Triều Nguyễn và hoạt động ngoại giao trong lần đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ nhất của Pháp (1873-1874)
Tuy nhiên, với ý định của mình Gacniê đã không nhanh chóng giải quyết vụ của Đuypuy mà chỉ tập trung vào việc hội đàm với phái viên của triều đình Huế - Phan Đình Bình, nhằm nhanh chóng ký kết một hiệp ước thương mại và mở cửa sông Hồng. Phan Đình Bình cũng như Nguyễn Tri Phương dứt khoát không thảo luận về bất cứ vấn đề gì ngoại trừ việc của Đuypuy và hứa sẽ báo cáo lên triều đình về vấn đề thương mại (bởi bản thân hai ông cũng không có quyền quyết định vấn đề này).
Ngày 10/11/1873, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương ra lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân Hà Nội chống Pháp. Gacniê phản kháng, phá bỏ tuyên bố của Tổng đốc. Mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng. Người Việt tìm cách cô lập quan quân người Pháp như: bỏ thuốc độc xuống các giếng nước, đốt trại lính hay phá các kho hàng của Đuypuy. Tiếp đó ngày 12/11/1873, Gacniê gửi cho Tổng đốc Nguyễn Tri Phương một tối hậu thư, ghi rõ rằng triều đình Huế đã bất lực, vậy thì đổi lại người Pháp có quyền được hưởng những sự nhượng bộ, mà việc đầu tiên là mở cửa sông Hồng. Gacniê yêu cầu Tổng đốc phải có câu trả lời ngay trong ngày, nhưng Nguyễn Tri Phương đã không trả lời. Vậy là, sáng sớm hôm sau, 20/11/1873, người Pháp tấn công thành Hà Nội.
Với những chiến thắng liên tiếp ở các tỉnh thành, Gacniê đã gửi cho triều đình Huế một bức tối hậu thư, trong đó ngang nhiên tuyên bố rằng nếu triều đình không chấp nhận chế độ bảo hộ ở xứ Bắc kỳ thì ngày 17/12/1873, ông ta sẽ tuyên bố nền độc lập của xứ đó dưới sự bảo hộ của người Pháp.
Tuy nhiên, tình hình quân sự trên thực tế lúc đó không hoàn toàn có lợi cho người Pháp. Ngày 21/12/1873, Gacniê và một số bộ binh đã bị phục binh của ta giết chết. Với thất bại ở Cầu Giấy, thực dân Pháp ở Bắc kỳ hoang mang, lo sợ, tìm cách bỏ thành trốn chạy. Lúc này, thực dân Pháp ở Nam kỳ cũng gặp phải nhiều khó khăn về kinh tế sau chiến tranh và chúng cũng lo ngại việc Trung Quốc và Anh sẽ can thiệp vì không muốn Pháp mở rộng thế lực ra Bắc kỳ. Do đó, người Pháp xuống thang, tìm cách để chấm dứt tình trạng căng thẳng và nhanh chóng ký kết một hiệp ước. Trong khi đó, quân và dân ta đang sôi sục khí thế chiến thắng. Nếu lúc này triều đình đẩy mạnh kháng chiến thì chắc chắn số quân địch ở Bắc kỳ sẽ bị tiêu diệt. Nhưng triều đình Huế lại chọn giải pháp thương thuyết nên đã mật điều Hoàng Tá Viêm, Tôn Thất Thuyết và Lưu Vĩnh Phúc về phòng thủ ở quân thứ Tam Tuyên (tức Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), không cho hoạt động ở Hà Nội nữa.
Phái viên của Pháp là Philat nhận nhiệm vụ từ Đô đốc Đuyprê ra Bắc kỳ, cùng đi với ông ta là Nguyễn Văn Tường - đại sứ của triều đình Huế. Để tránh thiệt hại cho quân đội Pháp, Philat ngay lập tức hạ lệnh trả lại tất cả các thành trì cho triều đình, trục xuất Đuypuy ra khỏi Bắc kỳ. Riêng với thành Hà Nội, theo báo cáo của Philat, do “lo sợ các toán cướp hay quân phiến loạn quay trở lại”, đại sứ Nguyễn Văn Tường cùng các quan lại triều đình “cầu xin và van nài” người Pháp chưa rút quân ngay. Do vậy, ngày 6/2/1874, Philat đã ký với Nguyễn Văn Tường một quy ước với nội dung căn bản là: quân Pháp cam kết sẽ rút khỏi thành Hà Nội và giao trả thành Hà Nội cho triều định muộn nhất là 10 ngày sau khi triều đình đã bố trí được chỗ cho quân Pháp đóng ở Hải Phòng; ngoài ra thực dân Pháp còn yêu cầu thiết lập Toà Công sứ, doanh trại binh lính ở Hà Nội; tạm thời đưa Đuypuy về Hải Phòng chờ lệnh mới, nếu Đuypuy muốn sang Vân Nam thì phải xin ý kiến người đại diện phía Pháp và sẽ phải ở lại Vân Nam cho đến khi nào sông Hồng được thông thương.
Có thể thấy rõ rằng, với bản quy ước này, người Pháp trao trả thành Hà Nội nhưng lại chiếm đóng Hải Phòng. Bằng con đường thương thuyết, Philat đã chọn được một giải pháp tối ưu là người Pháp chưa hoàn toàn rút khỏi Bắc kỳ mà vẫn có một địa điểm đóng quân lý tưởng. Hoàn thành mọi việc, ngày 4/3/1874, Philat quay về Sài Gòn, chuẩn bị cho việc thương thuyết, ký kết hiệp ước.
Lợi dụng thái độ đầu hàng của nhà Nguyễn, thực dân Pháp ép triều đình ký thêm một hiệp ước thương mại nữa vào ngày 31/8/1874. Bản hiệp ước này cho phép người Pháp “tổ chức, chỉ huy” hoạt động hải quan của Việt Nam, mức thuế xuất nhập khẩu ở các cảng do người Pháp xác định là 5% tổng giá trị. Vậy là hiệp ước này thêm một lần nữa xác lập đặc quyền kinh tế của người Pháp trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, việc ký kết hai bản hiệp ước ngày 15/3/1874 và ngày 31/8/1874 là hai thất bại của nhà Nguyễn trong hoạt động ngoại giao nói riêng và bảo vệ chủ quyền dân tộc nói chung. Thực tế là triều đình đã có cơ hội để thương thuyết trên thế mạnh nếu như triều đình nhà Nguyễn thuận theo đà của chiến thắng Cầu Giấy để đẩy mạnh phong trào kháng Pháp, ép chúng vào chỗ phải rút quân mà không được đưa ra điều kiện gì. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là triều đình đã bỏ qua cơ hội của mình, thậm chí còn tạo thêm cơ hội cho người Pháp khi mà chuyển địa điểm bị chiếm đóng từ Hà Nội về Hải Phòng – nơi mà quân đội Pháp có thể viện binh để tấn công lên Hà Nội rất dễ dàng. Hơn nữa, theo những ghi chép của người Pháp cho thấy, việc ông Lê Tuấn ốm nặng và ký vào bản hiệp ước Philat thề rằng những gì ông ta đọc là những điều khoản ghi trong hiệp ước đã cho thấy sự lỏng lẻo, yếu kém trong việc quản lý của triều đình. Một hiệp ước có tầm ảnh hưởng tới cả xứ Bắc kỳ mà được ký kết chỉ bằng niềm tin, nhưng niềm tin ấy lại đặt vào một người không cùng “chiến tuyến”.
Nguyễn Kim
Nhà xuất bản Hà Nội