Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/05/2015 06:35
Ngành nghề thủ công Thăng Long – Hà Nội: kỹ thuật và địa danh làm nên nhãn hiệu sản phẩm truyền thống

Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long từ năm 1010, từ đây Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long hành nghề và lập nghiệp để phục vụ và đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh thành. Trải qua quá trình cọ sát, tôi luyện mà những nghề khéo của trăm miền kết tinh thành tài hoa cốt cách chốn đô hội kinh đô. Vì thế mà nghề thủ công Thăng Long – Hà Nội với kỹ thuật tinh xảo, chất lượng sản phẩm truyền thống không chỉ là niềm tự hào của người thủ đô mà còn là tinh hoa, là niềm tự hào của cả dân tộc.

 
Thời Lý, ở Thăng Long đã có nhiều ngành nghề thủ công như: dệt, gốm, luyện kim, mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, chạm đá, đúc chuông,… Nghề gốm được phát triển cao về kỹ thuật sản xuất cũng như nghệ thuật trang trí, nhiều sản phẩm phục vụ trực tiếp cho xây dựng các công trình. Nghệ thuật trang trí và nung gốm luôn đứng chân qua các thời đại lịch sử về chất men, giá trị thẩm mỹ, nó hiện diện ở các công trình xây dựng như một yếu tố nhấn mạnh vẻ hấp dẫn và độc đáo của công trình.
 
Thời Trần và thời Lê, những ngành nghề này vẫn tiếp tục phát triển thành từng phường nghề ở Thăng Long.
 
Qua các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực 18 Hoàng Diệu của Hoàng Thành Thăng Long, những hiện vật di tích khảo cổ được tìm thấy cho thấy những nét độc đáo trong kỹ thuật sản xuất gạch ngói các loại, kỹ thuật làm đồ gốm của thời Lý và thời Trần, đặc biệt là kỹ thuật làm men và kỹ thuật nung. Gạch, ngói có nhiều loại, được tạo dáng phù hợp với vị trí sử dụng, kỹ thuật nhào đất nhuyễn và nhất là kỹ thuật nung giữ được nhiệt độ cao đều nên sản phẩm có màu đỏ tươi và rắn chắc. Những mẫu vật gốm có men màu lam, nâu đen, xanh ngọc, trắng ngà, gốm sứ trắng cao cấp in nổi hình rồng, gốm hoa lam chất lượng cao, … chứng tỏ các kỹ thuật tay nghề của thợ gốm Thăng Long thời Lý, thời Trần rất tinh xảo. Hoa văn trang trí và cách bố cục hoa văn ở gốm thời Lý tinh xảo và cầu kỳ hơn, nhưng ở gốm thời Trần khá phổ biến loại hoa văn in trong khuôn với nhiều hình mẫu phong phú đa dạng. Kỹ thuật làm gạch ngói và đồ gốm của Thăng Long - Hà Nội những thời kỳ sau này, từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX gần như không có sự thay đổi đáng kể. Nhưng đến những năm 70 – 80 của thế kỷ XX, có sự chuyển đổi lớn trong kỹ thuật làm gạch ngói, với hệ thống lò tuy- nen được sử dụng ở Xí nghiệp gạch ngói Thạch Bàn (Gia Lâm), hệ thống dây chuyền được cơ khí hoá đồng bộ, từ nhào đất, đóng khuôn, cho đến đưa vào lò, quá trình nung đốt, và ra lò. Sản phẩm làm ra có chất lượng cao và đồng đều, tỷ lệ sản phẩm hỏng không đáng kể, năng suất sản xuất tăng rất nhiều. Hệ thống lò tuy–nen này đã được coi là một tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất gạch ngói lúc bấy giờ, được nhiều nơi trong cả nước tiếp nhận ứng dụng. Trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, kỹ thuật nung gốm ở Hà Nội đã được hiện đại hoá rất nhanh, với việc thay thế các lò nung dùng than bằng lò điện, vừa giảm bớt diện tích xây lò, vừa tăng chất lượng của sản phẩm có độ bóng hơn và ít sản phẩm hỏng, làm được cả các sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp, nhờ đó chủng loại mặt hàng gốm của Bát Tràng (Gia Lâm) và các nơi khác phong phú lên rất nhiều và đẹp, thợ gốm thả sức phát huy tài năng sáng tạo.
 
Về kỹ thuật rèn, đúc cũng là một trong những lĩnh vực có truyền thống rất lâu đời và tạo nên nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo. Thời lý, với sự Thịnh hành của Phật giáo, rất nhiều chùa đền được xây cất, các đồ thờ cúng bằng đồng được tạo dáng và đúc rất tinh vi, như lư hương, bộ chim hạc lớn (thường là chim hạc đứng trên mai rùa), cây nến, đặc biệt là chuông và khánh có rất nhiều, đúc các đồ binh khí như mũi tên đồng, giáo… Kỹ thuật đúc chuông lớn để treo ở các chùa, có bài trí như mũi tên đồng, chuông, về hoa văn, về khắc bài minh, … khẳng định trình độ kỹ thuật cao của thợ đúc Thăng Long. Càng độc đáo hơn khi nói đến kỹ thuật đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen nặng khoảng 4 tấn, cao 3,07m, chu vi 8m, đúc năm 1677 đời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Tạc, do ông Trùm Trọng coi sóc và thợ đúc đồng làng Ngũ Xã ở Thăng Long thực hiện với việc đổ khuôn liền khối, hiện đang đặt ở đền Quán Thánh. Tài hoa và kỹ thuật của thợ đúc Thăng Long lưu truyền tiếp nối bao đời suốt nhiều thế kỷ. Chỉ khi làng Ngũ Xã bị chuyển thành khu dân cư trong nội thành, thợ đúc bị phân tán dần, các cơ sở đúc của Hà Nội không còn tồn tại bao nhiêu, một thời đưa vào hợp tác xã, song rồi trở về với từng gia đình nhưng không có nhiều người còn theo đuổi với nghề đúc này. Làng rèn Đa Sĩ từ bao đời nay vốn nổi tiếng với các loại dao, kéo sắc và bền, vẫn duy trì được các mặt hàng phục vụ nhân dân nhiều nơi.
 
Nghề làm giấy cũng là một trong những đặc trưng kỹ thuật sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Thăng Long – Hà Nội. Khu vực Bưởi - Thuỵ Khuê với những làng như Trích Sài, Yên Thái, Yên Hoà, Hồ Khẩu,… đã nhiều thế kỷ nổi tiếng với các sản phẩm giấy dó seo thủ công. Đặc biệt có các loại giấy cao cấp như giấy điệp, giấy sắc để dùng cho nhà vua. Làng Yên Thái là nơi duy trì nghề làm giấy truyền thống lâu đời nhất, qua nhiều thế kỷ cho đến những năm cuối thế kỷ XX vẫn còn nhiều gia đình tiếp tục sản xuất các loại giấy bản, giấy bồi có chất lượng tốt.
 
Nghề dệt lụa của Thăng Long xưa là một trong những nghề nổi tiếng với những mặt hàng tơ lụa được người buôn đưa bán khắp cả nước và ra nhiều nước lân cận, cả sang châu Âu. Thăng Long với vùng bãi sông Hồng đã trở thành một trung tâm dệt truyền thống và có tiếng, đặc biệt mặt hàng lĩnh của 4 làng Yên Thái, Trích Sài, Bái Ân, Nghĩa Đô rất nổi tiếng, được dân gian nêu trong ca “lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, vàng Định Công, đồng Ngũ Xã”. Tiếc rằng mất chục năm nay, mặt hàng truyền thống nổi tiếng này không còn có điều kiện sản xuất, bởi nguồn nguyên liệu không duy trì được và bị ngành dệt cơ khí hiện đại lấn át. Làng dệt Vạn Phúc cũng là một trung tâm làng nghề truyền thống nổi tiếng nhiều thế kỷ, với nhiều mẫu hoa văn và chủng loại lụa đẹp được rất ưa chuộng; song những năm gần đây cũng gặp những khó khăn trong quá trình duy trì và phát triển nghề dệt lụa truyền thống của mình.
 
Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống khác do các làng nghề của vùng đất Thăng Long – Hà Nội làm ra, được gọi tên địa danh như một nhãn hiệu địa lý của sản phẩm, như: nón Chuông, sơn mài khảm trai Nhị Khê (Thường Tín)…
 
Một mặt hàng thủ công phục vụ đời sống văn hoá rất nổi tiếng của Thăng Long trong nhiều thế kỷ, vang danh mãi cho đến bây giờ, đó là tranh Hàng Trống. Những người thợ làm tranh Hàng Trống tạo nên nét độc đáo của sản phẩm không thể lẫn với đâu được, chính là ở khâu khắc bản và kỹ thuật in tranh, ở việc thể hiện chủ đề. Những bộ tranh thờ, như tranh Ngũ hổ, tranh tần bảo hộ gia trạc, tranh thờ cúng tổ tiên,…; các tranh chúc phúc; bộ tranh tứ bình ngư - tiều – canh - độc; truyện tranh “Nhị thập tứ hiếu”… là những sản phẩm rất độc đáo luôn được người dân Việt Nam khắp các miền nhớ đến và ca tụng.
 
Những sản phẩm nổi tiếng từ nông nghiệp của vùng đất Thăng Long – Hà Nội có rất nhiều, bởi hương vị và chất lượng đặc sắc, bởi kỹ thuật chế biến tinh sảo, kể cả cách đóng gói hàng đưa bán cũng có vẻ riêng. Đó là cốm Vòng (làng Mọc Quan Nhân), bánh cốm Hàng Than, rau húng Láng, rau muống Thanh Trì, cà chua và su hào Đông Anh, dưa cải Đông Dư, cam Canh, hồng xiêm Xuân Đỉnh, mơ Chùa Hương, hoa Ngọc Hà - Hữu Tiệp, đào - quất Nhật Tân,… Và còn nhiều món ăn ngon theo mùa và theo vùng ở đất Hà Thành mà hễ nói đến tất thẩy ai ai cũng đều công nhân là ngon, như: đậu phụ Kẻ Mơ, cá rô Đầm Sét, bánh cuốn Thanh Trì, bún Tứ Kỳ, bánh dày Quán Gánh, giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, bánh tôm hồ Tây, chả cá Lã Vọng, ốc luộc hồ Tây, nộm thịt bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm, thịt chó Nhật Tân, thịt rắn Lệ Mật… Và những phở gà, phỏ bò, mứt ô mai, các loại bánh ngọt… hấp dẫn có ở rất nhiều phố của Hà Nội mà hương vị mỗi nơi có một nét khác để lại ấn tượng nhớ lâu trong khách ăn.
 
Những ông lang, bà lang có tiếng về thuốc và phương cách chữa trị gia truyền cho một loại bệnh được dân chúng nhắc đến và truyền tin cho nhau về địa chỉ để mà đến khi cần. Đặc biệt đến với phố Lãn Ông là phố chuyên bán các vị thuốc bắc, chỉ cần đi bộ dọc qua đường phố này hàng ngày cũng có thể có cảm giác được khoẻ lên hơn.
 
Có thể thấy những sản phẩm được kể ở đây là những nét đặc trưng nhất cho Thăng Long – Hà Nội, và với mọi người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung khi nhắc đến tên sản phẩm gắn với tên địa danh đặc trưng của Hà Nội gợi nhớ tới Hà thành da diết khi có dịp sống, thăm quan tại nơi này.
 
 
Vũ Hy
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)