Bảo vệ thủ đô Hà Nội là một trong những định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2020
Cuốn sách “Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020” do GS.TS. Phùng Hữu Phú chủ biên là một tập trong bộ sách 11 tập thuộc chương trình KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”. Đây là tập thứ 11 chắt lọc, nâng cao kết quả nghiên cứu của các tập trước mà mỗi tập có đối tượng nghiên cứu cụ thể, được tiếp cận và thể hiện theo những phương pháp phù hợp. Tập này phân tích tình hình hiện nay, dự báo chặng đường sắp tới, đề xuất phương hướng phát triển bền vững Thủ đô trong một vài thập niên đầu thế kỷ XXI – có thể xem đây là phần kết luận gói gọn lại toàn bộ công trình. Trong đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; bảo vệ vững chắc Thủ đô xã hội chủ nghĩa là một trong những định hướng quan trọng chiến lược để Hà Nội - thủ đô văn minh, hiện đại vững bước phát triển trong thế kỷ XXI trước những biến động về tình hình chính trị, kinh tế của thế giới như hiện nay.
Bảo vệ thủ đô Hà Nội trước hết là bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định và phát triển đất nước bảo vệ cuộc sống, lao động của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đồng thời là trực tiếp bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ bộ máy quyền lực cao nhất của Nhà nước và của toàn bộ hệ thống chính trị - trung tâm chỉ huy, điều hành các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đầu não của các lực lượng vũ trang nhân dân. Bảo vệ thủ đô Hà Nội liên quan trực tiếp đến sự mất còn của chế độ chính trị và thành quả cách mạng, đồng thời chính là bảo vệ trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ và giáo dục, quan hệ quốc tế… của cả nước. Bảo vệ thủ đô Hà Nội cũng chính là bảo vệ tên tuổi của đất nước và dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nếu cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa diễn ra, thì bảo vệ thủ đô Hà Nội có ý nghĩa giữ vững ý chí chiến đấu, niềm tin chiến thắng của quân và dân cả nước; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc vừa chiến đấu vừa xây dựng, trong phát huy sức mạnh tổng hợp giữ nước của toàn dân tộc. Đặc biệt, trong xu thế phát triển vũ bão của khoa học công nghệ quân sự hiện đại, nếu để cho vùng Thủ đô bị uy hiếp thì không những chỉ riêng nhân dân Thủ đô chịu thiệt hại, mà toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng sẽ rơi vào khó khăn trầm trọng.
Mục tiêu, tính chất, đặc điểm bảo vệ Thủ đô: Mục tiêu của bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa nằm trong mục tiêu chung bảo vệ Tổ quốc. Do đó, có thể xác định cụ thể: Thứ nhất, bảo vệ vững chắc địa bàn Thủ đô trước mọi âm mưu của kẻ thù, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thứ hai, bảo vệ cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thứ ba, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống lao động hoà bình của nhân dân Thủ đô. Thứ tư, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trên địa bàn Thủ đô. Thứ năm, bảo vệ lợi ích của nhân dân Thủ đô, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Thứ sáu, bảo vệ các giá trị văn hoá và truyền thống văn hiến Thủ đô. Thứ bảy, bảo vệ các giá trị văn hoá và truyền thống văn hiến Thủ đô. Thứ tám, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô. Nhằm thực hiện những mục tiêu đó, bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa phải trực tiếp chống lại âm mưu, thủ đoạn của mọi thế lực thù địch hòng xâm phạm địa bàn Thủ đô, phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện Thủ đô theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự nghiệp bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tính chất hoàn toàn chính nghĩa, tính chất cách mạng triệt để, tính chất nhân dân thực sự và tính chất quốc tế sâu sắc, là sự nghiệp mang đậm đặc điểm toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường.
Nội dung bảo vệ Thủ đô: Bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội có những điểm mới về nội dung, phương thức và lực lượng so với bảo vệ Thủ đô trong chiến tranh giải phóng. Đó là nội dung toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, đối ngoại… và quân sự.
Phương thức bảo vệ Thủ đô: Bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa được sử dụng và kết hợp nhiều phương thức đa dạng. Một mặt, trong thời bình, cần xác định bảo vệ Thủ đô bằng phương thức phi vũ trang là chủ yếu nhằm chống lại chiến lược “diễn biến hoà bình” cùng với giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các hành động khủng bố, các âm mưu, hoạt động bạo loạn lật đổ của địch; đồng thời chống những nguy cơ nảy sinh từ bên trong, đặc biệt là sự suy giảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Mặt khác, khi chiến tranh xảy ra, thì bảo vệ Thủ đô bằng phương thức vũ trang là chủ yếu nhằm đối phó với sự tấn công vũ trang của kẻ thù xâm lược.
Phương thức bảo vệ Thủ đô, cả phương thức vũ trang và phi vũ trang, được thể hiện đặc biệt rõ nét ở những quá trình chuẩn bị chiến lược dưới đây:
Thứ nhất, xây dựng Thủ đô và đất nước mạnh lên về mọi mặt. Đây là nền tảng cực kỳ quan trọng để chuẩn bị tiềm lực tổng hợp bảo vệ Thủ đô, động viên toàn dân đánh giặc, đồng thời là cách thức tốt nhất để giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển lâu dài. Cần chuẩn bị tiềm lực mọi mặt về kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học và quân sự; thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng chăm lo đời sống nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng – an ninh; tăng cường xây dựng cơ sở chính trị gắn với xây dựng về chính trị; tăng cường giáo dục quốc phòng làm cho mọi người dân nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ trong bảo vệ Thủ đô.
Thứ hai, chuẩn bị mọi mặt để Thủ đô sẵn sàng chống xâm lược. Cần chủ động chuẩn bị ngay từ thời bình và đặc biệt đẩy mạnh khi xuất hiện trực tiếp những triệu chứng xảy ra chiến tranh. Nội dung chuẩn bị toàn diện, trong đó tập trung vào ba vấn đề: về chính trị - tinh thần, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời chiến và về phát triển lực lượng vũ trang. Chuẩn bị chính trị - tinh thần nhằm xây dựng gian khổ hy sinh, bám trụ kiên cường, vừa chiến đấu vừa sản xuất và làm tốt công tác phòng thủ dân sự. Chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời chiến tập trung vào các kế hoạch duy trì, phát triển sản xuất; ổn định đời sống nhân dân và dự trữ nguyên liệu, nhiên liệu… đáp ứng nhu cầu chiến tranh. Chuẩn bị phát triển lực lượng vũ trang trong điều kiện chiến tranh đã diễn ra cần tính đến những yêu cầu về động viên cao nhất lực lượng dự bị, bảo đảm đúng, đủ, bí mật an toàn; đồng thời chuẩn bị vật chất kỹ thuật bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng chuyển trạng thái của Thủ đô từ thời bình sang thời chiến. Trước hết phải nắm chắc mọi âm mưu và hành động của địch để chuyển trạng thái. Các tổ chức đảng, chính quyền chuyển sang trạng thái thời chiến để bảo đảm thường xuyên, liên tục lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của xã hội. Chuyển lực lượng vũ trang sang thời chiên để kịp thời đánh địch, bảo vệ địa bàn. Chuyển mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá… sang thời chiến để làm cho kinh tế - xã hội được tiếp tục duy trì trong điều kiện thời chiến và đáp ứng được theo yêu cầu chiến tranh.
Tiềm lực và lực lượng bảo vệ Thủ đô: Tiềm lực bảo vệ Thủ đô là sức mạnh tổng hợp của quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, ngoại giao…
Lực lượng bảo vệ Thủ đô là tổng hợp mọi tổ chức, mọi ngành, mọi cấp, mọi người dân.
Sự nghiệp bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ Thủ đô là tất yếu khách quan, vì bảo vệ Thủ đô nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Giải quyết mối quan hệ giữa bảo vệ và xây dựng Thủ đô: Sự nghiệp bảo vệ Thủ đô Việt Nam xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ và xây dựng. Bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ diễn ra cả thời bình và cả thời chiến, chống cả kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài, cho nên càng cần gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Thủ đô. Quy luật thép “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc đã tự toát lên sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với bảo vệ. Sự kết hợp này diễn ra ngay từ đầu, trên tất cả các lĩnh vực: Vừa bảo vệ vừa xây dựng; trong xây dựng có bảo vệ, trong bảo vệ có xây dựng; bảo vệ để xây dựng và xây dựng để bảo vệ. Xây dựng Thủ đô không chỉ tạo nền tảng, cơ sở cho bảo vệ, mà còn là một phương thức bảo vệ cơ bản. Bảo vệ Thủ đô không chỉ chuẩn bị tiềm lực mọi mặt để sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, mà quan trọng hơn là ngăn ngừa không để chiến tranh xảy ra, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho xây dựng, phát triển Thủ đô.
Ngọc Lan
(Theo hanoimoi.com.vn)