Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 10/06/2015 10:27
Kỹ nghệ của người Hà Nội xưa qua tư liệu địa chí

Thăng Long - Hà Nội, “chốn hội tụ của bốn phương đất nước”, nơi có dân cư sống đông đúc, có nền văn hóa lâu đời, có nhiều làng nghề sản xuất thủ công truyền thống. Nhiều người biết đến một Hà Nội xưa với các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mộc mỹ nghệ Vân Hà, đúc đồng Ngũ Xã, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ... còn có một Hà Nội xưa với nhiều nghề thủ công mà nay bị mai một chỉ còn tên gọi hoặc chỉ biết đến trong tư liệu, ký ức của người Hà Nội.

 
Nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội tập trung dân cư đông đúc cùng với đó là nhiều nghề, làng nghề. Nhiều tài liệu ghi được các nghề người Hà Nội xưa như: chăn tằm ở làng Quảng Bá; dệt the nhiễu ở Yên Thái, Trích Sài; làm giấy bản ở Hồ Khẩu, Yên Thái; dệt lụa ở Vạn Phúc, Cổ Đô... Những nghề này nổi tiếng cả nước như giấy dó Hồ Khẩu có loại gọi là lệnh hội chuyên cung cấp cho triều đình viết bằng sắc, hoặc như lụa Cổ Đô từng làm sản vật tiến vua và đi vào ca dao tục ngữ:
 
Lụa này là lụa Cổ Đô
Chính danh lụa cống các cô ưa dùng
 
Nói về nghề truyền thống của các phố cổ thành Thăng Long xưa, sách Bức Thành địa dư chí lục có viết: Phường Thái Cục (tục gọi Hàng Đào) có nghề nhuộm màu, phường Đông Hà (tục gọi Hàng Bát) bán chiếu trắng. Lại như phường Đồng Lạc (nay thuộc phố Hàng Đào) thì bán yếm phụ nữ, Phúc Phố (nay thuộc khu vực phố Lê Thái Tổ) thì bán đồ đồng, phường Báo Thiên bán dù xanh bằng vải, phường Đông Vụ làm đồ vàng bạc, phường Diên Hưng (tục gọi Hàng Ngang) thì người Hoa ở lẫn với người Việt nên lấy nghề buôn bán dược liệu và tạp hóa làm chính, phường Hà Khẩu (tục gọi là Hàng Buồm) cũng là ta và người Hoa ở lẫn nên làm nghề buôn bán sách vở và hàng Tàu, đúc đồ thiếc thì ở phường Phục Cổ, dệt đoạn Nam thì ở phường Thụy Chương, Võng Thị; các phường Nghi Tàm, Yên Hoa, Nhật Chiêu, Quảng Bố có nghề nuôi tằm, phường nào nghề ấy. Đến như Hồ Khẩu, Yên Thái, Trích Sài, Bái Ân làm nghề giấy ngũ sắc....
 
Cũng trong sách Bắc Thành địa dư chí lục có ghi về nghề nghiệp của dân xứ Sơn Tây như: Dương Liễu, Quế Dương dệt vải dày. Ỷ La, La Nội dệt vải thưa. Các xã Tứ Cảo, Đỗ Xuyên, Thạch Cáp, Vân Ổ, Địa Lâm huyện Phúc Lộc dệt vải trắng. Xa La Khê, Ngải Cầu, Quang Bị dệt đũi…
 
Còn với vùng Nhật Tân, Quảng Bá nay nổi tiếng với những vườn hoa đào, vườn quất bán vào dịp tết Nguyên đán, nơi đây xưa nổi tiếng với nghề chăn tằm. Còn đến với Yên Hòa, Yên Thái, Trích Sài một làng nghề dệt vải the nổi tiếng của Hà Nội xưa nay chỉ còn trong ký ức của người Hà Nội.
 
Xưa Nghi Tàm, Yên Phụ nổi tiếng với nghề trồng cúc. Hàng năm cứ vào tháng 2, người dân cắt mầm cúc trồng xuống đất. Tháng 4, nhổ lên bỏ vào giỏ tre, cho đất vào trồng. Đất trồng cúc lấy ở lòng hồ ao, đã để ải một năm, khiến cho các chất mùn trong đất bùn đã hủy hoại hết, đất tơi xốp. Thỉnh thoảng tưới cúc bằng nước. Nước tưới cúc là nước ngâm lá diếp cá đựng trong vò qua 1 năm, lọc sạch mới đem tưới. Gặp trời mưa rào hay mưa nhỏ phải che chắn bằng phên cót để tránh tổn hại mầm lá. Trồng đến khoảng giữa tháng 8, tháng 9, cúc ra hoa, đem bán ở chợ Đồng Xuân. Kỹ nghệ trồng cúc của người dân vùng này cũng thật lắm công phu.
 
Ngoài một số làng nghề ra thì kỹ nghệ của người Hà Nội xưa còn có nghề xẻ gỗ của dân ở Tứ Châu (nay thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ); nghề chẻ củi của người dân làng Kim Liên (nay là phường Kim Liên, quận Đống Đa). Ngoài ra, người dân của làng này và làng Thịnh Quang còn có nghề lấy dáy tai.
 
Cũng qua tư liệu địa chí thì sách Bắc Kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo có ghi: Kỹ nghệ thì Định Công có nghề vàng, Văn Giáp có nghề sơn, Nhân Hiền có nghề mộc, Nhị Khê có nghề tiện, Tử Dương có nghề thêu, Chuyên Mỹ có nghề chạm khảm đồ vật, đều rất tinh xảo. Với những kỹ nghệ này thì nay một số địa phương vẫn tồn tại và phát triển như nghề chạm khảm ở Chuyên Mỹ.
 
Để nói về kỹ nghệ tuyệt xảo của người Hà Nội xưa, trong sách Hoàng Việt địa dư chí có viết về kỹ nghệ và thợ thuyền nhiều nơi khác cũng không đâu theo kịp. Thợ mộc Nhị Khê, thợ sơn Văn Giáp, làm nón ở Vĩnh Hưng, làm vòng, xích ở Ngọc Nữ đều rất tinh xảo.
 
Trước sự phát triển mạnh mẽ của hiện đại hóa, đô thị hóa, nhiều làng nghề, ngành nghề bị mai một. Có nghề chỉ tồn tại với tên gọi hoặc qua tư liệu, nhưng cũng có một số nghề đến nay vẫn tồn tại và phát triển. Ví như làng dệt lụa Vạn Phúc, làng làm giấy Hồ Khẩu... đang được bảo tồn và phát triển chính là dựa trên nghề truyền thống đã tồn tại từ bao đời như sử sách từng ghi chép. Từ nhận thức đến hành động, nhiều nghề và làng nghề của Hà Nội xưa nay đang được gìn giữ và phát huy để phát triển cùng với xu thế hội nhập.
 
 
Ly Đàm
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)