Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 28/02/2015 11:45
Di sản văn hoá phi vật thể Thăng Long – Hà Nội – kho tàng tri thức phản ánh giá trị đa chiều

Với vai trò là trung tâm văn hoá lớn và lâu đời, Thăng Long – Hà Nội đã hội tụ các nhân tài của đất nước và tinh hoa trí tuệ của cả dân tộc, tập hợp và gìn giữ được một di sản văn hoá phi vật thể vô cùng to lớn. Di sản với kho tư liệu Hán Nôm và văn học dân gian gồm đủ thể loại từ văn thơ, văn bia, truyền thuyết, thần tích, thần phả, địa chí, địa bạ đến ca dao, tục ngữ…, kho tàng ca múa nhạc, sân khấu cũng như nghệ thuật xiếc và tạp kỹ… Đó là nguồn di sản chứa đựng những tri thức mà cư dân Thăng Long – Hà Nội đã tích luỹ từ chính cuộc sống của mình cũng như từ kinh nghiệm sống và cái học của trí thức tứ xứ hội tụ lại đây thành kho tri thức vô cùng phong phú.

 
Có thể nói, đây là kho tri thức đủ loại, một bách khoa thư về lịch sử (văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, địa lý…), địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, văn hoá nghệ thuật, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, đời sống vật chất cũng như đời sống văn hoá tinh thần và tâm linh tín ngưỡng… của con người Thăng Long xưa, Hà Nội nay và của cả nước. Kho tàng tri thức phong phú tiềm ẩn trong di sản văn hoá phi vật thể hiện còn được lưu giữ ở Hà Nội với những tri thức về:
 
+ Bờ cõi, hình thế, núi sông (bao gồm cả vị trí, bản đồ, sản vật, phong thổ, khí hậu)
 
+ Địa lý hành chính cùng với địa danh, tên phố, làng xã… và những thay đổi qua các thời đại
 
+ Địa danh, thắng cảnh, di tích văn hoá lịch sử (các đền, chùa, miêu, mạo, tháp…) với lai lịch, kiến trúc, lịch sử cùng những biến đổi liên quan tới chúng…
 
+ Sự tích, truyền thuyết về các thần, tổ sư một số nghề, thể lệ thờ cúng…
 
+ Các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong lịch sử, những nhân vật nổi tiếng, những trận đánh lịch sử, các đồ dùng, trang phục, việc thi cử, các phong tục tập quán ở những thời đại khác nhau…
 
+ Các chợ và các loại chợ khác nhau, các phường nghề - làng nghề - phố nghề, nguồn gốc, lịch sử hình thành và chuyển dời của một số phường nghề, làng nghề, phố nghề, công cụ, quy trình và kỹ thuật chế tác của một số loại sản phẩm, các mặt hàng của từng loại nghề, đặc sản địa phương, đặc sản Thăng Long – Hà Nội…
 
+ Các loại lương thực, thực phẩm, gia vị, hương vị; chức năng tác dụng của từng loại thực phẩm đối với cơ thể con người; tính chất và dược tính của từng loại thực phẩm; cách phối hợp chúng và cách dùng các loại thức ăn cho phù hợp với thể trạng để nâng cao sức khoẻ và trị bệnh; cách chọn và dùng thức ăn theo mùa cho ngon, cho lành.
 
+ Các loại quà bao gồm cả các loại xôi, chè, cháo, bún, bánh…, các món ăn mặn và chay, các loại cỗ, các đồ uống, các kỹ thuật bảo quản, chế biến món ăn, các quán ăn, nhà hàng nổi tiếng…
 
+ Các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các thể loại tiết mục của từng loại hình, các nguyên tắc biểu diễn, các đạo cụ, kỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn, môi trường, thời điểm diễn xướng của từng loại hình nghệ thuật…
 
Kho tàng tri thức ẩn chứa trong di sản phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội còn phản ánh mọi khía cạnh liên quan tới con người Thăng Long nói riêng, người Việt Nam nói chung. Dưới đây xin điểm lướt những khía cạnh được phản ánh qua những lĩnh vực khác nhau của di sản văn hoá phi vật thể Thăng Long – Hà Nội:
 
+ Đặc điểm của điều kiện tự nhiên ở Thăng Long xưa: là một thành phố sông hồ - một vùng trũng với rất nhiều sông hồ - đầm - ao - ruộng lúa nước đã tạo nên hệ sinh thái nhân văn làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của nghệ thuật múa rối nước vô cùng đặc sắc và nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc khác.
 
+ Khả năng và phương thức thích ứng với môi trường thiên nhiên, khí hậu bộc lộ rõ rệt trong ẩm thực cũng như khả năng và phương thức thích ứng với môi trường xã hội - lịch sử của người Thăng Long và người Việt Nam nói chung.
 
+ Con người với cách nghĩ, nếp sống, cách ứng xử, thị hiếu nghệ thuật của từng tầng lớp trong xã hội cùng một số khía cạnh khác trong đời sống của con người thời xưa…
 
+ Khí phách của dân tộc, thái độ cùng cách xử và hành động của các tầng lớp xã hội trong những giờ phút đất nước lâm nguy, tâm trạng của họ trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
 
+ Thân phận của những người bình dân nói chung, của từng giai cấp nói riêng dưới thời phong kiến và những phản ứng của họ đối với các chính sách cũng như đối với sự áp bức bóc lột của phong kiến trong từng giai đoạn ở các “thần dân” của mình.
 
+ Sự phân hoá tư tưởng trong các tầng lớp xã hội trong mỗi giai đoạn có những bước ngoặt lớn trong lịch sử; sự nảy sinh những thị hiếu mới cùng với cuộc đấu tranh giữa những phái có tư tưởng và quan điểm đối lập; những tìm tòi đổi mới các loại hình nghệ thuật cổ truyền để tồn tại cũng như để đáp ứng nhu cầu của những thị hiếu mới nảy sinh…
 
+ Tư duy tâm linh tín ngưỡng của cư dân Thăng Long, những chuyển biến của nó trong lịch sử, quá trình tiếp biến và hỗn dung tín ngưỡng.
 
+ Các quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, về nghệ thuật…
 
+ Phương thức ứng dụng vũ trụ quan trong các lĩnh vực của đời sống (y học, ẩm thực, âm nhạc, sân khấu, văn học…).
 
+ Những truyền thống của người Thăng Long – Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung đã định hình và được kế thừa, phát triển cho tới tận ngày nay: yêu nước, kiên cường bất khuất; trọng tình nghĩa trong mọi mối quan hệ gia đình và xã hội; hiếu học, chuộng văn chương; khéo tay hay làm; không ngừng tiếp thu và dân tộc hoá các yếu tố tiếp thu của nước ngoài, làm giàu cho nền văn hoá dân tộc.
 
Di sản văn hoá phi vật thể Thăng Long – Hà Nội phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống tinh thần và vật chất của người Thăng Long – Hà Nội cũng như của người Việt Nam nói chung, thể hiện ở: sinh hoạt, quang cảnh Thăng Long – Hà Nội, kể cả những chuyện xảy ra trong thâm cung, bí sử; quá trình tiếp biến các yếu tố nước ngoài cũng như phương thức tiếp thu và dân tộc hoá các yếu tố tiếp thu của nước ngoài; nếp sống văn minh thanh lịch thể hiện trong cách cư xử, trong cách giao tiếp, cách thể hiện tình cảm, cách dùng ngôn từ trong lời nói thông thường cũng như trong thơ ca, cách ăn, mặc, ở, đi lại… trong đó bao gồm cả phương thức nghệ thuật hoá một số hành vi, cử chỉ, lời nói… trong những dịp trọng thể của cộng đồng…
 
Trải hàng nghìn năm lịch sử, văn hoá phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội chứa đựng nhiều nét kỹ thuật tinh xảo và tinh tế. Nhiều tác phẩm là những sáng tạo đặc sắc và mẫu mực về nghệ thuật vượt không gian và thời gian tồn tại đã nâng cao tầm vóc của dân tộc với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, di sản văn hoá phi vật thể nơi đây còn là nguồn nguyên liệu vô tận cho mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật để tạo nên những tác phẩm mới phong phú và đa dạng mang bản sắc dân tộc trong thời đại ngày nay.
 
 
Minh Ngọc
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)