Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu
“Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu” do PGS.TS Vũ Anh Quân và ThS. Đỗ Thị Hương Thảo biên soạn, với 6014 đầu mục sách nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, các bài viết được đăng trên các tạp chí và các kỷ yếu khoa học trong đó có 5746 bài nghiên cứu bằng tiếng Việt và 268 bài nghiên cứu bằng tiến nước ngoài. Có thể nhận thấy “Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu” đã gói gọn toàn bộ các lĩnh vực khoa học, đời sống xã hội của đất Thăng Long - Hà Nội. Từ lịch sử địa lí đến các phong tục, tập quán; từ văn hóa ứng xử đến hương sắc, phong vị của những con người nơi đây.
Về lịch sử, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư vào thành Đại La năm 1010 và đổi tên nơi này thành Thăng Long. Cái tên Thăng Long có từ ngày ấy. Trải qua bao năm tháng, qua bao thăng trầm bể dâu của nhiều triều đại, từ Lý, Trần đến Hồ, Lê, Thăng Long trở thành kinh đô bậc nhất của đất nước, nơi tụ hội sinh khí của muôn nhà.
Từ sau ngày hòa bình lập lại đến nay, thủ đô Hà Nội vẫn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của miền Bắc và cả nước. Trải qua bao đổi thay, sau cùng Hà Nội đã tiếp nối kinh đô Thăng Long xưa để trở về với đúng vị trí vốn có của nó. Hà Nội một lần nữa trở thành thủ đô của đất nước.
“Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây”
Về địa lý, Thăng Long - Hà Nội nằm ở phía Tây Bắc của vùng đồng bằng sông Hồng và nằm ở vị trí trung tâm miền Bắc, tựa như trái tim của Tổ quốc. Nơi đây còn nổi tiếng với những tên gọi làng nghề truyền thống từ lâu đã gắn liền với đời sống của nhân dân. Chắc hẳn ai ai trong chúng ta cũng đều đã từng nghe qua bài ca dao:
“Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay.
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da
Trái xem hàng phố, thật là cũng xinh…”
Không chỉ dừng lại ở phương diện lịch sử, địa lý, các bài nghiên cứu còn dẫn dắt chúng ta đến với những “phong tục, tập quán, nghi lễ” của đất Hà Thành, từ các lễ hội truyền thống như Lễ hội Triều Khúc, Lễ hội Thánh Gióng, Lễ hội Quang Trung,… đến nền văn hóa ẩm thực Hà Nội vốn được xem là tinh hoa ẩm thực của cả miền Bắc, tiêu biểu như cốm Làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, và đặc biệt không thể không kể đến món phở Hà Nội.
Một vùng đất kinh đô trù phú nhất nhì đất nước thì cũng cần phải nhắc đến “con người” nơi đây, nơi “tụ hội sinh khí của muôn nhà”. Trong hàng ngàn năm, vị trí Kinh đô khiến thành phố này trở thành nơi quy tụ của những nhân vật ưu tú, những thương nhân, những nghệ nhân, những thợ thủ công lành nghề. Những danh nhân, nhân vật nổi tiếng của Việt Nam phần đông xuất thân từ những vùng đất khác, nhưng kinh đô Thăng Long thường là nơi họ xây dựng nên sự nghiệp. Có thể kể sơ qua một vài danh nhân đã đi vào tâm thức của người Việt như Hàn Thuyên, Nguyễn Trực, Đặng Công Chất, Mạc Đĩnh Chi,… Vâng, rất nhiều và rất nhiều, nhân kiệt 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ trong vài lời thì không thể thống kê hết được. Và nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này thì “Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu”sẽ là câu trả lời cho các bạn.
“Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu” đã phản ánh quá trình phát triển của nhiều lĩnh vực, từ địa lý, lịch sử, tới kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục… Nhất là về các lĩnh vực văn hiến trong tổ chức bộ máy Nhà nước, việc ban hành các thể chế, quan chế, pháp luật được hình thành và phát triển trong suốt mười thế kỷ, khẳng định nền văn hiến Thăng Long của chúng ta rất rực rỡ, huy hoàng. Cuốn sách này còn mở ra trước mắt bạn đọc một cuộc hành trình lịch sử về các lĩnh vực nghệ thuật: văn hóa, kiến trúc, hội họa, sân khấu, âm nhạc… cung cấp những phong vị, hương sắc của con người Tràng An, từ lời ăn, tiếng nói đến phong tục, tập quán, lễ nghi, đời thường của người Hà Nội.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Vẫn còn đó vô số điều thú vị đang chờ đón bạn khám phá, mỗi trang sách là một cánh cửa đưa bạn đến bờ bên kia của tri thức. Hãy cầm trên tay bạn cuốn sách “Thăng Long- Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu” của PGS.TS Vũ Anh Quân và ThS. Đỗ Thị Hương Thảo và hãy cùng tìm hiểu về một vùng đất quen thuộc đã trải qua ngàn năm sương gió của lịch sử - Thăng Long.
“Phồn hoa thứ nhất Long thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.”
Kim Ngân
Nhà xuất bản Hà Nội