Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/05/2015 11:05
Hội thề Đông Quan - dấu ấn vẻ vang của dân tộc Việt đầu thế kỷ XV

Hội thề Đông Quan diễn ra ngày 10 tháng 12 năm 1427, giữa thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi và chủ tướng quân Minh là Vương Thông, kết thúc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giành lại độc lập cho Đại Việt . Lễ thề do chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tổ chức, theo đó buộc quân Minh tuyên thệ rút hết về nước sau thất bại nặng nề ở trận Tốt Động - Chúc Động (ngày 5-7 tháng 11, 1426) và Chi Lăng - Xương Giang (11-1427).

 
Với những thắng lợi giành được trên chiến trường trong hành trình hơn mười năm đánh giặc và cuộc đấu tranh kiên trì trên mặt trận ngoại giao, đặc biệt là chiến công oanh liệt phá tan hai đạo quân cứu viện của nhà Minh trong những tháng cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã buộc Vương Thông và đồng bọn phải xin hàng rút quân về nước. Để giữ “thể diện” cho “thiên triều” và chính thức xác nhận những điều khoản đã cam kết, lễ đầu hàng được tổ chức dưới hình thức hội thề, địa điểm được chọn nằm ở phía nam thành Đông Quan. Đó là Hội thề Đông Quan có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
 
Đông Quan sau hai mươi năm (1407-1427) là trị sở và căn cứ của quân xâm lược, là nơi quân Minh quyết cố thủ trong suốt hơn một năm cuối của cuộc chiến tranh với hy vọng thay đổi được tình thế, bảo toàn được quyền đô hộ của Đại Minh ở Giao châu, giờ đây lại chứng kiến sự kiện “cổ kim chưa từng có” - Đó là chủ tướng của chục vạn quân xâm lược nhà Minh phải đem quân về nước, từ bỏ mưu đồ xâm chiếm nước ta.
 
Hội thề được tiến hành vào ngày 10 tháng 12 năm 1427 (22/11 năm Đinh Mùi), đại diện hai bên tham dự gồm những tướng lĩnh và quan lại cao cấp. Lê Lợi dẫn đầu phái đoàn nghĩa quân gồm các tướng Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Phạm Bôi, Lê Văn An, Bế Khắc Thiện, Ma Luân. Phái đoàn quân Minh gồm có Vương Thông, Mã Anh, Sơn Thọ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Trần Hựu, Chu Kỳ Hân, Quách Vĩnh Thanh, Dực Khiêm, Lục Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Dương Thời Lập, Quách Đoan.
 
Sau khi làm lễ khấn vái trời đất, thần linh, núi sông Đại Việt, hai bên cùng uống máu ăn thề và đọc bài “Văn hội thề” do Nguyễn Trãi soạn thảo. Nội dung ghi rõ những điều hai bên cam kết là: quân Minh rút khỏi nước ta, trao trả các thành trì cho nghĩa quân, trên đường trở về không cướp bóc, sách nhiễu dân chúng; phía nghĩa quân bảo đảm an toàn tính mạng và tạo điều kiện cho kẻ thù về nước.
 
Chủ tướng Vương Thông thay mặt hơn 10 vạn quân tướng nhà Minh thề: “…quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý trong bản tâu, đúng lời bàn trước mà làm… Nếu không có lòng thành thực, lại tự trái lời thề… thì Trời, Đất cùng là Danh sơn, Đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà” (theo Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, H. 1976, tr.186).
 
Lê Lợi thề giữ đúng lời bàn: sửa sang đường sá, cầu cống, cung cấp đầy đủ lương thực, phương tiện và đảm bảo cho quân Minh an toàn rút quân về nước.
 
Lễ thề của nước thua trận dưới chân thành là một nghi lễ ở Trung Quốc có từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc nhưng với nước ta thì đây là lần đầu tiên. Bằng thắng lợi to lớn trong quá trình giải phóng dân tộc, quân và dân ta đã buộc đối phương là một đế chế mạnh phải chấp nhận và thực thi nghi lễ này.
 
Bài “Văn hội thề” đã đi vào lịch sử với giá trị như một bản hiệp định rút quân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của mình, dân tộc ta bằng những thắng lợi quân sự oanh liệt đập tan ý chí xâm lược của kẻ thù, đã buộc chủ tướng của “Thiên triều” phải chính thức và công khai tuyên bố đầu hàng với lời thề từ bỏ dã tâm xâm lược, xin rút quân về nước.
 
Theo những điều cam kết trong hội thề, hơn 10 vạn quân Minh rút hết về nước, trong đó có 5 vạn quân ở thành Đông Quan. Với tinh thần nhân đạo “Lấy khoan hồng thể hiện bụng hiếu sinh”, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cấp hàng trăm chiến thuyền, hàng nghìn con ngựa cùng với đầy đủ lương thực, phương tiện để cho hàng binh và tù bình được an toàn trở về quê hương.
 
Quân Minh bắt đầu thực hiện việc rút quân từ ngày 29 tháng 12 năm 1427. Cảm kích lượng khoan hồng, lòng nhân đạo và những hành động cao đẹp của quân doanh Bồ Đề lạy tạ Bình Định vương Lê Lợi – lãnh tụ cao nhất của nghĩa quân Lam Sơn.
 
Ngày 3/1/1428, Vương Thông sau một đem trò chuyện cởi mở thân mật cùng các thủ lĩnh nghĩa quân, đã cùng toán quân Minh cuối cùng ra khỏi nước ta.
 
Thành Đông Quan sau hơn một năm bị vây hãm được thu hồi một cách hoà bình và an toàn. Đông Đô sạch bóng quân xâm lược sau hai mươi năm bị chúng chiếm đóng.
 
Hội thề Đông Quan - một hình thức kết thúc chiến tranh sáng tạo, độc đáo trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta, thể hiện ý chí, sức mạnh, truyền thống nhân đạo của người Việt Nam. Ngày 29 tháng 4 năm 1424, Lê Lợi từ đại bản doanh Bồ Đề vào thành Đông Đô chính thức lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia được khôi phục.
 
 
Đình Lê
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)