Quý trọng, đào tạo và phát huy nhân tài là vấn đề quan trọng trong khai thác, sử dụng, bồi đắp các nguồn lực phục vụ phát triển Thủ đô giàu mạnh
Trong lịch sử và truyền thống của dân tộc, chính sách đối với hiền tài có lẽ là chính sách duy nhất tương đối nhất quán giữa các triều đại. Tư tưởng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” được thể hiện ngay từ khâu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài. Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lê chép chiếu chỉ của Lê Thái Tổ về việc tiến cử hiền tài như sau: “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước… Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người tài không chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế, nhưng phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc được?... Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng cớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nửa thế kỷ trước đây cũng đã từng có lời tự phê bình: “kiến thiết cần phải có nhân tài”, trong mấy chục triệu đồng bào ta “chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài đối với tiến trình xây dựng và phát triển đất nước: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Cùng với việc phát hiện, phát huy vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội không có gì vẻ vang, tốt đẹp bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân...”, Người cũng thấy rất rõ vai trò, động lực mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc cũng như đối với sự phát triển của cả loài người. Nhân tài phải được phát huy, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tác phẩm “Văn hoá và Đổi mới” viết năm 1994, nhắc lại lời của Nguyễn Trãi “Nước ta là một nước văn hiến”, Phạm Văn Đồng, vị Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Việt Nam khẳng định: “Điều đó có nghĩa là trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá”.
Đảng ta cũng khẳng định: con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thăng Long – Hà Nội là cái nôi của văn hoá, là nơi quy tụ hầu hết nhân tài của nước Việt trong gần 1000 năm qua. Thăng Long, với tư cách là Kinh đô của Đại Việt đã khởi xướng việc xây dựng trung tâm giáo dục đào tạo từ năm 1070 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Như vậy, việc quý trọng, đào tạo và phát huy nhân tài không phải đến bây giờ mới bàn mà đã được cha ông ta thực hiện cách đây hàng nghìn năm. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để quý trọng, đào tạo, phát huy nhân tài trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức?
Trước hết, cần tạo sự đồng thuận xã hội trong cách nhìn nhận, phát hiện, đào tạo, đánh giá, sử dụng, phát huy và tôn vinh nhân tài.
Hai là, đẩy mạnh việc bồi dưỡng và đào tạo nhân tài trên từng lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của đất nước, của Thủ đô trong những giai đoạn nhất định.
Ba là, xây dựng và thực hiện các chính sách trọng dụng và phát huy nhân tài: Sử dụng, đãi ngộ (chế độ trả lương, thưởng, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đoạ và những chính sách khuyến khích về vật chất và tinh thần); Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để tạo môi trường làm việc, khuyến khích, kích thích phát huy tài năng đóng góp cho công cuộc hưng thịnh đất nước (đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài có công với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam); Xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân tài của Hà Nội (từ khâu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm…).
Tư tưởng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã được cha ông ta khẳng định. Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó càng được phát huy cao độ thông qua chính sách trọng dụng nhân tài của Ðảng ta, thông qua tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài kiệt xuất kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của non sông đất nước ta. Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới hiện nay để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài (bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực chất lượng cao) trở thành khâu đột phá chiến lược. Và Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước với vị thế và vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Việt Nam thì cần học và làm theo cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần thấm nhuần, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài để quý trọng, đào tạo, sử dụng và phát huy nhân tài xây dựng thủ đô Hà Nội phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với vị thế và vai trò của mình - thành phố văn minh, hiện đại.
Hoàng Lan
Nhà xuất bản Hà Nội