Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 25/03/2015 05:20
Giá trị của di sản văn hoá phi vật thể Thăng Long – Hà Nội nền tảng vững chắc giữ gìn bản sắc dân tộc

Giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đây là thời điểm dân tộc Việt Nam chuyển sang thời kỳ đụng độ và giao lưu mạnh mẽ với văn minh phương Tây. Trong bối cảnh lịch sử đó, đặc biệt là trong giao lưu với phương Tây và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng từ những thập kỷ cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, văn hoá phương Tây đã có những ảnh hưởng rất lớn tới nhiều mặt trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam. Với người Hà Nội, sống trong một trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của cả nước, nơi các thông tin trong nước cũng như quốc tế thường xuyên được cập nhật, các quá trình giao lưu với nước ngoài diễn ra tập trung nhất, lại càng chịu những tác động mạnh của các luồng văn hoá du nhập từ nước ngoài, trong đó chiếm ưu thế vẫn là văn minh phương Tây. Những tác động này biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần của người Hà Nội. Cùng với sự vận động và thay đổi trong cư dân ở Hà Nội, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên sinh viên, những tác động nói trên đã làm cho bản sắc văn hoá dân tộc nói chung, bản sắc Thăng Long – Hà Nội nói riêng, trong đời sống của cư dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng không ít. Thậm chí có những lúc nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hoá tinh thần của người Hà Nội bị đặt trước nguy cơ thoái hoá, “biến sắc” bởi những ảnh hưởng của nước ngoài.

 
Chẳng hạn, trong đời sống âm nhạc của người Hà Nội những thập niên gần đây có những hiện tượng bộc lộ ảnh hưởng rất mạnh của các trào lưu âm nhạc phương Tây, đặc biệt là trong các thể loại âm nhạc dành cho thế hệ trẻ. Đã từng - đặc biệt là trong những năm gần đây, và hiện vẫn đang xảy ra những hiện tượng lai căng, sống sượng trên sân khấu “nhạc trẻ”, kể cả trong những chương trình Sao mai điểm hẹn, những chương trình Live show, thậm chí cả những chương trình Bài hát Việt nhưng “chẳng Việt chút nào” được giới thiệu và truyền bá trên màn ảnh nhỏ của Đài Truyền hình Việt Nam, khiến cho nhiều người - cả trong và ngoài giới nhạc phải bức xúc, lo lắng…

Trong lĩnh vực ngôn ngữ, khi viết về Tiếng Hà Nội xưa và nay, PGS.TS. Hà Quang Năng đã đưa ra những hiện tượng tiếp nhận và tiếp biến các từ ngữ, cách cấu trúc câu trong ngôn ngữ châu Âu trong đời sống của người Hà Nội trong nhiều thập niên gần đây. Tác giả cho rằng, hiện nay tiếng Hà Nội đã có những thay đổi mạnh mẽ. Trong lời ăn tiếng nói của giới trẻ thủ đô (chủ yếu là học sinh, sinh viên) có những đặc điểm riêng mang tính thực dụng, pha chất “sành điệu”, tếu táo. Những biểu hiện sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt và hiện nay xuất hiện hàng ngày trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông, trong lời ăn tiếng nói của học sinh, sinh viên (…). Chẳng hạn, cách nói nửa ta nửa tây trong chương trình bài hát Việt của người dẫn chương trình hay trong các quảng cáo trên ti vi… Thậm chí các thầy cô giáo đang cảnh báo rằng học sinh bây giờ sử dụng cả những ngôn ngữ tán gẫu thường nhật trong các cuộc chat vào các bài tập làm văn trên lớp… PGS.TS. Hà Quang Năng cho rằng: “Sự lạm dụng từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt, việc sử dụng quá mức cách cấu tạo từ ngữ, cách diễn đạt rối rắm, khó hiểu, mang nặng tính chất khẩu ngữ của giới trẻ thủ đô lại được sự ủng hộ, sự đồng tình của các phương tiện truyền thông, báo chí đã làm cho tiếng Hà Nội nói riêng, tiếng Việt nói chung có nguy cơ bị phá hỏng. Ngoài ra, việc sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, không những ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn làm cho tiếng Hà Nội mất dần đi vẻ thanh lịch, chất ngọt ngào, êm ái.

Trong bối cảnh đó, nhiều giá trị của di sản văn hoá phi vật thể Thăng Long – Hà Nội có thể trở thành những điểm tựa vững chắc cho việc gìn giữ bản sắc dân tộc nói chung, bản sắc Thăng Long – Hà Nội nói riêng và lấy lại sự trong sáng, nền nã cho đời sống văn hoá tinh thần của người Hà Nội. Điều này không chỉ là một suy đoán mang tính lý thuyết mà còn có những cơ sở thực tiễn của nó.

Chẳng hạn, trước những hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ làm cho tiếng Hà Nội bị “xuống cấp”, PGS.TS. Hà Quang Năng vẫn tin rằng “tiếng Hà Nội, tiếng thủ đô có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tiếng Việt cũng như công cuộc chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu có những biện pháp hữu hiệu chỉnh đốn lại những hiện tượng “lệch chuẩn” (từ do PGS.TS. Hà Quang Năng sử dụng) trong các phong cách ngôn ngữ chính thức và hạn chế chúng cả trong phong cách khẩu ngữ, những nét đẹp của tiếng Hà Nội xưa sẽ là chỗ dựa quan trọng cho việc bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như vẻ thanh lịch, ngọt ngào êm ái vốn là đặc trưng của tiếng Thăng Long – Hà Nội xưa.

Trong đời sống âm nhạc ở Hà Nội, mặc dầu có những hiện tượng đáng lo ngại nêu trên, song trên thực tế đã có những biểu hiện cho thấy những giá trị của di sản âm nhạc cổ truyền đã và chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho việc gìn giữ bản sắc dân tộc để âm nhạc Hà Nội có thể vững bước hoà nhập với thế giới mà không bị hoà tan.

Thật vậy, trong khi các trào lưu âm nhạc đủ loại của nước ngoài tràn ngập vào nước ta, trong đó Hà Nội là một trong những tụ điểm, người Hà Nội vẫn luôn biết kế thừa các giá trị của di sản âm nhạc cổ truyền nói chung cũng như của di sản âm nhạc Thăng Long – Hà Nội nói riêng để tạo nên những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc.

Âm điệu đặc trưng của ca trù, đặc biệt là của thể Hát nói, đã trở thành chất liệu cho sự sáng tạo rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nhạc mới như Văn Thành Nho, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và nhiều nhạc sĩ khác… Âm hưởng nỉ non réo rắt của đàn bầu mang hồn dân tộc đã đi sâu vào tâm khảm của nhiều nhạc sĩ để cho ra đời những tác phẩm nhạc mới dành cho nhạc khí này diễn tấu như trong tác phẩm độc tấu đàn bầu và dàn nhạc dân tộc Vì miền Nam của Huy Thục, hoặc đã trở thành đề tài của một sáng tác ca khúc mang tên “Tiếng đàn bầu” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc được nhiều người yêu mến với những âm luyến láy gợi nhớ tới những âm thanh mềm mại, giàu cảm xúc của nhạc khí đặc sắc này. Đó là chưa kể những tác phẩm khí nhạc đã được sáng tạo trên cơ sở kế thừa những thành tựu âm nhạc cổ truyền mà nhiều thế hệ nhạc sĩ ở Hà Nội trước đây như Nguyễn Xuân Khoát, Tạ Phước, Tô Vũ, Xuân Khải, La Thăng, Đinh Thìn, Trần Quý, Hồng Thái, Thao Giang… đã khai thác và kế thừa trong tác phẩm của mình.

Di sản âm nhạc cổ truyền không chỉ là nguồn gợi ý cho sự sáng tạo của các nhạc sĩ thuộc các thế hệ trước mà ở thời đại ngày nay, trước sự lan tràn của đủ loại nhạc ngoại nhập với những trào lưu âm nhạc phương Tây rất xa lạ với truyền thống âm nhạc cổ truyền của dân tộc, nó vẫn tiếp tục phát huy giá trị của mình trong các thế hệ trẻ trưởng thành từ khoảng hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Âm hưởng dân ca thấm đượm trong một số ca khúc của Lê Minh Sơn (Bên bờ ao nhà mình, Quê tôi…), Giáng Son (Giấc mơ trưa), âm hưởng tụng kinh Phật giáo trong Bà tôi, Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến… là những ví dụ. Mới đây, ca khúc Con cò của Lưu Hà An được nhận cùng một lúc hai giải thưởng - giải thưởng của Hội đồng thẩm định và giải thưởng cho bài hát được công chúng yêu thích nhất, là một bằng chứng cho thấy hình tượng, đề tài cũng như âm hưởng dân gian dân tộc vẫn tiếp tục có sức thu hút sự quan tâm và yêu thích không chỉ của giới chuyên môn âm nhạc mà cả của công chúng trẻ. Đó là chưa kể những năm gần đây những nhạc khí cổ truyền như nhị, sáo, bầu, tranh và cả kèn… cũng ngày càng được các nhạc sĩ sáng tác và phối khí ở Hà Nội khai thác sử dụng cả trong các chương trình “nhạc trẻ”…

Tuy ở những thập kỷ cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, những sáng tác khai thác các yếu tố dân gian cổ truyền chưa chiếm đa số trong trào lưu sáng tác của các thế hệ nhạc sĩ trẻ, song chừng ấy ví dụ cũng đủ chứng minh khả năng và vị trí của các di sản âm nhạc cổ truyền ngay trong thời đại hiện nay khi mà quá trình hội nhập đang diễn ra với tốc độ cao về bề rộng cũng như bề sâu của những ảnh hưởng âm nhạc từ bên ngoài đối với đời sống của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung, đặc biệt là ở các thế hệ trẻ là rất lớn. Với một số hiện tượng vừa phân tích ở trên không những mở ra một cách rõ ràng tương lai của âm nhạc Việt Nam trên con đường hoà nhập mà không hoà tan trong bối cảnh hiện nay, mà còn là những minh chứng rõ ràng về giá trị của di sản âm nhạc cổ truyền nói chung, di sản âm nhạc cổ truyền Thăng Long – Hà Nội nói riêng trong thời đại hiện nay. Đó – cũng như ở mọi thời đại trước – luôn luôn là điểm tựa cho sự sáng tạo những sản phẩm văn hoá mới mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời là nền tảng cho việc dân tộc hoá những yếu tố, phương tiện, hình thức và trào lưu tiếp nhận từ bên ngoài. Chắc chắn rằng nếu đem đến cho các thế hệ trẻ nhiều điều kiện thuận lợi để nghe và thấm cũng như nắm vững nhiều khía cạnh khác của vốn di sản vẫn còn là khép kín đối với họ, không khí âm nhạc Hà Nội (và trong cả nước) cũng sẽ được tinh lọc, những lời bất bình, chê bai về tình trạng lấn sân của các loại nhạc mang ảnh hưởng nước ngoài trong một số chương trình ca nhạc cũng sẽ không còn nữa.


An Vy

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)