Vai trò trung tâm chính trị - hành chính của Hà Nội khi đất nước thống nhất
Mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam ta đã ghi một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng của dân tộc: sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng miền Nam thân yêu, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước. Đất nước thống nhất tạo ra những khả năng mới đối với Hà Nội trong thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước. Sự kiện ngày 30/4/1975 đánh dấu sự thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ, tạo cơ sở để đi tới thống nhất đất nước về mặt nhà nước một năm sau đó.
Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội diễn ra trên phạm vi cả nước, tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời một nhà nước thống nhất. Ngày 2/7/1976, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là Hà Nội. Để Hà Nội xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước trong thời kỳ mới, ngày 20/9/1976, Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo về quy hoạch, cải tạo và xây dựng thủ đô: “Hà Nội, thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước, nơi tập trung các cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các viện nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, các trường đại học, các công trình văn hoá, nghệ thuật tiêu biểu của cả nước. Hà Nội còn là một trung tâm kinh tế quan trọng, có công nghiệp tiên tiến, hiện đại với trình độ kỹ thuật cao. “Hà Nội phải là Thủ đô hiện đại có tính dân tộc, xứng đáng với đất nước ta, dân tộc ta” (Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 37, 1976, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr.287).
Tổ quốc thống nhất, Nam - Bắc liền một dải, đã mở ra khả năng mới để Hà Nội phát huy vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước. Vai trò của Hà Nội đối với miền Nam được thể hiện ngay sau năm 1975, bằng việc chi viện đội ngũ cán bộ, trí thức cho miền Nam bằng việc tổ chức một bộ phận dân cư đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, bằng việc đưa kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội từ Bắc truyền bá vào Nam. Nhiều quốc gia trước đây thù nghịch với miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã chuyển sang công nhận ngoại giao, đặt ngoại giao đoàn tại Hà Nội, tạo cơ hội để Hà Nội phát huy ảnh hưởng đối với phần còn lại của thế giới mà trước năm 1975 chưa xuất hiện khả năng này.
Đất nước thống nhất còn mở ra cơ hội về hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa Hà Nội với Sài Gòn – hai động lực tăng trưởng của đất nước. Tuy vậy, trước bối cảnh mới cũng đòi hỏi phải cấu trúc lại quyền lực nhà nước cho phù hợp với đặc điểm của một đất nước có hình thái lãnh thổ dài và hẹp, mà trước đó hai miền Nam - Bắc còn vận hành theo hai chế độ chính trị và chế độ kinh tế khác nhau. Vấn đề có ý nhĩa trực tiếp là giải quyết mối quan hệ giữa Trung ương với Hà Nội, giữa Trung ương với cả nước, giữa Hà Nội với cả nước. Đó là một cấu trúc quyền lực chính trị phân bố theo lãnh thổ có khả năng đảm bảo quyền lực tập trung, thống nhất vào trung tâm chính trị - hành chính, đồng thời phát huy được lợi thế của mỗi địa phương, mỗi đô thị trong quá trình phát triển. Ảnh hưởng của Hà Nội đối với miền Nam bằng thể chế, bằng không gian tinh thần, bằng áp chế mô hình kinh tế,… không đạt được mức độ như dự kiến ban đầu khi nền kinh tế - xã hội ngày càng rơi vào khủng hoảng, khi mô hình kinh tế từ miền Bắc đưa vào miền Nam dần bộc lộ khuyết tật… Hà Nội so với Thành phố Hồ Chí Minh, mức độ đô thị hoá kém thành thục hơn, quy mô kinh tế nhỏ bé hơn, hội nhập quốc tế ít sâu rộng hơn, tư duy kinh tế kém năng động hơn… mà duy trì càng lâu mô hình kinh tế kế hoạch hoá thì những nhược điểm của Hà Nội càng lộ rõ và cản trở đến khả năng thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước. Rồi chính những đột phá, tìm tòi về con đường đổi mới phần lớn khởi phát từ miền Nam, càng đặt ra những vấn đề cần suy ngẫm đối với Hà Nội về vai trò tiên phong trong các quá trình phát triển đất nước. Đây không còn là vấn đề riêng của Hà Nội, mà nằm trong chiến lược phát triển quốc gia, liên quan trực tiếp đến mức độ, khả năng thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước của Hà Nội.
Lịch sử Thăng Long – Hà Nội là một quá trình vận động liên tục, trong đó nổi bật nhất là tính chất trung tâm chính trị - hành chính quốc gia hoặc vùng. Từ những vấn đề nghiên cứu, tổng kết về quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội sẽ cho chúng ta thấy những giai đoạn lịch sử của đô thị này khi đóng vai trò là trung tâm chính trị - hành chính của đất nước. Trên đây là một vài nét phân tích về điều kiện, bối cảnh khi đất nước thống nhất đã tạo ra những khả năng mới đối với Hà Nội cũng như những thách thức mới khi thực hiện vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước từ năm 1975.
Văn Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội