Thăng Long - Hà Nội và những làng khoa bảng
Trong suốt gần 10 thế kỷ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã hết sức coi trọng việc giáo dục khoa cử lấy đó làm cơ sở chủ yếu để kén chọn nhân tài. Thăng Long - Hà Nội là trung tâm thi cử của cả nước, là nơi nuôi dưỡng, phát huy chất xám, là môi trường rèn luyện, trau dồi tài năng của biết bao nhà khoa bảng. Vị thế quan trọng ấy đã tạo những điều kiện rất thuận lợi cho người các phố phường, làng xã thuộc địa bàn Hà Nội hiện nay mở mang việc học hành thi cử và đạt được những kết quả to lớn - tiền đề làm nên những làng khoa bảng sau này.
Sự xuất hiện các làng khoa bảng, các dòng họ khoa bảng của Thăng Long cũng như ở các địa phương khác trong cả nước là hệ quả của nền giáo dục Nho học, của việc tuyển bổ quan lại thông qua con đường khoa cử Nho học là chủ yếu, nhất là từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trở đi. Đi học, đi thi, mong đỗ đạt để không chỉ được nêu tên trên bảng vàng, sau đó được bổ làm quan, có thể thay đổi hẳn cuộc sống của bản thân và gia đình mà còn vì lý tưởng cao cả muốn được thi thố tài năng với đời của các kẻ sĩ. Đó là động cơ thôi thúc bao người khắc phục khó khăn để học tập trong sự khích lệ, giúp đỡ của gia đình, họ hàng, làng xóm, qua lệ khuyến học của làng và của từng dòng họ. Như hương ước của làng La Cả (Hà Đông), nơi không chỉ nổi tiếng về nghề dệt lụa trong hệ thống “bảy làng La ba làng Mỗ” mà còn nổi danh là làng khoa bảng với 7 vị đỗ đại khoa, 44 người đỗ trung khoa (Hương cống thời Lê), lập năm Cảnh Hưng 13 (1752), có các điều ước khuyến khích việc học của con em trong làng, như điều 3 quy định: “Kẻ sĩ chăm chỉ học hành được miễn lực dịch binh phần, đến 26 tuổi mà chưa có tên gọi vào trường thì không được dự lệ này”.
Dưới thời phong kiến, trong 21 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước, tức những làng có hơn mười người đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên) thì Hà Nội có đến 6 làng. Đó là các làng: Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết (Từ Liêm), Nguyệt Áng (Thanh Trì), Phú Thị (Gia Lâm), Thượng Yên Quyết. Nếu tính thêm cả một số làng có số người đỗ đạt ít hơn (từ 7 tiến sĩ trở lên) như Hà Lỗ (Đông Anh), Bát Tràng (Gia Lâm), các làng: Du Lâm, Vân Điềm đều thuộc huyện Đông Anh, làng Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) thì cả Hà Nội có 11 làng khoa bảng với 112 người đỗ, trong đó có 1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 17 hoàng giáp, 88 đệ tam giáp tiến sĩ và 4 phó bảng. Ngoài ra, các làng khoa bảng còn có một số lượng đông đảo người đỗ trung khoa (hương cống, cử nhân). Có làng có đến 95 người đỗ như làng Đông Ngạc, hoặc làng Nguyệt Áng, làng chiêm trũng nhỏ bé, thời phong kiến chỉ có hơn 500 dân cũng có tới 33 người được về làng vinh quy bái tổ. Đây thực sự là những ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Điều đáng lưu ý là những người khoa bảng thường tập trung trong một hai gia đình hoặc một hai dòng họ. Có dòng họ liên tục có người đỗ qua các kỳ thi. Có gia đình, cả bố con, anh em, chú cháu, bác cháu, ông cháu được nêu tên trên bảng vàng, không ít trường hợp anh em, chú cháu đỗ cùng khoa hoặc ba bố con dạy nhau rồi cùng đỗ tiến sĩ. Tiêu biểu nhất là họ Nguyễn làng Vân Điềm (Đông Anh), họ Nguyễn làng Du Lâm (Đông Anh), họ Phạm, họ Hoàng, họ Phan (Đông Ngạc), họ Nguyễn (Phú Thị)... Họ chính là đại diện tiêu biểu cho văn hiến Thăng Long, cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của mảnh đất Kinh kỳ suốt cả ngàn năm lịch sử qua.
Từ việc khảo sát về các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội, tác giả Bùi Xuân Đính đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm của giáo dục và khoa cử Nho học để vận dụng vào thực tế giáo dục hiện nay như: hướng tới một xã hội trọng thị việc học thật sự; xác định rõ mục tiêu giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giao dục song song với việc đảm bảo chất lượng dạy và học, trong đó chú trọng đến phẩm chất và nhân cách của người thầy; phát huy ảnh hưởng của cộng đồng làng xã, dòng họ đối với việc học hành, huy động nguồn lực của cả cộng đồng vào việc học của con em. Mục đích hướng đến của những bài học này chính là để đào tạo được nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng được yêu cầu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc dân tộc và tinh hoa Hà Nội trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước từ buổi đầu thời phong kiến tự chủ, vùng đất của thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vị trí rất trọng yếu trên tất cả các mặt, và đặc biệt đối với giáo dục khoa cử thì Thăng Long - Hà Nội luôn đóng vai trò trung tâm. Những làng khoa bảng nơi đây chính là minh chứng sinh động cho điều ấy. Tất cả đã kết thành truyền thống hiếu học, trọng học đáng quý để cho đến tận hôm nay Thủ đô vẫn luôn là nơi tụ khí anh tài, tập hợp nhân sĩ, trí thức lớn nhất đất nước.
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội