Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 16/01/2015 06:25
Phố phường Hà Nội xưa trong lòng bạn bè quốc tế

Không chỉ những người sinh trưởng trên đất Thăng Long – Hà Nội mà phàm là người Việt Nam ở khắp nơi trên đất nước hay những người con đi xa cũng luôn cảm thấy có sợi dây vô hình nào đó gắn kết với mảnh đất Thủ đô thân yêu. Không những thế Hà Nội còn có sức hấp dẫn kỳ diệu đối với du khách quốc tế. Và trong số những người khách bạn bè ấy, nhiều người không đừng được, đã để lại tâm tình, cảm xúc, ấn tượng của mình trong những ghi chép, những trang viết về mảnh đất này. Những ấn tượng sâu sắc, những cảm tình đằm thắm có khi chỉ sau một lần ghé thăm ngắn ngủi… Tất cả đã tạo nên tác phẩm Hà Nội với những tấm lòng gần xa.

 
Hà Nội với những tấm lòng gần xa sẽ mang đến cho bạn đọc những trang văn viết về Hà Nội của những vị khách đã đến, đã qua và đã từng sinh sống tại Hà Nội. Những trang viết như cóp nhặt, thâu lượm lại hết tất cả những góc cạnh của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử từ trước năm 1945 đến nay. Chỉ riêng về phố phường Hà Nội trước năm 1945 cũng đủ để cho độc giả những hiểu biết và cảm nhận rất khác nhau về mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
 
Thời kỳ trước năm 1945, một thời kỳ dài Hà Nội có tên là Kẻ Chợ, là kinh đô của vương quốc Đàng Ngoài, các vị khách nước ngoài khi đó đến Kẻ Chợ đều có những nhận xét đánh giá tương đối giống nhau về Kẻ Chợ. Theo William Dampier Kẻ Chợ cách biển khoảng 80 dặm (120km), nằm về phía tây con sông, trên một địa hình thuận lợi, cũng gần rừng và không có thành luỹ, “đây là một vùng rất đẹp và trù phú. Đất đai màu vàng hay màu xám và có khá nhiều gỗ”. Kẻ Chợ khi xưa được chia thành hai khu rõ rệt là Kinh thành - nơi ở của các quan, như một khu cấm thành đối với dân chúng, có tường cao hào sâu bao quanh (G.P – Pháp); và khu buôn bán 36 phố phường, “khu này chen chúc ở phía Bắc cái hồ nhỏ nằm ở giữa sông Hồng và Kinh thành”. Mỗi phố phường có một hoạt động công nghệ riêng, “những người thợ thêu chiếm cả một con đường, những người làm mứt kẹo, làm bánh, thợ mộc, buôn lụa… cũngvậy” (Charles Edouar Hocquard – Pháp). “Người bán củi họp ở phố Hàng Đào, ai muốn mua nồi thì lên phố Hàng Đồng, muốn mua mũ nón thì lên phố Hàng Nón…”. Điều mà các vị khách nước ngoài ấn tượng khi đến với Hà Nội có lẽ là ở nét rất riêng này, mỗi phố là một “làng nghề”, ba sáu phố phường Hà Nội là ba sáu làng nghề khác nhau mà ở đó từ đầu phố đến cuối phố chỉ buôn bán một mặt hàng, điều này đã tạo nên một khu vực “làng nghề - phố nghề” trong lòng Hà Nội. Cũng bởi vậy nên ngay trong lòng Hà Nội luôn có những phiên chợ rất đông đúc, dân quê quanh vùng đến các phiên chợ lại về đây để mua bán với người thành thị. Chợ họp ở tất cả các phố phường, ngoài trời dưới mái hiên, cả Hà Nội trở thành một hội chợ lớn ồn ào, náo nhiệt, họp lan ra cả hai cây số bên ngoài các phường. Có lẽ ít thủ đô nước nào trên thế giới có “điều đặc biệt” này. Đây chính là một trong những lý do để việc dạo chơi phố phường Hà Nội trở nên hấp dẫn và thú vị đối với những vị khách mới đến Hà Nội.
 
Trong khi dạo chơi Hà Nội, không ít các vị khách phương xa đã thật sự ngạc nhiên trước những điều “kỳ thú” mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có, đó chính là những “thứ công nghệ nhỏ khác làm ngoài trời”. Những điều kỳ thú đó được Charles Edouar Hocquard mô tả rất cụ thể trong những ghi chép của mình đó là “những người chiêng trống và những nhạc công lang thang… Những đám đông tụ tập thành một vòng tròn. Ở giữa trải một chiếc chiếu có một người gõ phách và đánh trống. Hai đứa trẻ chừng mười tuổi ăn mặc như hề xiếc của chúng ta làm những trò uốn éo nhào lộn…”; đó còn là “ba nhạc công lang thang nghèo nàn, gồm hai người mù và một người đàn bà. Một người mù chơi một thứ đàn có một dây mà họ tạo ra những âm thanh hài hoà, còn người kia chơi một đôi phách gõ nhịp, tiếng phách khô ròn xen với tiếng hai chiếc trống có âm khác nhau, gõ bằng một thanh tre rỗng… tiếng nhạc hoà theo một giọng ca chậm rãi và đều đều chỉ gồm không quá ba nốt nhạc. Bên cạnh những nhóm hát rong lang thang thu hút các vị khách thì hoạt động thú vị nhất ngoài trời là “những người cạo đầu - lấy ráy tai và tẩm quất”. Công việc này theo ông là “tỉ mỉ, tinh vi mà chỉ mất có tất cả sáu đồng tiền”. Tất cả những điều này làm cho “kinh thành cổ của Bắc Kỳ trở thành một nơi thú vị nhất trên thế giới”. Và “chỉ cần một ngày dạo xem một đường phố một cách tỉ mỉ, đi từ nhà này đến nhà nọ trong suốt dãy phố là có được một ý niệm chính xác và sâu sắc về những cách thức đôi khi rất tài tình của người An Nam”.
 
Bên cạnh những điều đặc biệt đến thú vị của phố phường Hà Nội thì cũng còn có những “mặt trái” mà các vị khách nước ngoài khi đến Hà Nội cũng phải thốt lên. Đó là những con đường bằng đất nền, đầy bùn, hai bên có hai dãy nhà đẹp bằng gạch, về mùa mưa các phố phường này rất là lầy lội và ngay cả trong mùa khô cũng có rất nhiều ao tù và các hố tràn đầy một thưa bùn đen toả mùi rất khó chịu trong thành phố, và ở giữa người ta xếp một hàng gạch nối nhau đi giữa đường có chỗ đặt chân lên. Không có cống rãnh, nước đọng khắp nơi, mùi viêm nhiệt và mùi thối bốc lên kinh khủng…. Đó là nguyên nhân dẫn đến những ổ dịch, những nguồn bệnh tật nguy hiểm đối với cư dân nơi đây “không cần phải nói, cũng biết rằng những con đường đó là nguồn ổ dịch bệnh các bệnh đậu mùa, thổ tả và sốt rét tàn hại hàng năm…”.
 
Dù có những điểm “chưa thật sự ấn tượng”, Thăng Long – Hà Nội vẫn chiếm được những tình cảm đặc biệt của các vị khách nước ngoài.  “Nếu vì lý do nào đó, Hà Nội chưa bao giờ phồn vinh và cường thịnh như Bắc Kinh, như Tokyo, hoặc Paris, New York… thì chỉ với niềm thành kính và ngưỡng mộ của cả dân tộc dành cho, Hà Nội đã có một vị trí mà khó nơi nào sánh kịp trong danh mục các thủ đô và thành phố trên khắp trái đất (theo chỗ tôi biết, có lẽ chỉ Giêrusalem, Mecca, hay Rome là có được niềm sùng kính tương sánh, nhưng những nơi này lại gắn với một hoặc nhiều tôn giáo huyễn hoặc, lấy chuyện lôi cứu nhân tâm làm cứu cánh, chứ không phải hồn nhiên và thánh thiện như Hà Nội” (B. Frankin - Canada)… Đó là nhận xét của một người nước ngoài về Hà Nội, chỉ mấy dòng ngắn ngủi này thôi cũng đủ để chúng ta tự hào về Hà Nội của mình - Hà Nội đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
 
 
Hoàng Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)