Đời sống tâm linh của người Thăng Long – Hà Nội
Với hàng nghìn những kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đủ mọi loại như đình, đền, chùa, quán, miếu… Thăng Long là nơi tập trung nhiều đền chùa, đạo quán, lễ hội; người dân Thăng Long tôn kính tất cả các vị thánh thần ân đức, các bậc anh hùng vì dân vì nước được thờ phụng ở các chùa, đền, quán, miếu… thường xuyên được dân chúng lui tới cúng lễ, hương khói, không kể đến hầu như trong tất cả các gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên, nhiều người còn xây dựng ngay trong nhà mình những điện, am thờ thần, Phật… Đây là những nét nổi bật biểu hiện đời sống tâm linh của người dân đất kinh kỳ.
Thần điện của người Thăng Long – Hà Nội rất đa dạng, phong phú, nó phản ánh hiện tượng cộng tồn, tịnh tồn của các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam cũng như vị thế hội tụ văn hoá của chốn kinh kỳ. Trong giới thiên thần, người Thăng Long – Hà Nội nhiều nơi thờ cúng tứ bất tử (nhiều nhất là Đức thánh Tản) và Thăng Long tứ trấn (Trấn Vũ, Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn). Các nhân thần cũng chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, bao gồm các anh hùng dân tộc (được coi là các vị tổ phụ của dân chúng) nổi bật hơn cả là Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo (vị nhân thần duy nhất được nâng lên hàng thiên thần - Đức thánh Trần), rồi đến những người có công với đất nước, địa phương, các vị tổ nghề, các thành hoàng làng… Các vị tổ tiên thờ cúng trên các bàn thờ, bài vị được coi là luôn luôn chung sống, theo dõi, phù hộ cho con cháu…
Sự hoà nhập với thế giới tâm linh của con người Thăng Long – Hà Nội trong tâm thức và trong sinh hoạt thường nhật, được bổ sung bằng những tư tưởng của thuyết nhân quả Phật giáo, chủ nghĩa duy cảm duy tình của người Việt truyền thống đã làm cho đời sống tinh thần, tư tưởng tình cảm của họ trở nên phong phú và có chất lượng. Không cực đoan cuồng tín, nhưng họ tin rằng ở chung quanh mình, vẫn thường xuyên có những lực lượng siêu nhiên ở bên, khuyến thiện và trừng ác, giúp con người ta sống lương thiện hơn, tình nghĩa hơn, có trách nhiệm hơn với các vị tổ phụ, với cộng đồng và với thế hệ con cháu tương lai. Theo truyền thống đó, người Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử coi trọng các giá trị tinh thần, truyền thống, hiếu cổ, lo lắng, hy sinh cho đời sống mai sau với tư tưởng làm điều thiện, để phúc cho con cháu. Hoà đồng tâm linh đã giúp họ có được một niềm tin, sức mạnh tự răn đe, nguồn động viên khích lệ, một ý nghĩa cho đời sống cũng như thế cân bằng, sự thanh thản, niềm vui tự tại trong tâm hồn.
Tất nhiên sự hoà đồng tâm linh trong tâm thức người Việt trong lịch sử của người Thăng Long – Hà Nội nói riêng cũng đã tạo điều kiện cho sự tồn tại một số yếu tố không mong đợi. Sự đề cao một chiều những giá trị tinh thần và chủ nghĩa duy tình đã dẫn đến sự coi thường các giá trị vật chất kinh tế, hạn chế sự tiến bộ xã hội và chủ nghĩa duy lý, dung dưỡng sự lạc hậu, trì trệ. Việc lạm dụng trong đề cao truyền thống và tinh thần hiếu cổ có khi dẫn đến mặt trái của nó, tình trạng “người chết níu kéo người sống” như Marx dẫn, chủ nghĩa thủ cựu, dị ứng với cách tân đổi mới. Trong khi rất quan tâm đến việc sống cho và vì những người khác của các thế hệ quá khứ hoặc tương lai, nhiều lúc người ta đã lãng quên sống cho chính bản thân mình trong hiện tại một cách vô thức, trở thành những tù nhân của chính những tư tưởng định kiến của mình. Sự chung sống với thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên của người Việt, dù cho nó không mang tính chất cuồng tín tôn giáo, nhưng đã làm cho con người trở thành đa tín, dị tín, mê tín dị đoan, một đặc trưng nổi trội dễ nhận thấy dưới con mắt của những người duy lý phương Tây. Và bên cạnh sự phong phú và hữu ích của sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội vẫn còn tồn tại những hiện tượng tiêu cực như hoạt động mê tín, buôn thần, bán thánh nhất là vào dịp lễ hội, tình trạng lợi dụng sự cả tin, lãng phí nhiều thời gian và tiền bạc vào các nghi thức lễ hội phô trương,… Do đó, việc tìm hiểu tín ngưỡng tôn giáo và hoạt động lễ hội một cách đúng đắn và có hệ thống là cần thiết nhất để các nhà quản lý, các cấp chính quyền địa phương của Hà Nội nắm bắt và có chính sách phù hợp nhằm định hướng hoạt động này tồn tại và phát triển phù hợp với quy luật diễn tiến của đời sống văn hóa tinh thần và phù hợp với đường lối, chủ trương của Nhà nước.
Gia Linh
Nhà xuất bản Hà Nội