Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 23/01/2015 02:35
Có một thành Hà Nội cũ qua những trang viết của Nguyễn Văn Uẩn

Là một thành phố có lịch sử hàng nghìn năm, lại là kinh thành trải qua nhiều bể dâu thăng trầm, là thủ đô của nước Việt Nam với biết bao biến thiên, binh lửa, Hà Nội là đề tài thu hút được tâm lực, bút lực của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX là công trình công phu của nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn, gửi gắm ở đó biết bao tình cảm thiết tha với thành phố quê hương. Suốt nửa đầu thế kỷ XX, “mảnh đất thiêng ngàn năm văn vật” (Trần Quốc Vượng) đã có biết bao biến cố và thành trì Hà Nội chính là địa điểm có nhiều thay đổi nhất, thậm chí có những vết tích thành cũ đã bị xóa sạch hoàn toàn.

 
Thành Hà Nội được xây dựng dựa trên những nguyên tắc phong thủy chặt chẽ và kỹ lưỡng, đáp ứng được các yêu cầu về chính trị và quân sự. Về vị trí Hà Nội, sách Thượng Kinh phong vật có viết: “Thượng Kinh có núi Nùng ở giữa, trên núi có một chỗ lõm xuống, tức là rốn rồng; phía bắc có Tam Sơn, phía tây có Thái Hòa, phía tây bắc có Khán Sơn (…). Thượng Kinh này dáng gọi là thế núi ôm bọc như choàng áo, dòng sông vòng quanh như cái đai, đằng sau tựa vào núi, đằng trước trông ra biển, thế đất đã mạnh lại hiểm trở, mạch đất đã nùng hậu lại chạy dài…”. Chuyện phong thủy về thành Thăng Long còn gắn liền với những truyền thuyết thần Bạch Mã và Cao Biền với thành Đại La và truyền thuyết Lý Thái Tổ được thần Ngựa trắng vạch cho những hướng đắp tường thành Thăng Long. Nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long để phù hợp với tình hình nước ta ở thế kỷ thứ X: Đại Việt đang lớn mạnh trên đà thống nhất các địa phương, thành Thăng Long là địa điểm trung tâm của đất nước, uy quyền triều đình vươn tới được khắp nơi. Đó cũng là chỗ kinh tế phồn thịnh, chỗ giao lưu của các đường giao thông chính - đường thủy cũng như đường bộ - tỏa ra tứ phía.
 
Bên trong thành Hà Nội được chia làm mấy khu: Khu trung tâm xây hơi lệch về phía tây, được chia làm hai phần là điện Kính Thiên xây trên núi Nùng và phía sau là Hành Cung - chỗ vua ngự mỗi khi ra Bắc; Khu phía đông là dinh các quan lại; Khu phía tây là các kho thóc, kho tiền, kho tạo tác, kho thuốc súng; góc đông bắc có nhà ngục. Thành Thăng Long của đời Nguyễn đến triều Minh Mạng thì đổi làm thành của tỉnh Hà Nội và bị hạ thấp tường thành xuống một thước tám tấc ta và đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) vua Nguyễn hạ lệnh phá dỡ những vật liệu thuộc cung điện cũ của nhà Hậu Lê ở trong thành để đưa về Huế trang trí cho cung điện trong đó, chỉ còn sót lại đôi rồng đá ở trước thềm điện Kính Thiên.
 
Có thể thấy, thành Hà Nội là một khu vực khá rộng, cư dân trong thành cũng đông, có khi tới ba nghìn quân đóng ở các doanh trại, cộng với gia đình các quan lại cũng đủ thành một thị trấn riêng biệt. Những công sự phòng thủ dựa theo kiểu thành trì của châu Âu, bốn góc thành là bốn pháo đài, mỗi cạnh có hai công sự pháo, tường cao dày, hào sâu rộng, có kho lương và súng đạn dồi dào. Nên so với thời kỳ đầu thế kỷ XIX, khả năng chống giữ của thành là tương đối lớn. Nhưng chỉ đến cuối thế kỷ, trước sức mạnh của cách mạng kỹ thuật quân sự, thành Hà Nội cũng kém tác dụng đi nhiều.
 
Thời suy tàn của thành Hà Nội thực sự bắt đầu khi trong vòng có mười năm, thành đã hai phen bị quân đội Pháp tấn công và cả hai lần đều bị thất thủ. Hà Nội thất thủ lần thứ nhất vào năm 1873 và lần thứ hai vào năm 1882. Thế là số phận của thành Hà Nội đã được định đoạt. Thực dân Pháp đóng ở Hà Nội kể từ năm 1882 cho mãi đến năm 1954 (trừ khoảng thời gian ngắn ngủi khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945). Trong thời gian đất nước chịu cảnh xiềng xích của thực dân, thành Hà Nội dần bị phá phách, diện mạo thay đổi, di tích thành Hà Nội gần như mất cả, chỉ còn lại có Cửa Bắc, Cột Cờ và chút tường, cổng, bậc đá của điện Kính Thiên. Nhưng vị trí của thành còn rõ rệt ở các đường phố vạch theo những lối đi cũ ở trong thành, đường lối vuông vắn như trên mặt bàn cờ.
 
Quang cảnh trong thành ở buổi giao thời này đã được nhiều nhà báo, nhà văn chứng kiến tả lại. Cảm giác chung của những người vào chơi thăm thành Hà Nội đều thấy quang cảnh buồn, nhạt nhẽo, hoang tàn. Màu nâu sẫm của tường đất lẫn với màu xanh rờn của cây cỏ. Tất cả như khơi gợi đến những vần thơ trầm mặc, cổ kính của Bà huyện Thanh Quan, những câu thơ thấm đẫm nét nhớ thời xưa với nỗi buồn man mác trước cảnh vật đổi sao dời, tiếc thương những điều đã qua:
 
Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
(Thăng Long hoài cổ)
 
Nhưng “suy rồi lại thịnh, bĩ rồi lại thái”, vượng khí Thăng Long có bao giờ tắt được. Trên đỉnh Cột Cờ, lá cờ Pháp ngạo nghễ được một thời không lâu rồi cũng bị hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng đã tung bay hoan hỷ. Cột cờ của thành Hà Nội, mặc dù mới được xây năm 1805, dưới thời vua Gia Long, đã thành một trong những biểu tượng tượng trưng cho cả đất nước. Đến hôm nay, thành Thăng Long cũ đã không còn, những dấu vết cũng phôi pha theo thời gian nhưng đó sẽ mãi là niềm tự hào của người Hà Nội, người Việt Nam hôm nay và mai sau.
 
 
Nguyễn Dung
 
Nhà xuất bản Hà Nội