Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 05/02/2015 11:29
Hai vị vua đặt nền móng cho sự thịnh trị của vương triều Lý

Sự hình thành, phát triển, thịnh trị và suy vi của vương triều Lý gắn liền với tên tuổi của 8 vị vua nhà Lý. Trong số đó bốn vị vua đầu từ Thái Tổ (1009-1228), Thái Tông (1228-1054), Thánh Tông (1054-1072), Nhân Tông (1072-1127) đều là những người có học vấn, văn võ song toàn, trí tuệ mẫn tiệp và có tài điều hành đất nước. Tuy nhiên để có được một giai đoạn thịnh trị kéo dài gần 120 năm, phải đặc biệt nói đến công lao của hai vị vua đầu tiên - những người đặt nền móng cho sự hưng thịnh của vương triều Lý và đất nước.


Sau khi lên ngôi năm 1009, vua Lý Thái Tổ đã bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước, làm chỗ dựa vững chắc cho con cháu đời sau. Việc làm đầu tiên của vị vua khai triều này đó là quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Quyết định này là kết quả của cả một quá trình tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng. Đây thực sự là một việc “gốc rễ cho con cháu đời sau”. Đúng như sử gia Ngô Thì Sỹ đã nhận định “Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô đặt định, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp. Cho nên truyền ngôi hơn 200 năm, đánh giặc Tống, dẹp giặc Chiêm, nước mạnh dân giàu, có thể gọi là đời rất thịnh trị. Các vua đời sau noi theo đều giữ gìn được ngôi vua, chống chọi được với Trung Quốc. Lý Thái Tổ có thể nói là một bậc vua biết mưu tính việc lớn”. Có thể nói Thành Thăng Long thời Lý được xây dựng và hoàn chỉnh dưới thời vua Lý Thái Tổ. Vương triều Lý do Lý Thái Tổ sáng lập đã mở ra một thời kỳ phục hưng toàn diện của đất nước. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã đánh giá rất xác đáng rằng Lý Thái Tổ “nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam, Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là mưu lược của bậc đế vương”. Cùng với việc xây dựng Kinh thành Thăng Long vua Lý Thái Tổ đã có chính sách đối nội, đối ngoại mềm dẻo, hợp lòng dân, bước đầu ổn định đất nước, vừa “làm kế cho con cháu muôn đời”. Ông đã đặt cơ sở nền tảng cho toàn bộ quá trình phát triển vượt bậc của quốc gia, mở ra một kỷ nguyên huy hoàng của lịch sử Việt Nam.

Là vị vua thứ hai của nhà Lý, Lý Thái Tông có tên là Lý Phật Mã. Ngay từ nhỏ đã bộc lộ những tư chất của bậc đế vương, thông minh, đĩnh ngộ được vua Lý Thái Tổ yêu quý và chú ý rèn giũa. Sau khi vua Lý Thái Tổ mất, trong cung xảy ra nội loạn, Lý Phật Mã đã dẹp yên nội loạn và lên ngôi. Ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên là vua Lý Thái Tông đã củng cố lại bộ máy hành chính nhà nước, cất nhắc những người thân tín lên nắm các chức vụ cao cấp trong triều đình. Mặt khác ông cũng tăng cường võ quan, củng cố lực lượng quân đội bảo vệ triều đình. Thời kỳ này các thế lực địa phương liên tiếp nổi dậy đe doạ sự ổn định thịnh trị của đất nước. Để đối phó, một mặt đích thân vua thân chinh đi đánh dẹp hoặc sai các tướng quân cầm quân dẹp loạn; mặt khác ông nỗ lực tìm mọi cách quản lý các vùng biên viễn. Một trong những cố gắng đó là ông cho đặt “trấn Vọng Quốc và bảy trạm Quy Đức, Bảo Khang, Tuyên Hoá, Thanh Bình, Vĩnh Thông, Cảm Hoá, An Dân, mỗi nơi ông đều cho dựng mốc tiêu để làm nơi trú ngụ cho man di”. Mặt khác ông cũng dùng hôn nhân để ràng buộc các thổ tù miền núi, đó là gả các công chúa cho họ. Có thể nói đây là chính sách hết sức khôn khéo và mềm dẻo của vua Lý Thái Tông trong việc cố gắng ổn định vùng biên viễn của đất nước.

Đặc biệt dưới thời vua Lý Thái Tông bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta đã được ban hành đó là bộ luật Hình thư. Đây thực sự là bước phát triển vượt bậc về tư duy quản lý đất nước của vị vua thứ hai nhà Lý. Bộ luật Hình thư bao gồm nhiều điều khoản, quy định cụ thể về việc xử lý các vụ việc trên mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của đất nước. Đây được coi là công cụ hữu hiệu cho sự giữ vững ổn định chính trị xã hội. Luật Hình thư có nhiều điều khoản cụ thể, được quy định nghiêm ngặt, tuy nhiên có nhiều điều khoản thể hiện lòng nhân ái, khoan dung, đức độ của nhà vua. Chính phương pháp trị nước bằng luật pháp kết hợp với lòng nhân đã thu hút được nhân dân, quy tụ được lòng người, đưa đất nước phát triển ổn định.

Cùng với việc san định luật pháp, Lý Thái Tông còn khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, khôi phục lễ hội tịch điền; có những chính sách bảo vệ những người trực tiếp sản xuất, bảo vệ trâu bò, sức kéo, tài sản, lúa gạo của nhân dân; khuyến khích khai hoang vỡ hoá; lập đàn Xã Tắc để cầu đảo cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được thuận lợi. Những việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho đời sống muôn dân của vua Lý Thái Tông đã tạo nên cái gốc rễ vững bền của đất nước, tạo đà cho đất nước phát triển ổn định, thịnh trị.

Có thể nói, tiếp nối vua cha, Lý Thái Tông đã tiếp tục xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự phát triển và thịnh trị của nhà Lý về sau. Đúng như sử thần Ngô Sĩ Liên ca ngợi, Lý Thái Tông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”. Ông được vua cha rèn dạy bài bản từ rất sớm, lại trưởng thành từ thực tế gian nan và hào hùng của những thập kỷ đầu tiên xây dựng vương triều nên “khi cầm quân thì đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy. Lại khuyên dân làm ruộng tự mình cày tịch điền, thân oan, đặt luật. Vua trị nước chuyên dùng nhân từ khoan thứ, là một vị vua hiền nối được cơ nghiệp”. Những công lao to lớn của hai vị vua đầu triều Lý là Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông đã tạo nên những nền tảng vững chắc để đưa vương triều Lý và đất nước bước vào giai đoạn thái bình thịnh trị.


Hoàng Vũ

Nhà xuất bản Hà Nội


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)