Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 24/03/2015 04:28
Nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật là những phương tiện tuyên truyền, vận động hiệu quả thấm sâu vào lòng người

Với những đặc trưng biểu hiện giàu tính nghệ thuật và hấp dẫn, nhiều loại hình văn hoá phi vật thể khi chuyển tải những nội dung mang tính giáo dục đồng thời lại trở thành những phương tiện tuyên truyền vận động rất có hiệu quả. Do đó, nhiều đảng phái chính trị, chính quyền và những người đứng đầu các giáo phái thường sử dụng các loại hình văn hoá nghệ thuật – bao gồm cả các di sản văn hoá nghệ thuật cổ truyền để phục vụ cho việc vận động quần chúng nhân dân theo một đường lối chủ trương nào đó của mình.

 
Về khía cạnh tuyên truyền, vận động, chúng ta có thể thấy thế mạnh này trong nhiều loại hình văn học bao gồm cả văn học bác học (với một số loại thể loại trong kho tàng Hán Nôm) cũng như văn học dân gian, đặc biệt là các thể loại ca dao, vè. Bên cạnh đó, dân ca nói chung, ca nhạc cổ truyền Hà Nội nói riêng cũng như các loại hình kịch hát và sân khấu cổ truyền như chèo, tuồng… kể cả múa rối, đều có khả năng tác động tới con người rất mạnh mẽ, hiệu quả. Đó là một phương tiện giáo dục đa chiều, đồng thời là một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu, vừa hấp dẫn, vừa dễ nhớ và dễ đi vào lòng người.
 
Trước kia, đạo Phật đã truyền bá giáo lý của mình cho các tín đồ thông qua các thể loại văn học – dưới hình thức truyền miệng hoặc trên văn bản và cả dưới những hình thức diễn xướng đa dạng: tụng kinh, đọc kệ, chèo đò, kể hạnh cũng như các hình thức đàn tràng… Giai cấp phong kiến cũng truyền bá tư tưởng Nho giáo và trật tự phong kiến thông qua nhiều thể loại văn học và nghệ thuật tuồng.
 
Ngay từ đầu thế kỷ XX, khi tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng sử dụng các làn điệu dân ca cổ truyền để đặt lời ca mới mang một nội dung khơi gợi lòng yêu nước, vận động cách mạng. Sau khi thủ đô được giải phóng, bên cạnh việc sáng tác các ca khúc mới, người Hà Nội vẫn tiếp tục khai thác phương thức “bình cũ rượu mới” với các làn điệu dân ca nhạc cổ để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các điệu hát văn, ca trù và những điệu dân ca khác đặt lời mới đã được sử dụng để tuyên truyền giáo dục đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân xây dựng cuộc sống mới và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ủng hộ đồng bào miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng và thống nhất đất nước… Có thể tìm hiểu cụ thể thêm vào một số thể loại như sau:
 
Như đã trình bày sơ qua ở trên, ngay từ xưa hát xẩm vốn đã mang chức năng giáo dục. Đó là một hình thức giáo dục tuyên truyền nhẹ nhàng nhưng lại đi vào lòng người một cách dễ dàng, không khô khan, căng cứng. Ngẫu nhiên được nghe đi nghe lại trong những khi đi đường, khi chờ tàu xe…, nội dung các bài hát xẩm dần thấm vào tâm trí người nghe lúc nào không hay và trở nên quen thuộc đối với họ. Chúng được ghi nhớ một cách tự nhiên và có thể để lại dấu ấn trong nếp nghĩ của họ. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên ở thế kỷ XX chính quyền cách mạng đã vận dụng hát xẩm vào một số hoạt động của mình. Nhiều nghệ nhân hát xẩm đã tham gia những đợt vận động chính trị như vậy và nhờ khả năng lôi cuốn mạnh mẽ của mình, nghệ thuật hát xẩm đã từng có những đóng góp tích cực cho cách mạng. Danh tính nhiều nghệ nhân hát xẩm Hà Nội từng góp công trong việc chống di cư khi thực dân và nguỵ quyền lôi kéo giáo dân vào Nam vẫn còn đó như một minh chứng: ông Nguyễn Văn Tuất, ông Nguyễn Văn Huyên, ông Độ, ông Thịnh, ông Mận, bà Vũ Thị Lan…
 
Đối với hát văn, ca trù cũng có tác dụng tương tự. Theo nhà nghiên cứu Chu Hà thì đầu thế kỷ XX các chí sĩ cách mạng đã từng viết những lời ca mang nội dung yêu nước, cách mạng cho thể hát nói trong ca trù để động viên, kêu gọi nhân dân. Bài ca cứu quốc của cụ Huỳnh Thúc Kháng viết theo thể hát nói được phổ biến trong họ giáo phường Lỗ Khê và một ví dụ. Cũng theo nhà nghiên cứu này cho biết, ông Phạm Hoàng Căn - người quản ca đã từng phổ biến bài ca trên trong giáo phường Lỗ Khê sau này còn sưu tầm thêm những bài hát cách mạng để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Và chính người dân Lỗ Khê cũng đã sáng tác những bài hát nói mang nội dung phục vụ các nhiệm vụ cách mạng của Đảng và Nhà nước ở ngay địa phương của mình. Nghệ nhân hát văn Phạm Văn Khiêm cũng đã từng sáng tác những bản văn mới nêu cao lòng tự hào dân tộc. Nhờ chất nhạc đầy cuốn hút, cùng với những làn điệu dân ca khác, nhiều làn điệu hát văn với lời ca chuyển tải nội dung mới nhằm tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử từ lâu đã trở thành những tiết mục được yêu thích của thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam.
 
Nửa cuối thế kỷ XX, nhiều hoạt cảnh chèo với nội dung tuyên truyền các chính sách ba khoan, sinh đẻ có kế hoạch, chống mê tín dị đoan… đã phát huy tác dụng nhất định trong việc vận động nhân dân thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.
 
Trên thực tế, không chỉ Nhà nước cách mạng mà ngay cả bọn thực dân xâm lược cũng đã từng tận dụng nghệ thuật kịch hát cổ truyền như một diễn đàn để tuyên truyền cho những ý đồ chính trị của mình thông qua một số vở kịch do bọn quan lại tay sai viết. Pháp Việt nhứt gia, Gương sử Nam của Hoàng Cao Khải ở đầu thế kỷ XX là những ví dụ.
 
Múa rối nước là một loại hình có khả năng không thua kém trong lĩnh vực này. Theo nghệ sĩ Văn Học, “trong làng xóm nếu có sự kiện nào nổi bật cần được tuyên truyền kịp thời thì đã có quân rối nước Tễu - một nhân vật điển hình của nghệ thuật múa rối nước truyền thống mỗi khi chạy ra giáo trò hay dẫn chuyện sang trò mới lại pha thêm những câu thơ lục bát hóm hỉnh ý tứ để thông báo bà con thôn xóm được biết, trước là vui cười, sau cũng để lại những suy nghĩ để cộng đồng tự điều chỉnh, hoà nhập…
 
Có thể thấy qua một vài viện dẫn phân tích trên đây, bên cạnh giá trị giáo dục vốn có của mình, ở bất kể thời nào - thời phong kiến hay thời hiện đại, nhờ vào giá trị nghệ thuật, sức lôi cuốn và vị trí còn vững vàng trong đời sống tinh thần của người Hà Nội cũng như của người Việt Nam nói chung, nhiều loại hình di sản văn hoá phi vật thể vẫn là một phương tiện đắc lực và có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và đồng thời có tính giáo dục đa chiều, sâu sắc.
 
 
Bảo Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)