Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 23/01/2015 02:52
Một số quyết sách “đổi mới” của vương triều Lý

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra vương triều Lý. Sau khi lên ngôi vua Lý Thái Tổ đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kinh đô Thăng Long, khôi phục đất nước sau hàng ngàn năm chiến tranh loạn lạc dưới sự thống trị của các quốc gia phong kiến phương Bắc. Hàng loạt các chính sách “đổi mới” về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục… đã được ban hành. Dưới sự trị vì của các ông vua đầu tiên của vương triều Lý, quốc gia Đại Việt đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn lao trên tất cả các lĩnh vực. Cùng nhìn lại một số quyết sách “đổi mới” của thời Lý trong cuốn sách Vương triều Lý (1009 – 1226) để thấy được tầm nhìn, trí tuệ của các ông vua nhà Lý. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.

 
Quyết định quan trọng đầu tiên của Lý Thái Tổ là chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Đại La. Sự sáng suốt của Lý Công Uẩn thể hiện qua những ý nghĩa và lời văn của Chiếu dời đô. Đại La theo như Lý Công Uẩn phân tích là nơi “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội, quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Khi lựa chọn Đại La làm kinh đô, vua Lý Thái Tổ đã tính toán đến những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển thành một trung tâm quyền lực của quốc gia. Đó là tổng hợp các yếu tố về địa lý, không gian, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hoá… Có thể nói nhà Lý ra đời và quyết địnhh rời đô về Thăng Long đã mở đầu cho một kỷ nguyên phát triển rực rỡ của quốc gia dân tộc - kỷ nguyên Đại Việt, văn hoá Thăng Long. Sự kiện này phản ánh bước phát triển vượt bậc của dân tộc về lực lượng, nhận thức, về tư duy quản lý đất nước và trưởng thành về trách nhiệm trước vận hội đi lên của đất nước trên con đường phục hưng và phát triển.
 
Từ quyết định dời đô về Đại La, chẳng bao lâu sau Thăng Long trở thành một khu hoàng thành tráng lệ với 61 phố phường dân cư đông đúc, với những khu chợ búa buôn bán sầm uất. Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước dưới thời Lý bắt nguồn từ việc củng cố và kiện toàn bộ máy triều đình và hệ thống quan chức. Ở trên là những trọng chức văn, võ. Quan văn gồm có các chức Tam Thái (Thái sư, Thái Phó, Thái Bảo), Tam Thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo); quan võ là các chức Thái uý và Thiếu uý. Dưới các ban văn võ còn có các chức khác. Đặc biệt từ năm 1051, nhà Lý đã quy định ra các phép khảo khoá các quan lại. Các quan văn võ người nào làm việc lâu năm mà không có lỗi gì được thăng trật có thứ bậc khác nhau. Sau đó từ năm 1162 thì định làm lệ thường, cứ 9 năm lại khảo khoá một lần. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy quan chức, nhà Lý cũng chú trọng những chính sách cai trị tích cực với mô hình cai trị theo hướng “dân sự hoá”. Từ các đạo chia thành 24 phủ, châu, trại; cấp dưới lại chia thành, hương, giáp. Đặc biệt, trong các hương, giáp, nhà Lý còn chia thành các bảo. Bảo có tư cách là một đơn vị pháp nhân, kiểm soát lẫn nhau không để cho láng giềng phạm pháp. Nếu một người trong bảo phạm pháp thì cả bảo phải chịu trách nhiệm và trị tội theo. Có thể nói tổ chức chính quyền của nước Đại Việt dưới thời Lý kể từ Lý Thái Tổ đến các đời vua sau đã được hoàn bị. Đó là một trong những lý do đưa triều Lý thành một vương triều cường thịnh của quốc gia Đại Việt.
 
Một sự kiện hết sức có ý nghĩa trong thời kỳ thịnh trị của nhà Lý đó là dưới thời vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu cho Trung thư sảnh san định sách luật. Đây là lần đầu tiên một bộ luật thành văn được ban hành. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã nói về sự kiện này như sau: “Ban Hình thư. Trước kia việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm trước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng…”. Có thể nói, việc ban hành bộ luật hình thư là thành tựu quan trọng nhất trên lĩnh vực lập pháp của nhà Lý. Đây là cơ sở pháp lý để xét xử trong cả nước. Điều này cho thấy bước phát triển mới trong quản lý nhà nước của triều Lý.
 
Cùng với các biện pháp hoàn thiện bộ máy nhà nước, nhà Lý rất chú trọng đến giáo dục khoa cử. Mặc dù thời kỳ này Phật giáo được tôn sùng nhưng triều Lý đã chú ý phát triển một nền giáo dục. Qua việc vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối vẽ ảnh Thất thập nhị hiền (năm 1070) và 5 năm sau đó vua Lý Thái Tông đã cho mở khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên để chọn người hiền tài; đến năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long đã cho thấy sự lựa chọn một đường hướng giáo dục mới cho đất nước đó là nền giáo dục theo tư tưởng Nho học. Từ đây, giáo dục, khoa cử được coi là một phương thức để tuyển chọn nhân tài cho quốc gia.
 
Có thể nói, dưới triều đại nhà Lý, Đại Việt trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh ở Đông Nam Á. Những thành tựu của vương triều Lý là kết quả của sự tổng hợp nhiều yếu tố, trong đó không thể phủ nhận sự sáng suốt, lòng nhân ái của các vị vua đầu triều Lý với những quyết sách hàng đầu trong sự phát triển đất nước. Đó là điều mà ngày nay chúng ta cần phải nghiên cứu và học hỏi trong việc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
 
 
Hoàng Tâm
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)