Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 14/05/2015 06:22
Mỗi cái tên gắn với một chặng đường lịch sử của Bác Hồ

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ của chúng ta đã mang rất nhiều tên tùy theo yêu cầu của từng thời điểm hoạt động cách mạng. Bài viết này sưu tầm tổng hợp những cái tên Người dùng nhiều nhất và mỗi cái tên ấy đều gắn liền với những mốc son chói lọi, không những với riêng cuộc đời của Người mà nó còn gắn liền với những giai đoạn có tính bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam.

 
Lúc nhỏ, Bác có tên là Nguyên Sinh Cung. Đến giữa năm 1901, thân phụ Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, làm lễ “vào làng” cho hai con trai, từ đây Nguyễn Sinh Cung mang tên mới là Nguyễn Tất Thành. Với tên này, năm 1911, Người xuất dương đi tìm đường cứu nước.
 
Đến đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành mang tên mới là Nguyễn Ái Quốc với hai sự kiện quan trọng: Gia nhập Đảng Xã hội Pháp và thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến Hội nghị Véc Xây bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
 
Tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Tua, tán thành Quốc tế III và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, người chiến sĩ của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, nhà lý luận chính trị, nhà báo kiệt xuất, tác giả của hàng ngàn tác phẩm văn nghệ, báo chí và công trình lý luận cách mạng in đậm dấu ấn thời đại; người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), người đặt mốc son lịch sử chính xác, đúng đắn, sáng suốt cho con đường cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu lập Đảng. Càng ngày tên tuổi Nguyễn Ái Quốc càng trở nên quen thuộc trong các hoạt động của Quốc tế Cộng sản, trong tâm trí nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước và cả những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Tên tuổi Nguyễn Ái Quốc làm cho bọn đế quốc lo sợ và trở thành mục tiêu săn lùng ráo riết của thực dân Pháp cùng bọn mật thám quốc tế. Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về Cao Bằng dự và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa I. Đây là Hội nghị cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Từ đó đông đảo đồng bào, đồng chí trong nước ngày càng quen thuộc với cái tên Nguyễn Ái Quốc thông qua bức thư “Kính cáo đồng bào”, kêu gọi toàn dân đoàn kết, cùng nhau chung sức, chung lòng đánh đổ đế quốc, giành độc lập, tự do cho nước nhà.
 
Ngày 13/8/1942, Nguyễn Ái Quốc với tên mới là Hồ Chí Minh, nhân danh Mặt trận Việt Minh đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam ở nước ngoài và lực lượng Đồng minh. Ngày 27/8/1942, Người bị bọn tuần cảnh của Quốc dân Đảng bắt giữ ở xã Túc Vinh vì bị chúng nghi là gián điệp.
 
Hơn một năm trong cảnh lưu đày, nhất là hơn hai tháng ở nhà giam Tĩnh Tây, bị quan quân Tưởng Giới Thạch đối xử một cách dã man, nhưng với tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường, bất khuất, Hồ Chí Minh đã thể hiện khí tiết, bản lĩnh của một nhà cách mạng kiên cường, đồng thời Người đã viết nhiều bài thơ, sau được tập hợp in thành cuốn Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). Tuy chỉ là những vần thơ tự sự “ngâm ngợi cho khuây” đợi ngày được tự do, trở về nước chỉ đạo cách mạng, nhưng Nhật ký trong tù đã trở thành một thi phẩm tuyệt tác. Đại văn hào Trung Quốc, ông Quách Mạc Nhược, đã nhận xét rằng, nếu đặt những bài thơ trong Ngục trung nhật ký vào giữa những tập thơ cổ điển của Trung Quốc thì người ta dễ lầm tưởng đó là những bài thơ nổi tiếng trong Đường thi, Tống thi.
 
Cũng trong thời gian này còn có một sự kiện mà tư liệu học đã cho thấy kỹ năng sử dụng tiếng Hán và tài ứng tác hùng biện của nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Đó là, khoảng giữa tháng 12 năm 1943, Hồ Chí Minh được mời dự bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Tại bữa tiệc này, Nguyễn Hải Thần, vốn tự phụ về trình độ Hán học, lại có ý tự đắc vì được trổ tài nịnh nọt quan trên họ Hầu, đã ra vế đối có ý so sánh Hầu Chí Minh và Hồ Chí Minh:
 
“Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh”
 
(Nghĩa là: “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng”)
 
Trong khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Hồ Chí Minh đối lại:
 
“Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách”
 
(Nghĩa là: “Anh cách mệnh, tôi cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh phải cách”).
 
Mọi người vỗ tay thán phục, Hầu Chí Minh ca ngợi không ngớt: “Đối hay lắm!Đối hay lắm!”. Nguyễn Hải Thần cũng phải cung kính: “Hồ tiên sinh, tài trí mẫn tiệp. Bội phục!Bội phục!”.
 
Với trí dũng song toàn, dẫu ở trong tay kẻ thù, Hồ Chí Minh vẫn nêu một tấm gương sáng, vượt trên đầu thù để giành chiến thắng.
 
Từ đó danh xưng Hồ Chí Minh được Người sử dụng cho tới khi Người qua đời. Năm 1990, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, UNESCO đã quyết định vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa kiệt xuất.
 
 
Trần Duy (sưu tầm, tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)