Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 10/06/2015 10:39
Cổ Loa - một trong những mắt xích quan trọng trong chiến lược xây dựng hệ thống An toàn khu của Trung ương (1941-1945)

Nhiều người biết đến Cổ Loa qua những trang sử là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, dưới thời vua An Dương Vương, nơi gắn với truyền thuyết tình yêu của nước Âu Lạc xưa - truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy... nhưng ít người biết trong những năm 1941-1945 nơi đây còn là một trong những mắt xích quan trọng trong chiến lược xây dựng hệ thống An toàn khu của Trung ương.

 
Trước sự đàn áp mạnh mẽ của thực dân Pháp sau cách mạng dân tộc dân chủ (1936 -1939), để bảo toàn lực lượng cách mạng, Đảng ta quyết định rút vào hoạt động bí mật và phải xây dựng những cơ sở, căn cứ an toàn. Những nơi được chọn làm địa bàn đứng chân hoạt động của Trung ương và Xứ ủy được gọi là An toàn khu (ATK). Tiêu chí của An toàn khu phải ở xung quanh Hà Nội, cách Hà Nội 10-15km, nhất là những vùng giáp ranh giữa hai ba tỉnh, thuận tiện cho giao thông, liên lạc, những nơi mà Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ đã có cơ sở từ trước. Đáp ứng với những tiêu chí này, Cổ Loa đã được chọn để xây dựng An toàn khu của Trung ương.
 
Một trong những yếu tố Trung ương lựa chọn Cổ Loa để xây dựng An toàn khu đó là vị trí thuận lợi cho giao thông, liên lạc. Nằm ở phía tây bắc, cửa ngõ quan trọng ra vào Hà Nội, lại chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 15 - 20km, Cổ Loa còn ở vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc Bộ. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc Bộ. Qua con sông Hoàng, thuyền bè có thể tỏa đi khắp nơi, nếu ngược lên sông Hồng là có thể thâm nhập vào vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ, nếu xuôi sông Hồng, thuyền có thể ra đến biển cả, còn nếu muốn đến vùng phía Đông Bắc Bộ thì dùng sông Cầu để thâm nhập vào hệ thống sông Thái Bình đến tận sông Thương và sông Lục Nam. Từ đây Cổ Loa có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Từ vùng thượng du, các cán bộ có thể qua Cổ Loa bằng đường bộ hay đường sông về Hà Nội và tỏa đi các địa phương khác trong vùng và ngược lại. Với ưu thế địa lợi này giúp cho việc giao thông liên lạc giữa Trung ương với căn cứ địa Việt Bắc và các địa phương khác được thông suốt. Khi có địch bao vây càn quét thì cán bộ và các cơ quan Trung ương có thể di chuyển sang các địa bàn khác một cách khá dễ dàng và an toàn.
 
Cổ Loa không chỉ thuận lợi trong giao thông, vị trí chiến lược nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Phúc Yên, Hà Nội và Bắc Ninh. Hơn thế, nơi đây dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập ở những vùng ven sông, ven đường quốc lộ, nên địch khó kiểm soát được các hoạt động của ta ở đây. Thường vụ Trung ương Đảng có thể nhanh chóng nắm bắt được mọi diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế; phát hiện được mọi âm mưu và thủ đoạn của địch, kịp thời vạch ra chủ trương, chính sách đúng đắn để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. 
 
Cổ Loa được xác định là một mắt xích quan trọng trong xây dựng hệ thống An toàn khu không chỉ bởi địa thế nơi đây thuận lợi về giao thông, địa thế mà còn bởi người dân nơi đây vốn có lòng yêu nước sâu sắc. Trong những năm 1939- 1940, Cổ Loa từng là cơ sở in báo của Xứ ủy Bắc Kỳ, đã có những người dân được cảm hoá theo lý tưởng cách mạng, sống chết theo cách mạng. Cơ sở đã gây dựng, cảm hóa được một số chức sắc, có thế lực trong các thôn xóm, nhưng lại có tinh thần yêu nước và sẵn sàng tham gia cách mạng.
 
Để có được một lực lượng hậu thuẫn cho cách mạng ở địa phương, các ông Lê Đình Thiệp và Nguyễn Văn Sơn đã tuyên truyền, vận động và giác ngộ những thanh niên yêu nước ở Cổ Loa. Những thanh niên ưu tú của Cổ Loa sớm đi theo lý tưởng của Đảng, trở thành những hạt nhân cách mạng tích cực như Nguyễn Văn Giá, Nguyễn Văn Tín... Cá nhân họ và cả gia đình họ là những cơ sở cách mạng, là chỗ dựa tin cậy của nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng.
 
Không chỉ là nơi trung chuyển các nguồn tin tức, in ấn tài liệu, hội họp, Cổ Loa còn là trạm nghỉ ngơi và dưỡng bệnh cho một số lãnh đạo cao cấp, vừa vượt ngục của Đảng. Từ năm 1943, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt... đã từng sống và hoạt động trong gia đình ông Trương Văn Dục ở xóm Chùa. Hay như năm 1944, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Văn Tiến Dũng sau khi trốn thoát nhà tù Bắc Ninh đã về Cổ Loa để dưỡng bệnh tại nhà ông Nguyễn Văn Sơn và gia đình Nguyễn Văn Phú. Đồng chí Lê Đức Thọ từng đến ở tại nhà ông Nguyễn Đình Thìn ở làng Sằn Dã, một trong những gia đình cơ sở cách mạng quan trọng ở Cổ Loa. Nhà ông Thìn còn là nơi đặt cơ quan in báo Cứu quốc.
 
Trong những năm Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, Cổ Loa là nơi các cán bộ trong đội công tác đến nhiều nhất trong vùng ATK Đông Anh. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp bàn về việc xây dựng hệ thống ATK. Cũng bởi được chọn xây dựng thành một ATK quan trọng của Trung ương đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ nên những phong trào cách mạng mang tính chất bề nổi ở Cổ Loa trầm lắng nhưng lại đi theo chiều sâu.
 
Cuộc Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945 giành thắng lợi là sự đoàn kết nhất trí của Đảng, là sức mạnh của toàn dân tộc, nhưng trong đó cũng phải kể đến sự góp sức của các ATK mà Cổ Loa là một mắt xích trong hệ thống đó. Ghi nhận thành tích của ATK Cổ Loa, đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Cổ Loa, tên gọi cổ kính và thân thương ấy đã nhiều năm trở thành nơi hoạt động của cơ quan giao thông của Đảng. Các đồng chí trong Thường vụ chọn Cổ Loa làm nơi tiếp các cán bộ ở xa về báo cáo công việc với Trung ương. Nhiều đồng chí, sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc, đã được Trung ương đưa về cổ Loa để chăm sóc sức khỏe”. Với sự ghi nhận trên càng tỏ rõ Cổ Loa thực sự là mắt xích quan trọng trong chiến lược xây dựng hệ thống An toàn khu của Trung ương (1941-1945).
 
 
Khánh Ngọc
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)