Tư liệu về địa chất, địa mạo của Hà Nội
Vốn là một vùng đồng bằng châu thổ ven sông nên ngay từ đầu những cư dân ở đây đã lợi dụng các dòng chảy để đi lại và giao lưu trong vùng. Càng về sau, hình thức này càng phát triển do nhu cầu giao tiếp và trao đổi hàng hoá cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia. Từ kinh thành Thăng Long xưa có thể theo sông Đuống về miền Đông Bắc qua cửa Bạch Đằng, về phía đông nam và nam theo dòng sông Thao, sông Lô, sông Đà. Ngày nay, do thiên nhiên và tác động của con người, một số dòng sông đã bị bồi lấp, không đi lại được nữa, như sông Đáy. Hà Nội vẫn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá không chỉ của đồng bằng Bắc Bộ nói riêng mà còn đối với cả nước nói chung.
Thủ đô Hà Nội có vị trí địa lý – chính trị rất quan trọng đối với cả nước. Với vị thế là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước, Hà Nội là nơi tập trung nhân tài vật lực từ các vùng phía tây, tây - bắc, phía bắc, đông - bắc và đông tới để tiếp tục chuyển về phía nam và ngược lại. Nghị quyết 8 của Bộ Chính trị ngày 21/1/1983 đã khẳng định: “Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá, khoa học – kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế, một trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước”.
Tại kỳ họp thứ III khoá XII ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội. Từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội được mở rộng với diện tích là 3.324,92km2 gồm toàn bộ diện tích của Hà Nội trước ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Diện tích của Hà Nội hiện nay được mở rộng nhất so với bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của đất nước. Với diện tích lớn gấp 3 lần trước đây và dân số tăng lên gấp đôi nên Hà Nội có đầy đủ điều kiện thiên thời - địa lợi – nhân hoà để xây dựng được một thủ đô văn minh, hiện đại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Thành phố Hà Nội - Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm văn hiến với những dấu tích lịch sử và văn hoá còn lưu lại. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, do quá trình đô thị hoá, diện tích đất nông nghiệp, diện tích hồ ao ở Hà Nội đã bị thu hẹp nhiều, nhường lại cho các khu đô thị, các khu công nghiệp đang ngày càng mở rộng. Thậm chí, nhiều di tích lịch sử và văn hoá cũng bị thu hẹp hoặc di dời vì mục đích này. Việc tìm hiểu các điều kiện địa chất và địa mạo của Hà Nội là một trong những vấn đề quan trọng phục vụ cho định hướng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững lãnh thổ trong tương lai. Để đạt được mục đích phát triển, quy hoạch hạ tầng thì các tác động của con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường tự nhiên ở Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng gia tăng. Và đó cũng làm cho các tai biến thiên nhiên (lún đất, sạt lở, xói mòn bờ sông, lũ lụt và ngập úng, ô nhiễm nguồn nước dưới đất…) có xu thế gia tăng. Nguyên nhân của chúng có liên quan rất nhiều đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý của con người. Vì thế, chúng ta cần phải nhận thức lại giá trị địa hình cũng như vai trò của nó trong quá trình phát triển từ quy mô lớn như các vùng núi, đồi và đồng bằng đến các dạng địa hình cụ thể như các dòng sông lớn nhỏ, các bãi bồi trong đê hay ngoài đê, các hồ ao…
Do vậy, trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội là chủ đầu tư, cùng với những công trình nghiên cứu tổng hợp về nhiều mặt, việc sưu tầm và biên soạn những tư liệu về địa chất, địa mạo và tài nguyên thiên nhiên liên quan trên địa bàn Hà Nội có một tầm quan trọng góp phần đắc lực cho việc quy hoạch và phát triển bền vững thành phố hiện nay và tương lai. Cuốn sách “Hà Nội – Địa chất, địa mạo và tài nguyên liên quan” do PGS.TS. Vũ Văn Phái chủ trì cùng nhóm tác giả GS.TS. Đào Đình Bắc và TS. Ngô Quang Toàn thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được ấn hành năm 2010 đã chọn lọc những tư liệu điển hình, tiêu biểu từ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, những tư liệu nghiên cứu của nhóm tác giả khái quát những nét cơ bản của tiến trình hình thành và phát triển địa chất, phân bố các thành tạo địa hình, cảnh quan, các loại thiên tai và định hướng sử dụng vùng đất Hà Nội. Cuốn sách góp phần làm rõ về các nguồn lực tự nhiên, phục vụ cho đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về mảnh đất nơi lắng hồn núi sông nghìn năm, đồng thời cung cấp nguồn tài liệu khoa học hữu ích, giá trị để các nhà quy hoạch, các nhà quản lý tham khảo phục vụ định hướng quy hoạch phát triển Hà Nội trong tương lai.
An Huy
Nhà xuất bản Hà Nội