Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 16/01/2015 06:27
Những danh lam thắng tích nổi danh của vùng đất phía tây Kinh thành

Phía tây kinh thành Thăng Long vốn nổi danh là vùng đất “sơn anh, thủy tú”, không chỉ có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời mà còn có biết bao danh lam thắng cảnh làm say lòng người. Cuốn sách Địa chí Hà Tây của hai tác giả Đặng Văn Tu, Nguyễn Tá Nhí, nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là công trình khảo cứu đầy đủ các phương diện địa chí của tỉnh Hà Tây (cũ) trong đó giới thiệu được những nét tổng quan về danh lam thắng tích của vùng đất này.

 
Nhắc đến Hà Tây, xứ Đoài không thể không nói đến địa danh Kẻ Mía “một ấp hai vua”, “làng đá ong” Đường Lâm. Là một làng cổ có lịch sử lâu đời, với hàng trăm ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 200 năm, nhà cổ truyền thống ở Đường Lâm có giá trị nghiên cứu về kết cấu kiến trúc, bộ khung, bộ cửa, vật liệu xây dựng, chạm khắc hoa văn… đã tạo nên bản sắc phong phú về văn hóa làng ở nơi đây. Các công trình chung của cộng đồng làng xã ở Đường Lâm là đình, chùa, miếu, đền, chợ… cũng mang ý nghĩa lớn về kiến trúc và văn hóa, tinh thần, văn hóa tâm linh của những làng quê đồng bằng Bắc Bộ xưa. Làng cổ Đường Lâm thực sự là nơi hội tụ văn hóa tinh thần, văn hóa ẩm thực, lễ hội… Đây chính là những giá trị văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ, trân trọng không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai.
 
Nói đến danh lam thắng cảnh của đất Hà Tây (cũ) không thể không nhắc đến chùa Hương, nơi mà Chu Mạnh Trinh cách nay hơn hai thế kỷ đã cảm tác:
 
Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
“Đệ nhất động”hỏi rằng đây có phải!
 
Chùa Hương là danh lam có một không hai ở Việt Nam, có hệ thống núi non, có rừng Hương Sơn ba tầng thực vật, có suối Yến nước trong xanh nhìn rõ những loại thủy sinh, cỏ rong lướt theo mái chèo đưa khách vào chùa. Lễ hội chùa Hương hàng năm mở từ ngày mồng 6 tháng giêng đến cuối tháng ba âm lịch. Du khách đến lễ chùa vừa để lễ Phật vừa để thưởng ngoạn một vùng non nước kỳ vĩ nên thơ với những núi non, hang động, chùa chiền - nơi lưu truyền Phật thoại Nam Hải Quan Thế Âm Bồ tát tu hành đắc đạo, lưu dấu thơm trên đất Phật này.
 
Cách trung tâm Hà Nội 20km về phía Tây Nam là ngôi chùa lớn được dựng dưới chân núi Sài Sơn, chùa Thầy (tên chữ là Thiên Phúc tự). Theo Bối am tự bi dựng năm 1571 ở chân vách đá thì chùa được khởi dựng từ thời Đinh, các đời tiếp theo được tu bổ để mở rộng quy mô và gắn liền với sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ngoài hệ thống chùa Cả, trên núi Thầy còn có chùa Cao, hang Thánh Hóa… Khi xuống núi trở ra là đến chùa Long Đẩu, chùa Hoa Phát, quán Tam Xã. Hội chùa Thầy được tổ chức chính hội vào ngày 7/3 âm lịch. Nhưng hội chùa không chỉ có những nghi thức tôn giáo mà còn có trò múa rối nước mang đậm sắc màu dân gian. Trai thanh gái lịch gần xa đến hội chùa Thầy cũng là để thể hiện khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở.
 
Được xây dựng từ lâu đời trên núi Mã, thuộc dãy núi Tiên Lữ, huyện Chương Mỹ, chùa Trăm Gian cũng là ngôi chùa giàu giá trị văn hóa, kiến trúc. Tương truyền, chùa được xây dựng từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù. Vì được làm theo kiểu cứ bốn cột là một gian, nên có tới 100 gian, chia làm 3 cụm kiến trúc nên chùa có tên Trăm Gian. Chùa tổ chức chính hội vào 12 tháng giêng hàng năm.
 
Chùa Bối Khê thuộc huyện Thanh Oai cũng là ngôi chùa cổ được nhiều người biết tiếng. Theo truyền thuyết và bi ký, chùa được dựng vào thời Trần. Đáng chú ý ở chùa Bối Khê là tòa thượng điện. Đó là một tòa nhà một gian hai chái cao 5,5m với bốn đầu đao trông như hình bông sen hé nở cùng với đó là rất nhiều hoa văn, hoạ tiết trang trí cầu kỳ, tinh tế.
 
Một ngôi chùa cũng rất nổi danh của mảnh đất Hà Tây (cũ) là chùa Đậu (Thành Đạo tự). Chùa Đậu xưa kia còn gọi là chùa Vua, nơi đây dành riêng cho vua chúa, cung tần đến lễ Phật, còn nhân dân địa phương thì lễ Phật ở “am chùa” - một ngôi chùa nhỏ nằm trong khuôn viên chùa Đậu ngày nay. Theo những văn bia còn để lại, chùa được dựng vào thời Lý và từng được vua Lê Thần Tông phong là An Nam đệ nhất danh lam. Cùng với kiến trúc độc đáo, bề thế, chùa còn nổi tiếng hơn bởi có tượng thi hài hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường - hai xác ướp khô toàn thân ở tư thế ngồi thiền rồi gắn sơn ta để thờ.
 
Bên cạnh hệ thống chùa chiền, vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long còn là nơi nức tiếng với những đình đền mang giá trị lớn về văn hóa vật thể và phi vật thể như đền Hữu Vĩnh, đình Ngọc Than… Tất cả làm nên đặc trưng và hồn cốt của mảnh đất quê lụa, mảnh đất của những con người cần cù, đảm đang.
 
Từ ngày 1/8/2008, Hà Tây chính thức trở thành một bộ phận của Thủ đô. Hòa mình vào văn hóa Thăng Long - Hà Nội, những danh lam thắng tích của Hà Tây, xứ Đoài đã góp phần làm giàu, làm đẹp thêm cho Thành phố Rồng và cũng chính những thắng cảnh này được cộng hưởng vẻ tinh túy ngàn năm của mảnh đất “đế đô muôn đời” để thêm rạng ngời, bền vững hơn.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)