Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 06/02/2015 11:46
Ba điểm nhấn trong lịch sử Việt Nam dưới thời vua Lý Thánh Tông

Trong thời gian trị vì chưa đầy 20 năm, Lý Thánh Tông đã để lại dấu ấn trong sử sách và hậu thế bởi những bước đi quyết đoán, táo bạo làm nên thành công trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vương triều Lý. Công lao to lớn của vua Lý Thánh Tông đặc biệt được chú ý ở ba việc lớn: Khẳng định quốc hiệu Đại Việt, xây dựng Văn Miếu, mở rộng đất nước xuống phía Nam. Đây là ba điểm nhấn trong lịch sử vương triều Lý nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung dưới thời vua Lý Thánh Tông. Để hiểu rõ hơn về những điều này mời bạn đọc tìm hiểu trong cuốn sách Vương triều Lý (1009 – 1226), sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.  

 
Sau khi lên ngôi, cùng với việc hoàn thiện bộ máy giúp việc cho mình, Lý Thánh Tông chính thức đặt quốc hiệu nước ta là Đại Việt với ý nghĩa là nước ta là một nước lớn, ngang xứng với các nước phương Bắc. Nhiều nguồn tư liệu trước đó khẳng định quốc hiệu nước ta từ thời Đinh - Tiền Lê là Đại Cồ Việt. Đến đời vua Lý Thánh Tông thì đổi thành Đại Việt. Có thể nói ông là người đầu tiên đặt ra quốc hiệu Đại Việt – quốc hiệu có thời gian tồn tại lâu dài và gắn liền với giai đoạn thịnh trị của dân tộc (quốc hiệu Đại Việt tồn tại trong thời gian 723 năm, bắt đầu từ thời vua Lý Thánh Tông đến thời vua Gia Long (1054-1804), tên gọi Đại Việt được dùng làm quốc hiệu trong các triều đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, Đàng Ngoài, Đàng Trong, nhà Tây Sơn và 3 năm đầu thời nhà Nguyễn (1802-1804). Trong quá trình này tên gọi chính thức Đại Việt bị gián đoạn vào thời nhà Hồ và thời thuộc Minh (1400-1427)). Đây thực sự là một bước tiến rất căn bản về ý thức tự tôn dân tộc của vua Lý Thánh Tông.
 
Điểm nhấn thứ hai đó là việc vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070 để thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối và Thất thập nhị hiền. Sự kiện này đánh dấu sự gia nhập của Nho giáo vào đời sống chính trị, xã hội dưới thời Lý. Thực tế từ trước đó Phật giáo vẫn được coi là quốc giáo. Các vị vua nhà Lý sau khi lên ngôi đều cho xây dựng, tu sửa đình, chùa, miếu mạo nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên, Phật giáo lại không thể cung cấp cho những người đứng đầu nhà nước những điều cần thiết về phương pháp trị quốc, bình thiên hạ. Trong khi đó Nho giáo lại có nhiều thứ cần thiết về phương pháp xây dựng đất nước, kiến lập triều đại, trị quốc an dân, về cách tuyển chọn và dùng người tài. Là một vị vua sáng suốt, thông tuệ, Lý Thánh Tông đã nhận thấy sự thiếu hụt này trong Phật giáo và đã có những quyết định “đổi mới về mặt tư tưởng”. Đây là một trong những việc làm đầu tiên thể hiện sự cân nhắc, định hướng lựa chọn tư tưởng làm gốc rễ cho phương pháp trị quốc của vua Lý Thánh Tông. Tất nhiên để Nho giáo đi sâu vào đời sống xã hội và có vai trò quan trọng trong đường hướng trị nước và là sự lựa chọn tất yếu của các bậc vương quân thì cần phải có nhiều việc làm và có thời gian để Nho giáo khẳng định được giá trị tri thức của mình trong xã hội. Tuy nhiên, việc lập Văn Miếu là sự khởi đầu cho quá trình đề cao và lựa chọn hệ tư tưởng Nho giáo trong trị nước. Đây là bước đi đột phá về mặt tư tưởng của vua Lý Thánh Tông để định hướng cho các thế hệ sau.
 
Điểm nhấn thứ ba đáng nói dưới thời vua Lý Thánh Tông đó là việc bình Chiêm, mở rộng bờ cõi về phía Nam. Từ việc khẳng định quốc hiệu Đại Việt cho thấy vua Lý Thánh Tông đã ý thức rất cao về ý thức dân tộc, chủ quyền lãnh thổ. Do đó, sau khi lên ngôi ông tập trung củng cố, chỉnh đốn quân ngũ để giữ yên bờ cõi, chống lại sự đe doạ và xâm lược của các thế lực bên ngoài. Đặc biệt là từ năm 1000 sau công nguyên, Chiêm Thành bước vào giai đoạn thống nhất, rộng lớn và mạnh hơn, đã nhiều lần đem quân cướp phá biên giới Đại Việt. Có thể thấy đây là mối đe doạ thường trực đối với an ninh quốc phòng của Đại Việt nhất là khi quan hệ của hai bên trên thực tế chịu sự chi phối của bối cảnh khu vực với những mối quan hệ phức tạp với cả nước Tống và Chân Lạp. Trước những hành động quấy nhiễu biên giới Đại Việt của Chiêm Thành, cuối năm 1068 vua Lý Thánh Tông xuống chiếu đóng mới và sửa nhiều chiến thuyền để chuẩn bị đánh giặc. Ngày 24 tháng 2 năm 1969 âm lịch, vua hạ chiếu thân chinh đánh Chiêm Thành. Ngày 8 tháng 3 đoàn quân gần 5 vạn người theo đường biển tiến vào Chiêm Thành. Cuộc “bình Chiêm” của vua Lý Thánh Tông diễn ra không dễ dàng và suôn sẻ bởi lực lượng quân Chiêm Thành lớn mạnh. Tuy nhiên, nhờ có hậu phương vững vàng, lòng quân dân đoàn kết mà quan quân Đại Việt đã đánh tan quân Chiêm, chiếm kinh đô của Chiêm Thành. Cuộc chinh chiến gần 2 tháng của vua Lý Thánh Tông với sự phò tá của Lý Thường Kiệt đã giành được thắng lợi trọn vẹn, phá tan đến tận ngọn nguồn các lực lượng cướp phá và quấy nhiễu bờ cõi nước ta của quân Chiêm Thành, thị uy sức mạnh quân đội, quốc gia trước một đế chế hùng mạnh, hiếu chiến. Bằng thắng lợi này lần đầu tiên một phần đất phía Nam (gồm ba châu Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh – nay là huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị) được hoà nhập và tích hợp vào lãnh thổ Đại Việt. Công cuộc chinh phạt Chiêm Thành không chỉ làm cho uy thế của Đại Việt ngày càng lớn mạnh trong khu vực, mở rộng lãnh thổ mà còn là cầu nối cho cuộc tiếp xúc văn hoá Việt - Chăm, tạo nên sự phong phú và đa dạng trong nền văn hoá Đại Việt đồng thời để lại dấu ấn rộng lớn của văn hoá Chăm trong Kinh thành Thăng Long.
 
Có thể nói, Đại Việt dưới thời trị vì của vua Lý Thánh Tông đã đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận. Đây thực sự là bước phát triển vượt bậc về ý thức chủ quyền dân tộc, sự bền vững của quốc gia. Có được sự phát triển đó công lao trước hết thuộc về vị vua thứ ba nhà Lý và những người giúp sức trung thành và tài giỏi của ông như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Nguyên phi Ỷ Lan… mà không phải một vị vua tài giỏi hay một thời đại hoàng kim nào cũng hội tụ được nhiều nhân tài kiệt xuất như thế.
 
 
Hoàng Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)