Cổ Loa với kho tàng dân ca
Trong một không gian với nhiều lớp trầm tích lịch sử văn hóa đã tạo nên sự phong phú, đa dạng đời sống văn hóa dân gian ở mỗi người dân Cổ Loa trong đó có ngày hội làng. Ngày mùng 6 tháng Giêng tương truyền là ngày vua Thục “thắng” vua Hùng, từ núi Hy Cương về và lên ngôi. Để nhớ ngày long trọng này dân Cổ Loa cùng nhau rước kiệu mở hội đông vui cả một vùng. Cả một vùng vui ngày hội nên người Cổ Loa ai cũng tâm niệm:
Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống thì không bỏ mồng sáu tháng Giêng
Ở đây, hội làng không chỉ là dịp cúng tế thần linh, trời đất để cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong bình an, hạnh phúc; không chỉ là dịp vui chơi đầu xuân, để cho trai gái gặp gỡ, tìm hiểu, để mọi người được nghỉ ngơi sau những tháng ngày nông vụ vất vả... mà trên tất cả, nó đã trở thành một phần thiêng liêng, một phần máu thịt trong tâm thức, tình cảm của mỗi cư dân trong vùng Cổ Loa. Ngày hội làng còn là dịp để mỗi người đi xa đều nhớ và tìm về với bản quán, cội nguồn tổ tiên từ xưa cho đến nay.
Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng hội là của chung một cụm 8 làng (ngày trước gọi là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội. Từ khắp các ngả đường, đâu đâu người ta cũng gặp các đám rước với cờ quạt, nghi trượng, kiệu phường bát âm và màu cờ sắc áo lễ phục rực rỡ của mọi người. Cũng vì tấm lòng ấy, tình cảm ấy mà tất cả con người Cổ Loa đều mong đến ngày mở hội, nhưng thời gian hội cũng thật ngắn ngủi làm cho bao người tiếc nuối mà thốt lên:
Cổ Loa vào đám đại trà
Vừa vào, vừa giã, vừa ra một ngày
Xưa kia, mỗi lần hội hè đình đám tốn rất nhiều tiền của, phải huy động con người và vật chất trong cả làng, có khi sau ngày hội là những tháng ngày vất vả... bởi vậy ở Cổ Loa mới có câu:
Cổ Loa mở hội cầu tiền
Đói ba năm liền ăn những khoai lang.
Có người cho rằng lễ hội cầu tiền là lễ hội cầu mưa. Có khi hạn hán mất mùa ba năm liền nên phải mở hội. Người dân làm một cây cầu bằng tre, mọi người đi qua lấy tiền buộc vào dây vắt qua để lợp mái bằng dây tiền (nên gọi là hội cầu tiền).
Không chỉ là một kinh đô xưa mà còn nằm ở vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng nên Cổ Loa là nơi tập trung dân cư đông đúc, hội tụ nhiều những sản vật nổi tiếng đặc biệt có món bánh chưng Tày. Đến nay người dân trong vùng vẫn lưu truyền câu ca về cách gói bánh, thật khéo và thật ngon mắt của người dân vùng cố đô này:
Nhà xanh lại đóng đỗ xanh
Ở giữa trồng hành trong thả lợn con.
Nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và giao thương ở Cổ Loa, từ đó hình thành hệ thống chợ quê.Trong tâm thức mỗi người Việt chợ - một phần văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chợ xưa không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là nơi để gặp gỡ, giao duyên của nam thanh nữ tú. Cổ Loa cũng như nhiều làng quê khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn lưu giữ được câu ca nói về lịch họp chợ trong làng, trong vùng:
Chợ Dâu câu chợ Tó
Chợ Tó bó chợ Dọc
Chợ Dọc cọc chợ Sa
Chợ Sa sà chợ Cói
Chợ Cói bói chợ Dâu.
Những câu ca nay ta đọc tuy không thật rõ nghĩa nhưng gợi ra những mối liên hệ, những thứ tự nhắc các bà các chị phiên họp chợ ở làng mình cũng như các làng xung quanh để tiện cho việc mua bán, trao đổi.
Cổ Loa cũng như ở các làng quê khác vùng đồng bằng Bắc Bộ, các hình thức sáng tác dân gian rất phong phú. Bên cạnh các câu ca dao mang tính chất phổ biến của toàn vùng châu thổ Bắc Bộ, những câu ca dao, tục ngữ, hò vè của Cổ Loa góp phần tạo nên nét duyên dáng chỉ riêng có ở các làng quê Việt Nam. Dẫu nay các làng quê chịu sự tác động mạnh mẽ của hiện đại hóa, đô thị hóa, những câu ca dao, tục ngữ, hò vè có ít nhiều bị mai một nhưng vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí mỗi người dân Cổ Loa. Những câu ca dao riêng có của Cổ Loa vẫn à ơi trong tiếng ru của bà, của mẹ, vẫn văng vẳng trong lao động sản xuất, vẫn còn trong những ngày hội làng, đây cũng là nét đẹp truyền thống được lưu giữ trong mỗi người dân Loa Thành.
Ngọc Linh
Nhà xuất bản Hà Nội