Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 06/05/2015 03:36
Một số phố nghề chế biến gỗ, mây, tre trên đất Thăng Long – Hà Nội

Chế biến gỗ, mây, tre là một nghề thủ công truyền thống. Sản phẩm chế biến gỗ, mây, tre đã được thể hiện bằng các hình thức khác nhau. Với một thị trường tiêu thụ lớn, Thăng Long đã hội tụ những người thợ thủ công làm nghề chế biễn gỗ, tre tại chỗ. Và giữa những người thợ thủ công này đã hình thành sự phân công sản xuất và lập nên các phố nghề. Các phố Hàng Trống, Hàng Hòm, Hàng Quạt… thể hiện sự chuyên môn hoá theo mặt hàng, phố Hàng Mành chế biến tre, nứa; phố Tố Tịch, ngõ Hàng Hành là nơi cư trú của những người thợ tiện gỗ; phố Hàng Khay là nơi có nghề khảm trai, xà cừ…

 
Ngõ Hàng Hành còn có tên là ngõ Hàng Tiện thuộc thôn Tả Khánh Thuỵ, tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Từ đầu thế kỷ XIX, người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây) lên đây cư trú và làm nghề tiện gỗ do đó có tên là Hàng Tiện. Họ lập ngôi đền thờ ông tổ nghề tại số nhà 11 của ngõ. Đền có tên là Nhị Khê vọng từ. Theo truyền thuyết ông tổ nghề là Đoàn Tài, vốn là người làng Khánh Vân, đối diện với làng hị Khê qua sông Tô. Ông tiện rất giỏi nhưng dân làng không thích học nghề nên ông sang truyền nghề cho dân làng Nhị Khê. Dân làng này cũng có nghề tiện và có tên nôm là làng Rũi Tiện. Họ còn sang cư trú ở đầu phố Hàng Gai ngày nay, nên vốn có tên là Hàng Tiện. Hàng làm ra dùng vào việc thờ cúng như mâm bồng, đài rượu, ống hương,… Đồ dùng khác là các loại chấn song cửa, bàn tròn,… Ngoài ra còn làm đồ chơi kích thước thu nhỏ cho trẻ em như khay, chén, nồi…
 
Sau này, họ học thêm nghề khắc gỗ do người làng Liễu Chàng (Hải Hưng) truyền nghề. Trên cơ sở đó, họ mở rộng thành nghề khắc con dấu bằng gỗ, bằng đồng.
 
Ngày nay người phố này không làm nghề này nữa. Người phố Tố Tịch, quận Hoàn Kiếm, hiện vẫn làm nghề tiện các mặt hàng này.
 
Phố Hàng Bồ, đoạn phía đông nguyên là đất thôn Xuân Hoa và đoạn phía Tây là thuộc thôn Nhân Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Tên phố bắt nguồn từ việc đoạn giữa phố, cho tới thời đầu Pháp thuộc, là nơi tập trung bán các hàng bằng tre nứa. Còn đoạn đầu phố, nơi tiếp giáp phố Hàng Đào, Hàng Ngang là nơi tập trung bán các hàng guốc dép đẽo bằng gốc tre, guốc gỗ khắc hoa với quai da láng, guốc giầy có đé gỗ mà mũi bọc bằng da mộc, giầy hạ cho nam giới, giầy cườm và giầy mang cá cho nữ giới, dép quai ngang, dép cong,…
 
Giữa phố có một đình, nay đã mất, do người thợ kim hoàn làng Định Công dựng để thờ tổ nghề tại số nhà 51. Sau khi các thợ rút về làng thì bán lại cho nhà tư sản Phạm Lê Bổng và nay nơi đó là trụ sở báo Lao động.
 
Phố Hàng Trống thuộc ba thôn Cổ Vũ, Khánh Thuỵ Hữu, Tự Tháp, tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Người phố này có 4 nghề chính là các nghề làm trống, làm lọng, thêu và khắc vẽ tranh dân gian.
 
Người dân làng Liêu Thượng (Yên Mỹ, Hải Hưng) lên cư trú và làm nghề sản xuất trống và do đó thành tên phố. Họ làm và bán các loại trống khác nhau như trống cái, trống con, trống cơm, trống bồng, trống bản,…
Ngoài ra còn người dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây) lên cư trú và làm nghề sản xuất lọng, tàn, tán để bán cho quan lại và đình, chùa, miếu.
 
Đoạn cuối phố Hàng Trống thuộc thôn Tự Pháp là nơi cư trú của người làng Quất Động lên làm hàng thêu.
 
Nghề chính của người dân thôn Tự Tháp là khắc vẽ tranh dân gian và là một lò tranh nổi tiếng của đất Bắc Hà. Ngày nay các nghề này bị mai một, phố Hàng Trống giờ đây thành phố có nhiều cửa hàng may mặc.
 
Phố Hàng Hòm thuộc thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Khoảng giữa thế kỷ XIX, người dân làng Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Tây) lên cư trú và làm nghề sản xuất các loại hòm, rương, tráp bằng gỗ sơn đen đựng quần áo, giấy tờ,… Về sau mới chuyển sang sản xuất các loại hòm kiểu mới như hiện nay.
 
Tại số nhà 11 của phố là đình Hà Vĩ thờ ông Tổ nghề sơn là ông Trần Lưu (còn gọi tên là Lương) người làng Bình Vọng (Thường Tín) đỗ tiến sĩ năm 1502, ông dạy nghề cho người làng Bình Vọng. Sau truyền nghề sang các làng lân cận là Hà Vĩ, Duyên Trường, Hạ Thái… Ngày nay phố vẫn duy trì và phát triển nghề cũ.
 
Phố Hàng Thùng, nửa phía đông thuộc thôn Sơ Trang và nửa phía tây thuộc thôn Đông Yên, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Nơi đây còn có tên cũ gọi là cửa ô Đông Yên.
 
Trước đây phố này sản xuất và bán các loại thùng ghép bằng tre nứa hoặc gỗ, có gắn bằng sơn ta, dùng để gánh nước hoặc đựng nước mắm nên thành tên phố. Đoạn phía đông của phố có các xưởng gỗ bán các loại gỗ phiến, gỗ cây. Ngày nay, nghề cũ ở đây đã bị mai một. Riêng đầu mút phố này, có một chợ chuyên bán bè nứa, bè tre luồng, gọi là “chợ Hàng Bè”.
 
Phố Hàng Lược, thuộc thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Trước thế kỷ XX, nơi này sản xuất và bán các lược chải đầu, chủ yếu sản xuất bằng gỗ hoặc bằng tre. Giờ đây mặt hàng này bị mai một nhưng tại phố này hình thành “chợ hoa Tết” mỗi năm chỉ họp một lần và trở thành một nơi nổi tiếng.
 
Phố Hàng Quạt thuộc thôn Tố Tịch và thôn Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Đây là ba phố cũ gộp lại. Nửa phía đông là phố Hàng Quạt và Hàng Đàn. Nửa phía tây là phố Mã Vĩ. Trước đây phố Hàng Đàn tập trung nhiều nhà sản xuất và bán các loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ… Nhưng từ đầu thế kỷ XX, chủ yếu chuyển sang làm những đồ gỗ như long đình, kiệu bát cống, song loan,… Sau nữa thì lại chuyển sang làm các đồ gỗ thông thường như bàn ghế, tủ chạm,… Đoạn phố Hàng Quạt là nơi sản xuất và bán quạt. Đây là một nghề truyền thống được ghi trong Sư địa chí của Nguyễn Trãi là Phường Tả Nhất làm quạt. Đoạn phố này vốn thuộc thôn Thuận Mỹ và có đền nay ở số nhà 64, và đình thờ Thành hoàng bản cảnh tại số nhà 74. Quạt đem bán còn được sản xuất bởi dân thuộc nhiều địa phương khác:
 
Dân làng Đào Xá có tên nôm là Dàn Quạt (Ân Thi, Hưng Yên) lên cư trú và làm quạt để bán. Họ lập ngôi đình thờ ông Tổ nghề họ Đào tại nhà số 4. Đình này gọi là Xuân Phiến thị (tức chợ quạt mùa xuân).
 
Quạt Lũ do người làng Kim Lũ (Thanh Trì) sản xuất. Có nhiều loại quạt có nan bằng tre hoặc bằng xương, bằng ngà. Quạt có loại phất bằng giấy, bằng lượt…
Quạt Hới là làng Hàng Yên (Tiên Lữ, Hưng Yên) sản xuất. Nan quạt bằng trúc.
 
Quạt Vác của làng Canh Hoạch (Thanh Oai, Hà Tây) sản xuất. Giấy phất quạt được châm kim thành các hình thức khác nhau nên khi xoè ra soi lên ánh sáng tạo thành vẻ như được phất bằng lượt.
 
Quạt thóc của làng Vo (Nông Vụ, Gia Lâm) sản xuất.
 
Quạt nan bằng tre đan của làng Vẽ (Đông Ngạc, Từ Liêm) sản xuất. Quạt nan được đan theo nhiều hình dáng khác nhau. Loại quạt này tới nay vẫn được bán trên thị trường.
 
Quạt lông ngỗng của làng Đơ Đình (quận Hà Đông) sản xuất…
 
Ngoài nghề làm và bán quạt ở phố này, ở khu vực cuối phố Huế (quận Hai Bà Trưng) cũng có nghề làm quạt giấy. Ngày nay, phố này chuyển sang nghề may, chủ yếu là may quần áo phụ nữ kiểu dân tộc. Tuy nhiên nghề làm quạt vẫn được lưu trong ký ức với tên phố Hàng Quạt còn một đoạn bắt đầu từ ngã tư phố Hàng Bồ với phố Lương Văn Can chạy đến rạp chiếu bóng Ciné Tonkinois (nay là trụ sở Đoàn ca múa Thăng Long) thì bẻ quặt theo thước thợ nối vào phố Hàng Quạt hiện nay. Ngày nay đoạn phố này trở thành một bộ phận của phố Lương Văn Can. Đoạn cuối phố Hàng Quạt, trước đây là phố Mã Vĩ là nơi thửa và bán các loại áo triều phục và mũ áo trang phục hát tuồng như đai, râu tóc giả (làm bằng lông đuôi ngựa và có thể cả lông đuôi trâu) nên được gọi là Mã Vĩ. Nay ở đây còn thêu và bán các hàng thêu như y môn, tán, tàn, cờ thần và cả câu đối, bức trướng.
 
Phố Hàng Mành thuộc thôn Yên Thái và thôn Kinh Bát Thượng, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Dân làng Giới Tế (Yên Phong, Bắc Ninh) có tên nôm là Rừng Mành, có nghề làm mành, lên cư trú và hành nghề ở đây. Nay vẫn còn một số nhà tiếp tục làm nghề truyền thống.
 
Phố Lò Sũ đoạn phía đông thuộc thôn Sơn Trang và Tả Lâu sau hợp thành thôn Trang Lâu, tổng Tả Túc, sau đổi thành tổng Phúc Lâm và phần còn lại thuộc thôn Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc (sau đổi thành Đông Thọ) huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm.
 
Trước đây, phố này có nghề rèn tương truyền do người làng Đa Hội (Đông Anh) lên cư trú ở thôn Giang Lân và hành nghề ở đây từ thời nhà Lê. Họ có lập một đình thờ tổ rèn ở số 31 của phố và được gọi là đình Lò Rèn nhưng hiện nay không còn đồ thờ cúng, chỉ còn đôi câu đối chữ đẹp với lời cô đọng là:
 
Mặc vận thần cơ vạn vật
Hàm mông lợi dụng bách công.
 
Tạm dịch:
 
Lặng lẽ vận dụng bộ máy thần diệu của vạn vật
Hết thảy mang lại lợi ích cho trăm nghề.
 
Ngày nay nghề rèn ở đây đã bị mai một.
 
Dân phường Hàng Sũ phần lớn là người làng Liêu Viễn, Phương Dục (Thường Tín, Hà Tây) lên đây cư trú từ khoảng hai trăm năm làm nghề hàng sũ (đóng áo quan) và một số hàng mộc khác. Những người thợ thủ công này đã lập đền thờ ông Tổ nghề mộc ở số nhà 22 cùng phố. Ngày nay, nghề làm hàng sũ chủ yếu được chuyển về phố 336, nay là phố Lê Văn Định thuộc quận Hai Bà Trưng. Ngày nay chỉ còn một cửa hàng bán áo quan còn các cửa hàng khác đã chuyển sang kinh doanh những mặt hàng khác của khu Chợ Giời.
 
Phố Hàng Khay: Phố này thuộc thôn Thị Vật và thôn Tô Mộc, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm. Tên phố có từ trước và gắn với nghề thủ công truyền thống là nghề khảm vỏ trai, ốc lên các đồ gỗ như sập, ghế, bàn, tủ chè, khay,… Ngày nay, chỉ còn có một số ít cửa hàng bán mặt hàng này.
 
Người thợ khảm ở đây có tay nghề cao, năm 1868 Triều đình nhà Nguyễn đã bắt và nộp hai người thợ giỏi của phố cho thống đốc De la Grandière để dạy nghề cho thợ thủ công Sài Gòn. Khi mới chiếm đóng Hà Nội, phố này và phố Tràng Tiền được thực dân Pháp gọi chung là phố Những người thợ khảm (rue des incrusteurs). Qua một số lần đổi tên, sau cách mạng tháng Tám phố vẫn được gọi với tên hiện nay.
 
Trước đây, những người thợ khảm có lập đền thờ ông Tổ nghề. Tương truyền đó là ông Nguyễn Kim người làng Thuận Nghĩa thuộc tỉnh Thanh Hoá sống vào thế kỷ XVIII. Ông ra làng Chuôm (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Tây) truyền nghề cho dân làng và từ đấy, nghề khảm được truyền tới Hà Nội. Tuy nhiên dân làng Chuôm lại nói ông tổ nghề là người sở tại họ Vũ. Lại còn truyền thuyết khác nói ông tổ nghề là ông Trương Công Thành, sống dưới thời Lý Nhân Tổng. Qua các truyền thuyết nói trên, có thể coi các ông trên là những người có công phát triển và phổ biến nghề này. Thực tế thì đồ khảm của Việt Nam đã có tiếng từ thế kỷ XIII. Ngày ấy, sử sách Trung Quốc đã ca ngợi những khay và cơi trầu khảm xà cừ của Việt Nam là báu vật. Ngay từ sau khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã chiếm đất làng ở đây để mở thành phố Tây. Do đó những người thợ khảm bị phiêu bạt và vết tích của nghề này chỉ còn ở tên phố và ở một số cửa hàng bán đồ khảm, trai, ốc.
 
Từ khi nước ta chuyển sang cơ chế mới, nghề khảm trai được phục hồi và phát triển mạnh mẽ phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 
 
Như Thủy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)