Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 07/04/2015 03:41
Một số di tích lịch sử và công trình văn hoá tiêu biểu của Hà Nội

Hà Nội có nhiều di tích lịch sử và công trình văn hoá nổi tiếng, gắn với những bước phát triển của đất nước và của Thủ đô, những công trình này là niềm tự hào của người Hà Nội và người dân cả nước. Dưới đây xin giới thiệu một số di tích và công trình văn hoá tiêu biểu của Hà Nội.

 
Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh, cùng với Quảng trường Ba Đình và chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc lịch sử - văn hoá mà người ngoại tỉnh cũng như khách nước ngoài ít ai không đến khi bước chân tới Hà Nội. Quảng trường Ba Đình là nơi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, là nơi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn trong lễ truy điệu Bác Hồ muôn vàn kính yêu, là nơi đã diễn ra bao cuộc mít tinh trọng thể cùng bao cuộc diễu hành của nhân dân Thủ đô… Quảng trường Ba Đình gắn bó máu thịt với người Việt Nam. Phía sau Quảng trường là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xung quanh là cả ngàn cây quý mang từ khắp các vùng của Tổ quốc về đây tụ hội. Ngày nay, vào những hôm Lăng mở của, mỗi ngày có hàng ngàn người dân ở các nơi về Hà Nội xếp hàng ngay ngắn, chậm bước vào viếng Bác Hồ. Nhiều người dân từ miền Nam xa xôi, từ hai đầu đất nước, từ những vùng quê hẻo lánh… đã lặn lội về đây chỉ cốt có dịp được đến Ba Đình lịch sử, được vào Lăng thăm Người. Vào những dịp nghỉ hè, nghỉ đông hoặc các dịp lễ hội được nghỉ dài ngày, học sinh các tỉnh, thành được về Hà Nội, đã vào thăm Lăng Bác để thoả mãn nỗi mong ước như một bài ca mà Lân Tuất đã viết cho các em: “Ước gì em bay được như cánh diều/Bay bề Thủ đô yêu dấu/ Thăm Bác Hồ thân yêu”. Sau Lăng là cả một khu vườn rộng, trong đó có ngôi nhà sàn của Bác Hồ, trước nhà là cái ao lớn mà Người đã dùng để nuôi cá. Đàn cá đông đúc vô cùng. Người vào thăm Lăng đều đến thăm ngôi nhà này và không quên cho cá ăn. Công việc ấy, sự việc ấy cứ diễn ra đều đều, tưởng như một việc làm bình dị và nặng ý nghĩa tâm linh, song thực ra trong lòng những người lặng lẽ vào thăm Lăng đang sống động lòng yêu Thủ đô và đất nước anh hùng với ý thức công dân và lòng tự hào dân tộc.

Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành ngày 19/5/1990, đúng vào dịp cả nước và thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Những hiện vật trong Bảo tàng đã được cả nước sưu tập và đóng góp. Đứng trước mỗi hiện vật, chúng ta đều cảm thấy xúc động, trào dâng tình cảm quý trọng và thương yêu một con người đã suốt đời hy sinh phấn đấu để hôm nay có một nước Việt Nam ngẩng cao đầu trước bạn bè năm châu trong thế giới hiện đại này.

Bảo tàng Chiến thắng B52

Hà Nội đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt. Vào năm 1946, mở đầu cho cuộc chiến đấu “60 ngày đêm” để ghìm chân giặc ngay tại Thủ đô nhằm có thời gian xây dựng lực lượng và chuẩn bị hậu cứ cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong 60 ngày đêm ấy, có rất nhiều địa danh ở Hà Nội đã đi vào lịch sử. Trong những năm chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ, Hà Nội đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần hy sinh anh dũng của những người “sống mãi với Thủ đô” ngày trước, chống trả lại bọn “giặc lái” khi chúng muốn san bằng Hà Nội. Quân và dân Thủ đô đã chiến đấu ngoan cường, hạ gục nhiều “Thần sấm”, “Con ma”, “Cánh cụp cánh xoè” của không lực Mỹ, điển hình nhất là 12 ngày đêm chiến đấu chống lại sự công kích của pháo đài bay B52, tạo nên một Điện Biên Phủ trên không. Trong Bảo tàng chiến thắng B52 có xác của 23 chiếc máy bay bị bắn rơi trong 12 ngày chiến đấu. Người tham quan Bảo tàng được nghe giới thiệu về những tay súng và những cỗ súng đã từng tham gia chiến đấu và chiến thắng của Tự vệ nhà máy đệt 8/3, Dân quân xã Trâu Quỳ, Liên độ tự vệ Hoàn Kiếm pháo phòng không của Tự vệ Ba Đình, Đống Đa, bộ đội tên lửa bảo vệ Thủ đô, không quân Việt Nam,… Bầu trời Hà Nội là bầu trời của Rồng bay, là bầu trời rực rỡ chiến công của quân dân Hà Nội và cả nước, tràn đầy khí phách anh hùng của người Hà Nội.

Nhà lưu niệm tại phố Hàng Ngang

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là của ông bà Trịnh Văn Bô, một doanh nhân rất giàu có, tham gia phong trào Việt Minh. Sau ngày khởi nghĩa 19/8/1945, Hồ Chủ tịch đã trở về Hà Nội, tạm ở thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm. Ngày 25/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng mời Chủ tịch về ở tại ngôi nhà này. Ông bà Trịnh Văn Bô đã thu xếp để Hồ Chủ tịch ở, làm việc tại tầng 2 và bố trí một căn phòng lớn để Người dùng vào việc họp hành với các đồng chí Trung ương, một phòng khoảng 20m2 để làm việc. Tại đây, Người đã viết bản Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân đồng bào Việt Nam và nhân dân thế giới ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Các hiện vật tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đến nay vẫn được giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn như những ngày đầu. Ngôi nhà là một di tích lịch sử vô cùng quý báu, mang nhiều ý nghĩa đối với cách mạng.

Đứng ở góc độ con người, chúng ta thấy ở nơi đây tấm lòng người dân Hà Nội đối với Bác Hồ, đối với nền dân chủ, đối với Đảng Cộng sản,… Đó là một nét đặc trưng của nhân cách người Hà Nội. Tinh thần yêu nước, gắn bó với cách mạng, lòng quả cảm và đức hy sinh của những con người Hà Nội được thể hiện ngay sau đó vào ngày 19/12/1946, khi thực dân Pháp thực hiện ý đồ đánh chiếm Hà Nội hòng đè bẹp chính quyền cách mạng còn non trẻ. Tinh thần ấy còn ghi dấu ấn trên từng đường phố, từng gốc cây, từng ụ súng… đã góp phần vào chiến thắng giặc Pháp, viết nên bản anh hùng ca bất hủ về Hà Nội chiến đấu và chiến thắng.

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội được xây dựng vào năm 1805-1810, đến nay đã đứng vững gần 200 năm. Đây là một công trình kiến trúc duy nhất trong nội thành Hà Nội không bị phá hoại trong suốt những năm chiến tranh. Cột cờ cao 33,4m, phía trên còn có một cái trụ để treo cờ, cao khoảng 8m, làm cho toàn bộ chiều cao của Cột cờ là hơn 41m. Cột cờ Hà Nội không phải là công trình có chiều cao đáng kể so với những ngôi nhà cao tầng ở Hà Nội hiện nay, nhưng với Hà Nội 200 năm trước thì đây là công trình cao nhất. Cột cờ Hà Nội hiện nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Quân đội, trước mặt là một công viên. Cột cờ lịch sử là một biểu tượng về tinh thần độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam và của người Hà Nội. Hàng ngày, đi trên đường Điện Biên Phủ hay đường Trần Phú đều có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên nền trời xanh của thủ đô Hà Nội.

Thành Cổ Loa

Đây là kinh đô thời các vua Hùng. Nước Âu Lạc do Thục Phán dựng nên đã đóng đô ở Cổ Loa và xây dựng một toà thành bằng đất với 9 vòng xoắn ốc. Thành Cổ Loa rất kiên cố, bất khả xâm phạm khi kẻ địch tấn công bằng cung tên hay đao kiếm. Hiện nay, Cổ Loa là vùng đất thuộc ngoại thành Hà Nội. Như vậy, từ nửa thế kỷ thứ III trước công nguyên, Hà Nội đã từng có một kinh đô, cho nên khi Lý Công Uẩn dời đô về Hà Nội thì trên địa danh này đã từng có một kinh đô được xây dựng trên 1200 năm trước.

Theo những công trình khảo cổ, trước khi Thục Phán dựng kinh đô ở Cổ Loa, nơi đây đã có cư dân sinh sống khoảng trên dưới 1000 năm. Như vậy 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được hun đúc nên từ mấy nghìn năm lịch sử trước đó. Qua mấy nghìn năm ấy, những thế hệ người sống ở khu vực này đã lao động không mệt mỏi, đã ngoan cường chiến đấu chống lại thiên tai và địch hoạ, xây dựng nên một nền văn hoá ngàn đời, từ đó đã kết tinh lại thành những phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Hà Nội ngày nay.

 
Hà Anh

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)