Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 16/06/2015 01:43
Điểm qua một số chính sách của các nhà nước phong kiến đối với nông nghiệp Thăng Long - Hà Nội

Đường lối kinh tế của nhà nước phong kiến nước ta, về nguyên tắc, dựa theo mô hình thiết chế chính trị - hệ tư tưởng của chế độ phong kiến nhà nước quan liêu, được vay mượn từ nguyên mẫu Trung Hoa. Theo đó, những giáo điều của hệ tư tưởng chính thống Nho giáo được coi là mẫu mực với những quan điểm cơ bản: “trọng nông ức thương”, “trọng nghĩa khinh lợi”, “trọng bản ức mạt”,… áp dụng cho một đất nước tiểu nông làng xã. Cùng với đó, các nhà cầm quyền Việt Nam thường viện dẫn đến quan điểm “tín nhi hiếu cổ”, trọng truyền thống để khước từ mọi thay đổi. Điều này được thực hiện rất rõ trong những đường hướng về nông nghiệp và được vận dụng nhất quán với cả kinh thành Thăng Long trong suốt chiều dài ngàn năm lịch sử.

 
Thời Lý nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế và rất được chú trọng tại Kinh thành, nơi tập trung lượng lớn ruộng công. Nhà Lý chia ruộng đất làm ba loại: ruộng công, ruộng đất nhà chùa và ruộng tư; áp dụng chính sách ngụ binh ư nông, cho binh lính thay nhau về làm ruộng, có tác dụng phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhà Lý cũng rất chú trọng công tác đê điều, thủy lợi, như việc khơi sông Tô Lịch, để nâng cao năng suất lao động, nhờ đó, nền kinh tế của đất nước và tại Thăng Long khá phát triển.
 
Từ khi thay nhà Lý nắm quyền điều hành đất nước, nhà Trần đã nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, mở rộng thêm diện tích canh tác. Khác với nhà Lý, Nhà Trần chia ruộng đất thành hai loại: ruộng công và ruộng tư. Triều đình áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích nông nghiệp, trong đó có làm thủy lợi cho cả nước. Năm 1256, nhà Trần bên cạnh việc đào đắp mương tưới tiêu lại cho khơi sông Tô Lịch nhằm đảm bảo giao thông, đồng thời điều tiết thủy nông cho các vùng xung quanh kinh thành Thăng Long nhờ đó việc trồng cấy không ngừng được ổn định, phát triển.
 
Thời Lê sơ kinh tế Đại Việt vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp như các thời đại trước bởi công nghiệp về cơ bản chưa có những bước phát triển đáng kể để ứng dụng vào nông nghiệp. Nền sản xuất nông nghiệp thời kỳ này vẫn là tiểu nông cá thể dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Sau khi giành lại đất nước từ quân Minh, nhà Lê tiến hành giảm thuế, đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp như lập đồn điền, di dân khẩn hoang đã khiến nông nghiệp nước ta nói chung và Thăng Long nói riêng có nhiều khởi sắc, cuộc sống dân chúng vì đó mà no ấm hơn. Ca dao có câu: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông / Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn" là minh chứng rõ cho điều đó.
 
Cũng như các thời trước, thời Mạc vẫn coi nông nghiệp là ngành then chốt của nền kinh tế. Về tổng thể, do tác động của chiến tranh trong phần lớn thời gian tồn tại, hoạt động nông nghiệp thời Mạc không có nhiều thành tựu lớn, những chính sách về nông nghiệp đối với Thăng Long cũng không có biến động gì mạnh mẽ so với các triều đại đó.
 
Từ thời Lê - Trịnh về sau kinh tế nước ta vẫn tuân theo nguyên tắc “trọng nông”, công hữu đất đai. Nhà vua đảm bảo cho thần dân nền kinh tế mưu sinh; tự sản tự tiêu; sau khi nộp tô, thuế còn vừa đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu của gia đình. Mấu chốt chính sách là phép quân điền, ruộng đất cấp cho dân được phân chia lại theo định kỳ. Tuy nhiên, cùng với gia tăng nông sản hàng hoá, phát triển tư điền trong thế kỷ XVIII - XIX, đã dần kéo theo sự phá sản của phép quân điền, buộc các triều đại sau phải điều chỉnh bằng thuế công điền, tư điền và thuế thân, thuế lao dịch gọi là “tô - dung - diệu” với các điểm chính: Đặt ra nguyên tắc thu thuế mới làm mức thuế trở nên nặng nề hơn; kiểm tra định kỳ sổ hộ khẩu và ruộng đất cho sát hợp với thực tế; điều cải cách quan trọng là thu cả thuế ruộng tư với ý nghĩa “kẻ giàu người nghèo đỡ đần nhau”; định lệ mới cho mức thuế dung (thuế thân) và thuế điệu (lao dịch); mức tô thuế ở kinh kỳ Thăng Long được giảm nhẹ. Tại Kẻ Chợ, một mặt triều đình thi hành chính sách ưu đãi trong mức thuế đối với nông dân kinh thành, mặt khác khuyến khích nên trồng nuôi các cây nông nghiệp đặc sản có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế hàng hóa nông nghiệp.
 
Tới thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn tái lập chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế và hệ tư tưởng Nho giáo chính thống, muốn lấy mô hình xã hội Đại Việt thời Lê sơ làm mẫu mực. Quan điểm truyền thống “trọng nông ức thương” và chủ nghĩa nhà nước kinh tế được củng cố, thể hiện rất rõ nét trong các chính sách về nông nghiệp và có liên quan chặt chẽ với nhau. Với Hà Nội, nhà Nguyễn muốn trói chặt người nông dân với ruộng đất nơi cư trú nhằm hạn chế nền kinh tế hàng hóa đô thị phát triển ở tỉnh thành này. Tuy nhiên do sự phát triển nội tại của nền kinh tế đô thị Kẻ Chợ nên chính sách này không phát huy được hết tác dụng.
 
Trải suốt chiều dài một ngàn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thi hành nhiều chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, ngành kinh tế chủ đạo của đất nước. Đường hướng mỗi triều đại mỗi khác và với vị trí chính trị đặc biệt của mình kinh thành Thăng Long bao giờ cũng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ những chính sách đó song bản thân sớm là một đô thị phồn thịnh nên tự nó cũng ngầm tác động lại các chính sách ấy.
 
 
Phong Kiều

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)