Múa truyền thống Thăng Long – Hà Nội: Múa tín ngưỡng hầu đồng
Mỗi một tộc người đều có những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng riêng của mình, mang dấu ấn văn hoá tộc người. Tín ngưỡng là sự sáng tạo văn hoá, xuất hiện trong tiến trình lịch sử văn hoá, trong nhu cầu hưởng thụ văn hoá, trong phong tục, tập quán lễ nghi của tộc người cụ thể. Với mục đích chung là thờ cúng tổ tiên, thần, thánh, ma quỷ, tín ngưỡng là nơi gửi gắm nỗi niềm tâm linh, ước vọng, cầu mong của con người. Tộc người Việt nổi trội, đặc sắc, đặc trưng, hoàn thiện là hệ thống tín ngưỡng hầu đồng (lên đồng) của toàn cộng đồng. Tín ngưỡng hầu đồng còn có tên gọi là diễn xướng hầu đồng. Trong quá trình phát triển tín ngưỡng hầu đồng cũng là quá trình phát triển, bổ sung các thành tố nghệ thuật để làm phong phú sinh động, hấp dẫn cho tín ngưỡng hầu đồng. Tín ngưỡng hầu đồng hình thành, phát triển từ dân ca, dân vũ, dân nhạc. Và nghệ thuật múa gọi là múa tín ngưỡng hầu đồng. Qua thời gian, môi trường văn hoá tín ngưỡng hầu đồng đã nảy sinh, phát triển hình thái múa tín ngưỡng. Khởi nguồn tín ngưỡng hầu đồng là tục thờ Mẫu – Bà chúa Liễu Hạnh. Nơi phát tích phủ Dầy (Nam Định) rồi lan toả đến các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng châu thổ sông Hồng, vùng Thăng Long – Hà Nội. Người Hà Nội tiếp nhận tín ngưỡng hầu đồng từ thuở xa xưa và đã trở thành một nhu cầu tín ngưỡng gắn bó với cuộc sống văn hoá, đời sống tâm linh của người Hà Nội. Bởi vậy mà ở nhiều làng xã, phố phường Hà Nội đã xuất hiện nhiều điện, phủ để thực hiện tín ngưỡng hầu đồng như đền Dâu, phủ Tây Hồ… Trong tiến trình hình thành phát triển văn hoá Thăng Long – Hà Nội thì tín ngưỡng hầu đồng đã là một thành tố của tiến trình lịch sử ấy, tồn tại và phát triển tới ngày nay.
Tín ngưỡng dân gian đã tôn thờ nhiều nữ thần trong truyền thuyết, huyền thoại, hoặc những danh tướng, những tài năng là nữ, là con người được nhân thần hoá, qua họ dân chúng gửi gắm nỗi niềm tâm linh vào thần. Đó là các nữ thần, các mẫu, thánh mẫu hoặc các danh nhân lịch sử đã được nhân dân suy tôn phong thần: Thánh mẫu Liễu Hạnh, Bà Nữ Oa, Bà Kim (Đệ nhất Kim Tinh thần nữ), Bà Mộc (Đệ nhất Mộc Tinh thần nữ)…, Mẹ âu Cơ, Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa…, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Dương Vân Nga, Ỷ Lan, Bà Chúa Kho… Dù là thần thoại, huyền thoại, nhân thần hoá đều bao trùm là mẫu, thánh mẫu, nữ thần… nơi trú ngụ tâm linh của dân chúng có gắn bó với những hiện tượng vũ trụ, những hiện tượng của nền văn minh lúa nước. Đây là nét đặc trưng của văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng người Việt. Trong tâm thức của cộng đồng người Việt nữ thần coi như mẫu và được phân thành hai loại:
- Nữ thần là các thần nữ lịch sử, có công đức, có nghĩa với đời sống tâm linh của dân chúng mà họ tôn thờ.
- Mẫu (mẹ) là một số nữ thần được tôn vinh là mẫu, thánh mẫu.
Hiện nay múa hầu đồng tồn tại theo ba loại, mỗi loại có yêu cầu, có tiêu chí nhất định. Tuỳ theo hoàn cảnh môi trường mà sử dụng trình diễn, tách biệt ra từng loại hoặc đan cài các loại đó với nhau như: múa theo giá đồng, múa với đạo cụ, múa tay không. Nhưng trong thực tế thì ba loại ấy luôn tồn tại, đan cài trong các giá đồng, ít khi có sự tách biệt.
Múa theo giá đồng mỗi giá tương ứng với một vị thánh, hầu đồng có 36 giá tương ứng với 36 vị thánh, mỗi vị thánh lại có trang phục, lời hát văn chầu múa khác nhau phù hợp, ứng với từng vị thánh, từng giá đồng. Múa theo đạo cụ: múa mồi, múa gậy, múa quạt, múa chèo, máu thêu hoa, múa khăn, mùa cờ, múa dâng rượu, múa Long đao, múa kích, múa mâm… Múa tay không: múa bắt quyết, múa ra ấn, múa tung nước thánh, múa ban lộc cùng với đó là các điệu nhạc, bài hát văn (chầu văn) phối hợp làm nhạc đệm cho múa như điệu bỉ, điệu miễu, điệu thống, điệu phú, điệu kiều dương… Ngoài ra, một số làn điệu, bài dân ca trong sinh hoạt văn hoá dân gian cũng được sử dụng trong hát văn.
Muốn tìm hiểu và có cái nhìn cụ thể, rõ nét hơn về loại múa tín ngưỡng hầu đồng, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách “Nghệ thuật múa Hà Nội - truyền thống và hiện đại”. Kế thừa và phát huy những thành tựu nghiên cứu và các công trình đã có, cuốn “Nghệ thuật múa Hà Nội - truyền thống và hiện đại” là một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh, hệ thống đầy đủ, bao quát về nghệ thuật múa - một loại hình nghệ thuật mang giá trị văn hoá đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010. PGS.TS. NSND. Lê Ngọc Canh và nhóm biên soạn đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm để giới thiệu một cách đầy đủ về nghệ thuật múa truyền thống ở Hà Nội với múa trong lễ hội cổ truyền, múa tín ngưỡng và tôn giáo, múa trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng và múa cung đình Thăng Long.
Minh Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội