Cư dân đô thị đa thành phần - Đặc trưng của cộng đồng cư dân Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XIX
Trong những thế kỷ XVII và nửa đầu XVIII, do những ảnh hưởng của đợt di dân nhập cư của những thợ thủ công từ các làng chuyên nghề thuộc tứ trấn ra hành nghề tại các phố phường Kẻ Chợ trong điều kiện đô thị này không có hệ thống thành luỹ nào để bảo vệ và kiểm soát trong một thế kỷ rưỡi, một sự bùng nổ dân số tại chỗ đã xảy ra. Theo các du khách phương Tây, người ta ước đoán là số dân Kẻ Chợ lúc đó có thể lên đến một triệu người (A. de Rhodes) hoặc khoảng 20.000 nóc nhà (Dampier) hoặc vượt cả những thành phố lớn ở châu Âu về sự hoạt động và về cư dân (Richard). Chúng ta không thống kê được số dân của Thăng Long - Kẻ Chợ lúc đó một cách chính xác, nhưng qua những điều miêu tả, mọi người đương thời chứng kiến đều nhất trí là Kẻ Chợ thế kỷ XVII – XVIII là một thành phố rất đông dân, so với các thành phố khác ở châu Á và trên thế giới.
Trong một tổng thể đô thị Thăng Long – Hà Nội, về mặt địa lý hành chính đã cùng tồn tại và đan xen những phường, thôn trại. Nó phản ánh một cấu trúc đa dạng và phong phú của các hoạt động kinh tế. Đó cũng là đặc điểm của các kết cấu xã hội dân cư của Thăng Long – Hà Nội. Đó là một cộng đồng cư dân đô thị đa thành phần. Đây là đặc trưng nổi trội của Thăng Long – Hà Nội truyền thống, cũng là đặc trưng chung của các đô thị cổ Việt Nam và các đô thị phương Đông nói chung thời phong kiến. So với các thành thị Tây Âu trung đại, đặc điểm đó có thể là một điểm mạnh về mặt cấu trúc quan hệ xã hội đồng thời nó lại là một điểm yếu về mặt vận hành, phát triển.
Tầng lớp thị dân của Thăng Long – Hà Nội là một cộng đồng cư dân đô thị đa thành phần. Ngay từ buổi đầu thành lập đô thị và tồn tại trong suốt quá trình phát triển, những người thợ thủ công và thương nhân (mà lúc đầu chưa phải là nhiều) đã cùng chung sống với đẳng cấp quý tộc quan liêu - những chủ nhân cai trị đô thị - và những người anh em của mình là tầng lớp nông dân sống trong đô thị. Thời gian sau này (ở Thăng Long – Hà Nội là những thế kỷ XVII – XVIII – XIX), thợ thủ công và thương nhân trở nên đông đảo vượt trội về mặt số lượng, giữ vai trò chủ thể kinh tế, nhưng vẫn là những thần dân lệ thuộc của đẳng cấp quan liêu, chưa bao giờ trở thành những chủ nhân đích thực của đô thị về mặt chính trị, chưa bao giờ chuyển hoá thành tư cách công dân.
Tính chất nhiều thành phần cùng chung sống trong một cộng đồng cư dân đô thị đó của Thăng Long – Hà Nội truyền thống về đại thể đã đem lại một sự ổn định, hoà dịu chính trị - xã hội tương đối. Nó hạn chế và làm chậm đi quá trình phân hoá, phân tầng xã hội, triệt tiêu những đấu tranh và đột biến chính trị (ngoại trừ những biến loạn nội bộ trong cung đình hay giữa các phe phái cầm quyền). Dù ở những địa vị xã hội khác nhau, có những lợi ích khác nhau, nhiều khi đối nghịch, ở một phương diện, các thành phần cư dân đó đã gắn kết lại trong một cộng đồng hoà hợp. Chất gắn kết ở đây chính là yếu tố văn hoá, tín ngưỡng, lối sống, truyền thống, được biểu hiện trong những tinh thần gia tộc, quê hương, mở rộng ra là một phong cách sống Kinh kỳ, Kẻ Chợ hướng tới một phẩm chất cao, khéo tay hay nghề, tài hoa thanh lịch.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, cộng đồng cư dân đô thị đa thành phần cũng hàm chứa, tiềm ẩn những khiếm khuyết, tiêu cực để lại nhiều hệ luỵ. Ở đây, tính ổn định hoà dịu đã chuyển hoá thành một sự bảo thủ, trì trệ. Dù có được nhiều tiềm năng, sự tháo vát, khéo tay và tính cần cù, cộng đồng cư dân đô thị Thăng Long – Hà Nội qua nhiều thế kỷ vẫn không tạo được một đà phát triển kinh tế mang tính đột phá. Trong một xã hội đẳng cấp và nặng nề một ý thức thần dân, nền dân chủ đô thị không có điều kiện phát triển như nó đã xảy ra ở phương Tây, khát vọng về tự do cá nhân, quyền sống con người bị thay thế bởi một tinh thần thụ động chính trị, sự vâng lời, tâm lý hướng thượng, trọng hoạn, trọng quan tước. Những hoạt động kinh tế, sự giàu có về của cải chỉ được coi như những phương tiện tiếp cận vươn tới một địa vị xã hội cao sang, quyền cao chức trọng. Bởi vậy, trong 3 thế kỷ XVII – XVIII – XIX, dù có vị thế đứng đầu cả nước, cộng đồng cư dân đô thị Thăng Long – Hà Nội vẫn không làm được sứ mạng lịch sử mà họ có thể làm là chuyển đổi thành phố này trở nên một đô thị tiên tiến cận đại, như một số đô thị đồng đại ở các khu vực khác trên thế giới.
Vũ Hỷ
Nhà xuất bản Hà Nội