Bộ sách “Thư mục tư liệu trước 1945”
Hương ước là khái niệm mang ý nghĩa phổ quát để chỉ một loại hình văn bản liên quan đến tổ chức làng xã với nhiều tên gọi khác nhau như hương ước, tục lệ, khoán lệ, khoán ước, điều lệ, lệ bạ, ước lệ, phong tục, hương lệ… Hương ước được viết chủ yếu bằng chữ Hán và chữ Nôm, hình thành từ rất sớm, thường được gọi là hương ước cổ (bản hương ước sớm nhất xuất hiện từ thời từ cuối thời Lê sơ), được mở rộng và bổ sung liên tục trong các thế kỷ sau. Hiện nay, các văn bản hương ước cổ được sưu tầm và bảo quản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Vào đầu thế kỷ XX, xuất hiện hương ước cải lương do nhà nước chỉ đạo tổ chức xây dựng, phần nhiều được viết bằng chữ Quốc ngữ và lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội.
Thần tích là sự tích về thần được thờ tại các làng xã, phường phố. Thần sắc là những đạo sắc do nhà nước phong kiến ban cấp cho các làng xã, phường phố trong việc thờ phụng tại địa phương. Việc sưu tập tư liệu thần tích thần sắc do hai Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin khoa học xã hội đảm nhiệm. Tư liệu thần tích thần sắc ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có niên đại sớm (thường là từ đầu thế kỷ XX, trong đó phần lớn là từ cuối thế kỷ XIX trở về trước), viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tiến hành sưu tầm trong những thập niên đầu thế kỷ XX và phần lớn là các bản sao chép tay. Tư liệu thần tích thần sắc ở Viện Thông tin Khoa học xã hội là kết quả của cuộc tổng điều tra về sự tích các vị thần được thờ ở các làng xã, phường phố trên toàn lãnh thổ Việt Nam được tiến hành trước năm 1945.
Văn khắc là những bài minh văn viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm khắc trên đá, đồng hoặc gỗ, chủ yếu là các bài minh văn khắc trên đá (văn bia) hoặc chuông khánh đồng. Đây là nguồn tư liệu rất phong phú, có mặt hầu hết tại các đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, văn miếu, văn chỉ, lăng mộ, cầu, chợ… Văn khắc bao gồm cả giá trị trên nhiều phương diện, cả ý nghĩa vật thể và phi vật thể, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội qua các thời kỳ lịch sử. Thư mục văn khắc được giới thiệu trong bộ sách này chủ yếu là các thác bản của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp trước Cách mạng tháng Tám.
Bộ Thư mục này gồm 5 phần: Tư liệu văn khắc, tư liệu thần tích thần sắc, tư liệu hương ước, tư liệu địa bạ và tư liệu khác được gói trọn trong 3 tập với hơn 1.000 trang mỗi tập.
Bộ thư mục này chủ yếu được viết bằng chữ Hán Nôm, một phần bằng chữ Quốc ngữ, hình thành hầu hết trước Cách mạng tháng Tám. Phần lớn các nguồn tư liệu này hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và các cơ quan lưu trữ, cơ quan nghiên cứu khoa học khác của Trung ương và Hà Nội, một phần là những điều tra, khảo sát gần đây.
Đây là bộ Thư mục tập hợp một khối lượng tư liệu đồ sộ, phản ánh khá toàn diện các mặt của đời sống xã hội, cả ở nông thôn và thành thị của đơn vị hành chính lãnh thổ Thành phố Hà Nội hình thành từ ngàn năm về trước. Đó không chỉ là những ký ức về một đô thành nghìn năm tuổi, mà còn là cơ sở dữ liệu giúp ta hiểu Thăng Long - Hà Nội sâu sắc hơn, toàn diện hơn, trở thành một nội lực góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Địa bạ - sổ ruộng đất hay sổ ghi chép về ruộng đất của một đơn vị hành chính, cộng đồng cơ sở. Địa bạ được lập chủ yếu bởi Nhà nước với mục đích trước hết là để Nhà nước quản lý đất đai, thu thuế. Trên thực tế mỗi địa bạ là một mô tả tương đối toàn cảnh về một đơn vị hành chính cơ sở, là nguồn tư liệu đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu làng xã. Trong lịch sử Việt Nam, lần đầu tiên Nhà nước cho lập sổ địa bạ là vào năm 1092. Thời Lê, năm 1428 vua Lê Thái Tổ ra lệnh cho các địa phương trong cả nước điều tra, khám xét ruộng đất và lập sổ địa bạ. Các thế kỷ sau việc lập và tu bổ địa bạ tiếp tục được thực hiện rải rác trong nhiều năm. Tuy nhiên đến nay tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ còn lưu giữ có 7 địa bạ trước thế kỷ XIX. Hai sưu tập địa bạ lớn nhất của nước ta hiện nay là: Sưu tập địa bạ được bảo quản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp sưu tầm trước năm 1945, hầu hết là những bản sao từ các bản do làng xã quản lý và Sưu tập địa bạ được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đều là những bản chính do triều đình Nguyễn quản lý, chủ yếu dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mệnh.
Các tư liệu khác bao gồm xã chí, gia phả và địa chí, bản đồ, phong thổ, danh thắng.
Xã chí là tập hợp các bản điều tra về địa chí của một thôn, xã thuộc 27 tỉnh từ Khánh Hòa trở ra Bắc do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tổ chức điều tra trong những năm 1937 - 1945. Nội dung xã chí gồm: bia, thần tích, thần sắc, cổ chỉ, tục lệ, đình chùa, tượng và đồ thờ, lễ hội, cổ tích, địa đồ, công nghệ và thổ sản. Phần lớn xã chí được viết bằng chữ Quốc ngữ. Hiện nay, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ 107 cuốn xã chí.
Gia phả là văn bản gắn với các dòng họ. Sưu tập gia phả hiện có chủ yếu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sưu tập này còn rất hạn chế, cần tiếp tục điều tra sưu tầm.
Địa chí, bản đồ, phong thổ, danh thắng là các sách vở ghi chép về địa lý tự nhiên và nhân văn với nhiều cấp độ. Ở cấp độ địa phương, phạm vi phản ánh có thể là trấn tỉnh, nhưng cũng có thể là phủ huyện, thậm chí đến cấp hành chính cơ sở (xã thôn). Các tư liệu này chủ yếu được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Với cách thức biên soạn: chỉ rõ quá trình biến đổi diên cách, địa chỉ hiện nay của nơi xuất hiện nguồn tư liệu theo phạm vi không gian Hà Nội mở rộng địa giới từ năm 2010 và trình bày bộ Thư mục dưới dạng từ điển rất tiện dụng cho việc tra cứu, phục vụ được nhiều đối tượng độc giả.
Bộ sách quả thật là kho tư liệu vô giá, là thành tựu chung của nhiều thế hệ các nhà sưu tầm, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam nói chung, lịch sử và văn hóa Thăng Long Hà Nội nói riêng qua nhiều thời kỳ.
Thu Linh
Nhà xuất bản Hà Nội