Hội thảo “Hoạt động xuất bản với Thăng Long ngàn năm văn hiến” cùng giá trị thực tiễn
Hội thảo đã quy tụ được nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở các lĩnh vực khác nhau tham gia và tham luận. Tham dự Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Lần đầu tiên một phần quan trọng giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế và những yếu tố địa lợi của Thăng Long - Hà Nội qua tư liệu thành văn được hệ thống hóa trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Nhận định này không chỉ đúng ở thời điểm đó mà cho đến nay và có lẽ cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị. Điều này được thể hiện ở sức sống của mỗi tác phẩm của Tủ sách từ ngày ra mắt cho đến nay trong lòng bạn đọc và giới nghiên cứu khoa học. Nhiều đầu sách là kết quả của công trình nghiên cứu, điều tra, sưu tầm tư liệu từ nước ngoài về Thăng Long - Kẻ Chợ được độc giả, các nhà nghiên cứu xem như cuốn sách gối đầu giường, tài liệu tham khảo nghiên cứu quan trọng và đáng tin cậy.
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến với gần 100 đầu sách, mỗi cuốn sách tuy đề cập từng vấn đề, từng lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, nhưng đều toát lên cái xuyên suốt, cái luôn đọng lại sống mãi với thời gian, là cốt cách văn hóa Thăng Long - Hà Nội tiêu biểu cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả Dự án Tủ sách lại chủ yếu tập trung ở vùng Hà Nội truyền thống. Hơn thế, do khuôn khổ nội dung Dự án cùng những hạn chế về thời gian, kinh phí… còn nhiều đề tài cần thiết chưa có điều kiện triển khai. Vậy nên trong hội thảo đã có nhiều ý kiến có tính gợi mở cho việc mở rộng địa giới và phát triển đề tài nghiên cứu.
Từ những ý kiến quan trọng mang tính chất gợi mở để lãnh đạo Nhà nước và thành phố quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu, xuất bản về Hà Nội: như vấn đề Hà Nội mở rộng, những mảng đề tài còn khuyết thiếu trong Tủ sách… Nhà xuất bản Hà Nội cũng đã tổng kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, tiếp cận với tâm tư nguyện vọng của các nhà khoa học, của những người yêu Hà Nội để tạo cơ sở tiếp tục xây dựng và thực hiện Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.
Việc thực hiện Dự án giai đoạn II không nằm ở ý nghĩa cơ học bởi Hà Nội được mở rộng từ ngày 01/8/2008 bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình mà việc bổ sung phần Hà Nội mở rộng, đặc biệt tập trung khai thác văn hóa xứ Đoài, một vùng đất địa linh nhân kiệt, đồng thời Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được đầy đủ, trọn vẹn hơn.
Dự án giai đoạn II đã được triển khai từ năm 2013 đến 2017 trên cơ sở cả sự tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong cuộc hội thảo này và từ những bài học, kinh nghiệm mà Nhà xuất bản Hà Nội rút ra từ thực hiện Dự án giai đoạn I. Cơ cấu đề tài của Tủ sách giai đoạn II gồm 45 đầu sách, ở tất cả các lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Văn học - Nghệ thuật, Tư liệu tổng hợp. Các đề tài đang triển khai nghiên cứu biên soạn từ cuối năm 2013 và sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2016.
Dù các đề tài Dự án giai đoạn I tuy kịp thời cập nhật, bổ sung tư liệu về vùng đất mới nhưng không được nhiều, trong khi đó kho tàng văn hiến Thăng Long - Hà Nội là vô cùng tận, việc tổ chức nghiên cứu, khai thác không chỉ thực hiện trong một, hai đợt mà cần làm thường xuyên để bổ sung cho kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long ngày càng phong phú.
Cũng từ cuộc hội thảo này, các nhà khoa học đã nhận định Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến còn là cơ sở để các thế hệ công dân Thủ đô khai thác, tiếp tục thu thập bổ sung, tiếp tục sáng tạo và thông qua đó cùng nhau giữ gìn và nhân lên những giá trị văn hiến của dân tộc. Điều này thêm một lần nữa khẳng định: Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là hoạt động nghiên cứu, tổng hợp giá trị văn hóa quan trọng, có ý nghĩa khoa học, không chỉ thể hiện giá trị đối với Hà Nội trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm mà còn góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo tồn văn hóa hôm nay và mai sau.
Đàm Ly
Nhà xuất bản Hà Nội