HàNội dưới bàn tay quy hoạch của Pháp
Trước hết, cần điểm qua một vài nét về quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội, từ “nhượng địa” đến thành phố, nhằm xác định rõ thời gian ra đời của hệ thống tổ chức hành chính của thành phố Hà Nội thời kỳ thuộc địa. Tuy nhiên, quá trình biến Hà Nội thành “nhượng địa” đã được khởi động từ trước đó hơn 20 năm, khi mà công cuộc “bình định” xứ Bắc Kỳ của Thực dân Pháp còn chưa thực sự bắt đầu.
Năm 1867, sau khi đánh chiếm được toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh, cùng với việc thiết lập hệ thống chính quyền cai trị ở Nam Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu nhòm ngó ra Bắc Kỳ. Theo quy ước được ký kết ngày 6/2/1874, Pháp được đặt tại Hà Nội Lãnh sự. Ngày 28/8/1875, Pháp bắt đầu đặt Lãnh sự quán tại Hà Nội.
Tháng 10/1875, Pháp bắt đầu khởi công xây dựng các công trình kiên cố trên khu nhượng địa, chính thức mở đầu thời kỳ xây dựng Hà Nội trở thành “Thủ đô của Bắc Kỳ”, “Thủ đô của Liên bang Đông Dương”.
Về mặt địa giới hành chính: Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội trước khi có sự công nhận của triều đình Huế. Ngày 01/10/1888, Triều đình Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt Hà Nội dâng cho Thực dân Pháp làm nhượng địa. Ngày 03/10/1888, Toàn quyền Richaud chính thức đưa Hà Nội trở thành một thành phố theo chế độ nhượng địa, với Nghị định số 18 ngày 14/9/1888 của quyền Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ và nghị định ngày 15/11/1889 của Thống sứ Bắc Kỳ thì thành phố Hà Nội lúc này chỉ gồm các khu phố nội thành được chia thành 63 phường với số dân khoảng 270.000 người. Ranh giới Hà Nội lúc bấy giờ được bắt đầu từ Hồ Tây đi theo hướng Bắc - Nam dọc đường Bưởi đến Cầu Giấy lại chuyển theo hướng Đông - Đông Nam dọc Đê La Thành rồi kéo thẳng qua phố Khâm Thiên, đến khu vực Hồ Thiền Quang lại quay về hướng Nam - Đông Nam cho đến làng Lương Yên (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng). Năm 1889, Hà Nội thành lập ngoại thành Hà Nội, gồm một số xã của các huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Từ Liêm, Thanh Trì. Năm 1904, nội thành Hà Nội được chia thành 8 quận. Năm 1915, Ngoại thành Hà Nội đổi thành huyện Hoàn Long (trực thuộc tỉnh Hà Đông). Năm 1942, Pháp sáp nhập một phần huyện Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội, thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc Phủ Hoài Đức, được chia thành 8 tổng, 60 xã. Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Hà Nội khi đó gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành.
Về mặt tổ chức chính quyền: Xây dựng hệ thống Chính quyền Thành phố, bao gồm 2 tổ chức quản lý hành chính: Hội đồng Thành phố và Tòa Đốc lý Thành phố. Thứ nhất với Hội đồng Thành phố Hà Nội được thể hiện qua các điều quy định của Nghị định ngày 19/7/1888: Hội đồng Thành phố họp thường kỳ mỗi năm bốn lần, vào đầu các tháng hai, năm, tám và mười một, mỗi phiên họp kéo dài 10 ngày, các phiên họp bất thường sẽ được tổ chức nếu có đề nghị của từ 3 ủy viên trở lên. Hội đồng Thành phố được quyền đưa ra các ý kiến về các vấn đề có liên quan đến việc quy hoạch các đường lớn trong nội thành, việc sửa đổi giới hạn địa giới hành chính Thành phố... và cuối cùng là tất cả các vấn đề được quyết định bởi các quy tắc và nghị định của thành phố. Hội đồng Thành phố Hà Nội đã được hoàn thiện thêm về tổ chức và được bổ sung thêm một số chi tiết như các điều kiện bầu cử, số lượng ủy viên... bằng các nghị định ngày 31/12/1891, 19/7/1904, 16/5/1906, 14/3/1907 của Toàn quyền Đông Dương và các Sắc lệnh ngày 11/7/1908, 18/8/1921 của Tổng thống Pháp. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Hội đồng thành phố Hà Nội đã ngừng hoạt động.
Thứ hai là Tòa Đốc lý Thành phố: Văn bản pháp lý quan trọng nhất đối với việc tổ chức bộ máy quản lý hành chính của thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc là Nghị định ngày 19/7/1888 do Toàn quyền Đông Dương ký. Nghị định mới này thành lập tại Hà Nội và Hải Phòng, mỗi Thành phố một Hội đồng, đứng đầu là một Đốc lý kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành phố và 16 ủy viên, trong đó có 12 người Pháp và 4 người Việt. Những ủy viên của Hội đồng này được lựa chọn trong số những người Pháp và người Việt trên 25 tuổi, có quyền công dân và chính trị, có thời gian cư trú ở Hà Nội ít nhất là 6 tháng. Trong số 16 ủy viên, có ít nhất 4 người do Phòng Thương mại Thành phố lựa chọn. Các ủy viên của Hội đồng Thành phố đều do Tổng Trú sứ bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 3 năm. Giúp việc cho Đốc lý còn có hai phó Đốc lý và Tòa Đốc lý.
Tóm lại, qua những tư liệu của cuốn sách ta đã thấy được cả quá trình chuyển biến của Hà Nội từ một tỉnh thành vốn là kinh thành Thăng Long xưa trở thành một thành phố thuộc địa được quy hoạch giữ vai trò thủ phủ Bắc Kỳ, đô thành của Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp, rồi sau Cách mạng tháng 8/1945 khôi phục vị thế Thủ đô của nước Việt Nam độc lập và sau một thời gian đấu tranh chống sự chiếm đóng của quân Pháp, đến năm 1954 khẳng định lại vị thế này. Ngoài ra cuốn sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954”, tập 1 còn giới thiệu cho các nhà khoa học và bạn đọc một hệ thống tài liệu gốc cực kỳ phong phú, có giá trị đặc biệt về tư liệu học và mở ra triển vọng khai thác, sử dụng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu về Hà Nội thế kỷ XIX - XX. Cuốn sách là công cụ bổ ích, đáng tin cậy để tiếp cận và khai thác có hiệu quả nguồn tài liệu về Hà Nội.
Kim Ngân
Nhà xuất bản Hà Nội