Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 24/03/2015 04:41
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu nhà văn hóa có tâm có tầm!
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là một danh nhân Thăng Long - Hà Nội, sinh ra, lớn lên và gắn bó trọn đời với mảnh đất này. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu và nhà giáo nổi tiếng thế kỷ XIX được người đời xung tụng là Thiền Siêu và ngợi ca trong hai câu thơ mười chữ “Nhất đại Phương Đình bút/Thiên thu kiếm thủy biên” (Một trời ngọn bút Phương Đình./ Nghìn năm bên Hồ Hoàn Kiếm). Ngòi bút ấy đã hóa thành “Tháp bút” cùng “Đài nghiêng”. Từ thuở ấu thơ đến lúc nhắm mắt xuôi tay ông để lại cho hậu thế cả một sự nghiệp đồ sộ về giáo dục con người và nghiên cứu học thuật, nhưng trước hết là nhân cách sáng chói về tài năng và đức độ.
 
Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, Nhà xuất bản Hà Nội đã mời PGS Trần Lê Sáng cùng các cộng sự biên soạn bộ Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu. Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là một trong những tuyển tập gồm 1083 bài thơ, văn - một khối lượng tác phẩm đồ sộ - đều được viết bằng chữ Hán trong đó có tập 4 tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.

Trong tuyển tập 4 văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, cái hiện thực và cái trữ tình xen lẫn, hoà quyện vào nhau để cùng nói lên tâm hồn của nhà thơ. Nhưng nếu để tách bạch ra thì quả là trong thơ Phương Đình có một ngòi bút trữ tình đặc sắc, tình quyện trong cảnh và cảnh chứa chân tình.

Sáng tác của Nguyễn Văn Siêu thể hiện đậm nét lòng tự hào của nhà thơ về đất nước, về dân tộc mình và Thăng Long - Hà Nội là địa danh được thể hiện nhiều nhất trong thơ ông, đơn giản bởi đây là nơi ông sinh ra và lớn lên, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông. Bởi vậy, Thăng Long - Hà Nội là một suối nguồn lớn trong mạch nguồn thơ ca của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, mà ở đó những địa danh, phong cảnh con người luôn đẹp hơn, nên thơ hơn.

Cảnh đẹp Thăng Long - Hà Nội trong thơ Phương Đình đẹp một cách dung dị, màu sắc, âm thanh, hình dáng và đường nét thật sáng trong thanh tú. tình trong cảnh đó nhã mà đôn hậu, thật mà nhuyễn:

Phi quan nhiễm chức phiên thành cẩm
Bất tại đan thanh hốt hữu văn.

Đó là vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Nhị thơ mộng:

Một dòng sông trong trời đất đã có từ ngàn xưa,
Đến trước dòng, bên thành lũy cũ, ngắm ngôi lầu mới.
Chốn mặt trời nơi bể Đông, ngàn ngọn nguồn đã định…

Vạn Hồ mênh mang mà ví như chén nước. Cách nhìn thật độc đáo. Nhưng chưa hết, nước lăn tăn chạy dài như lật mặt trời mà chờ về xa. Tứ thơ thật lạ mà táo bạo! Và thế là mùa xuân hiển hiện lên trong hình dáng một con thuyền bé đang quay mái chèo về nép cạnh bờ hoa. Xuân đẹp, xuân hữu tình nhưng man mác buồn, vì đây là mùa xuân của một thời khá đen tối trong lịch sử:
 
Nhất trản trung phù địa,
Trường lưu đảo tải thiên.
Ngư chu xuân tống khách,
Hồi trạo túc hoa biên.

Như nhiều bậc tao nhân mặc khách, Nguyễn Văn Siêu cũng say cảnh thiên nhiên. Trong thi phẩm này của ông, thiên nhiên tỏa sáng ở hai vẻ đẹp, nhất là những vẻ đẹp dữ dội, gai góc tác động mạnh vào các giác quan, đẹp êm đềm thơ mộng, gợi tả cuộc sống bình yên. Đứng trước những núi cao, thác hiểm, đèo sâu… ngòi bút tác giả trở nên thật sống động, khắc họa thật hữu hình. Còn lúc đối diện với những mặt hồ trong xanh, những dòng sông hiền hòa, những cánh đồng trải dài, những làng quê thanh bình thi nhân chủ yếu dùng nghệ thuật chấm phá, nắm bắt linh hồn của cảnh vật. Đặc điểm này có sự gặp gỡ giữa thơ ca và văn xuôi góp phần tạo thành những nét riêng trong diện mạo văn chương.

Mở neo thuyền từ sông Đằng, vào sông Vị,
Khói nước hai thành chung một bầu trời.
Chẳng có gì phải buồn vì đêm nay không trăng,
Hãy cứ vui vẻ vì niềm vui năm nay.

Với Hà Nội, ông là người có công lớn góp phần đại trùng tu khu di tích đền Ngọc Sơn nổi tiếng. Ba chữ “Tả thanh thiên” của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu viết ở Tháp Bút trước đền Ngọc Sơn đã là một biểu tượng tuyệt đẹp, đủ sức ôm chứa cả văn hóa, văn chương Thăng Long rực rỡ, tinh khiết, ngất trời trong tâm tưởng người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Với một tài năng kiệt suất của người Thăng Long như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu ai đã một lần được nghe, được biết về ông hay muốn tìm hiểu hơn nữa về những sáng tác văn thơ nổi tiếng của “Thần Siêu” hãy tìm đọc bộ sách Tuyển tập văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, gồm 4 tập thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do PGS Trần Lê Sáng chủ trì được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.

Bút Phương Đình một đời
Bên Hồ Gươm muôn thủa.

Kim Ngân

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)