không ở chính trong khu vực nhân lõi đô thị… Tuy có sự co giãn nhưng về đại thể, cấu trúc của khu nhân lõi đô thị đã bao gồm 3 bộ phận: thành, thị và vành đai ven đô. Phố phường là bộ mặt chủ yếu của đô thị nhưng nó là sản phẩm sinh ra từ toà thành quan liêu. Mặt khác, phố phường lại được nuôi dưỡng bởi những thôn làng dân dã thuộc vành đai ven đô.
 
Trong suốt thời trung đại, vị trí của Thăng Long - Kẻ Chợ vẫn là một trung tâm hội tụ kinh tế của toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ và toả rộng ra trong cả nước. Vị trí trung tâm hội tụ đó đã được các vương triều phong kiến và nhân dân cả nước khẳng định từ lâu “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” (Chiếu dời đô) và “thứ nhất kinh kỳ”.
 
Phân tích về đô thị Thăng Long – Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng, về mặt kinh tế - xã hội, Thăng Long – Hà Nội đã hàm chứa cả những ưu thế cũng như những hạn chế, sức mạnh và khuyết tật trong cấu trúc và dạng thức phát triển của xã hội Việt Nam truyền thống tiền cận đại. Đó là một Việt Nam thu nhỏ, được cô đặc lại. Để hiểu và có một cái nhìn sâu sắc hơn về đô thị Thăng Long – Hà Nội độc giả có thể dõi theo toàn bộ nội dung của cuốn sách “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX” với 5 chương với 492 trang sách được viết nên bởi niềm thôi thúc của một tình yêu và lòng ham muốn hiểu biết về thủ đô Hà Nội. Và ở đó, bạn đọc có thể ôn lại, tôn vinh và tự hào về truyền thống lâu đời và nguồn tài nguyên nhân văn quý giá của Thủ đô.
 
 
Minh Thy
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)