Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 16/05/2015 11:49
Cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075-1077 và bài học về xây dựng lực lượng, thế trận tại Thăng Long - Hà Nội

Cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075-1077 của quân và dân Đại Việt thời Lý đã giành được thắng lợi hoàn toàn, là biểu thị cao độ tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân và dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Lý và Lý Thường Kiệt. Trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, Thăng Long chưa phải là chiến trường trực tiếp đánh giặc, nhưng với vị thế là quốc đô của nước Đại Việt, kinh thành Thăng Long giữ vai trò cực kỳ quan trọng và có nhiều cống hiến lớn lao vào sự nghiệp đánh giặc giữ nước của cả dân tộc.

 
Từ khi định đô ở Thăng Long 1010, nhà Lý với tinh thần cảnh giác cao đối với nguy cơ xâm lược, luôn chú trọng chuẩn bị các mặt trong thời bình để sẵn sàng đánh thắng khi kẻ thù gây chiến tranh xâm lược. Công việc này được các nhà vua Lý kế tiếp nhau thực hiện ngày càng có nề nếp trên phạm vi cả nước cũng như ở kinh đô Thăng Long và trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, quân sự.
 
Về chính trị, thời nhà Lý đã chú ý củng cố Nhà nước phong kiến tập quyền để đủ sức quản lý đất nước và tổ chức nhân dân chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Triều Lý kiên quyết khắc phục tình trạng phân tán cát cứ bằng chế độ thực phong, thực ấp đối với các quan lại đại thần; thực hiện chính sách phiên trấn, cho các hoàng tử đi trấn trị ở những vùng trọng yếu; giải quyết việc tranh chấp quyền lực giữa dòng họ và quần thần ở triều đình, nhất là lúc sắp có chiến tranh, như giữa Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành. Việc tăng cường quan hệ với các địa phương, với các dân tộc ít người, đặc biệt là vùng rừng núi phía bắc và đông bắc được các vua đời Lý rất coi trọng. Đó là những điều kiện chính trị trọng yếu để dân tộc ta vươn lên mạnh mẽ, có đủ sức mạnh chiến đấu giữ nước, bảo vệ kinh đô Thăng Long.
 
Về kinh tế, triều Lý ban hành và thực hiện một số chính sách khuyến khích đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thể hiện tập trung và trước hết ở chính sách khuyến nông. Nhà nước quan tâm bảo vệ sức sản xuất cho lao động nông nghiệp, bảo vệ sức kéo cho nhà nông. Hàng năm, nhà vua thường thân đi xem dân gặt hái, hoặc tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho trăm họ. Việc khai khẩn đất hoang, mở mang diện tích trồng trọt, nhất là ở miền rừng núi phía tây và miền đất mới khai phá phía nam ngày càng được chú trọng. Việc đắp đê phòng lụt bảo vệ dân cư và mùa màng được bắt đầu triển khai. Đê sông Như Nguyệt được đắp năm 1077 vừa là công trình phòng chống lũ lụt rất quan trọng, vừa là phòng tuyến lợi hại giúp cho quân dân đời Lý ngăn chặn có hiệu quả quân Tống xâm lược tiến đánh thành Thăng Long. Sản xuất nông nghiệp ở thời Lý phát triển không những đảm bảo cho kinh tế, đời sống mà còn tăng thêm khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ kinh đô Thăng Long.
 
Nhà Lý cũng quan tâm khuyến khích các ngành thủ công nghiệp phát triển, nhất là các ngành có liên quan trực tiếp phục vụ cho công cuộc đánh giặc giữ nước. Nhiều nghề thủ công gia đình cổ truyền được phục hồi và mở rộng. Sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và có kỹ thuật tinh xảo. Việc trao đổi hàng hoá giữa Thăng Long với các địa phương được tăng cường làm cho các phố phường Thăng Long cũng như các thị, thành khác ngày càng phồn vinh, sầm uất.
 
Triều Lý còn chú ý tu bổ, mở mang thêm các đường giao thông thuỷ, bộ. Việc mở mang đường sá từ kinh đô Thăng Long đi các hướng, việc đào sông Lãnh Kinh (1189), nạo vét sông Tô Lịch (1192) ở Kinh thành vừa phục vụ giao lưu kinh tế, vừa phục vụ nhu cầu quân sự, phòng giữ đất nước, bảo vệ kinh đô Thăng Long.
 
Về mặt xã hội, nhà Lý thực hiện nhiều chính sách và biện pháp nhằm tăng cường sự gắn bó giữa triều đình với dân chúng như: hạn chế sự bóc lột phong kiến và hành động lạm quyền quá mức của quan lại; duy trì chế độ công điền để dân có ruộng làm ăn; tôn trọng người già, trọng dụng người có tài, có đức, có công, đồng thời nghiêm trị kẻ xấu. Nhà vua thường răn bảo các quan lại chăm lo đến đời sống của dân, như năm 1012 cho dựng cung Long Đức dành cho thái tử ở ngoài Hoàng thành để cho thái tử hiểu biết mọi việc của dân; năm 1033 cho đúc chuông lớn đặt ở lầu Chuông bên Thềm Rồng để dân ai có nỗi oan khuất được vào Hoàng thành đánh chuông kêu oan với vua.
 
Những năm mất mùa do chiến tranh hoặc thiên tai, triều đình thường xá thuế, hoặc giảm tô thuế, lao dịch để cho dân đỡ khổ.
 
Về văn hoá, việc mở mang giáo dục, nâng cao dân trí được triển khai từ thời Lý. Năm 1070, nhà Lý dựng Văn Miếu và mở Quốc Tử Giám ở Thăng Long làm nơi học tập cho con em quan lại quý tộc. Năm 1075, mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài, đặt cơ sở cho các triều đại sau tiếp tục thực hiện. Chữ Nôm được xuất hiện từ thế kỷ X đến thời Lý ra đời và được sử dụng trong một số văn bia.
 
Về quân sự, lực lượng vũ trang thời Lý có số lượng vừa phải, có chất lượng cao, có hình thức tổ chức thích hợp, được giáo dục - huấn luyện chu đáo.
 
Ở thời Lý, Nhà nước tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang theo chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi quân lính ở nông thôn). Việc quân đã sớm trở thành nghĩa vụ công dân, thành pháp chế của nhà nước. Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, nhà Lý đã đáp ứng được yêu cầu dựng nước gắn liền với giữ nước, yêu cầu thời bình cũng như trong thời chiến. Nhờ đó, thời bình có lực lượng thường trực vừa đủ, lại có lực lượng hậu bị hùng hậu, giảm được chi phí cho nhà nước, giảm sự đóng góp của nhân dân. Thời chiến thì nhanh chóng huy động được lực lượng lớn bổ sung, đủ sức chống giặc mạnh.
 
Thi hành những chủ trương chính sách trên, nhà Lý đã động viên được đông đảo lực lượng sản xuất của đất nước, củng cổ được khối đoàn kết dân tộc, tạo nên cái nền chính trị - xã hội vững mạnh làm chỗ dựa cho việc lập thế trận quốc phòng, thế trận chiến tranh giữ nước.
 
Trong vấn đề này, nhà lý coi trọng hàng đầu việc dựa vào nhân dân, vào lòng dân, lấy đó làm cái nền cơ bản để tạo lập thế trận chiến tranh giữ nước, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Việc xây dựng, phát huy lòng yêu nước truyền thống, ý thức tự lực tự cường, tinh thần quyết chiến và quyết thắng, không đội trời chung cùng quân giặc cho nhân dân ở kinh thành cũng như trong cả nước được đẩy mạnh.
 
Có thể thấy, ở đời Lý, thời bình ra sức xây dựng kinh tế làm cho “dân giàu” nhưng không quên gắn chặt với củng cố quốc phòng làm cho “nước mạnh”. Trong thế trận chiến lược của toàn dân, lực lượng vũ trang được bố trí hợp lý trên cả nước và trong từng địa phương, đặc biệt ở các khu vực trọng yếu như kinh thành Thăng Long, thực sự là một yếu tố cơ bản, lực lượng nòng cốt hợp thành sức mạnh giữ nước, bảo vệ kinh đô của toàn dân tộc.
 
Đồng thời, nhà Lý chú ý tăng cường việc xây dựng sức mạnh của các làng xã – kho người, kho lương của Nhà nước trên mọi miền đất nước cũng như ở kinh thành và có nhiều chính sách, biện pháp để phát huy các nhân tố tích cực của làng xã trong sự nghiệp giữ nước. Đó là cơ sở vững chắc và rộng rãi để lập nên một thế trận lợi hại - thế trận Làng - Nước, làm một lợi khí sắc bén để đánh bại quân xâm lược, bảo vệ đất nước, bảo vệ kinh đô Thăng Long.
 
 
Trần Sỹ Vinh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)