Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 26/06/2015 02:39
Dấu ấn thời Hùng Vương – An Dương Vương qua truyền thuyết ở Hà Nội

Một thời đại đã trôi qua ngàn năm nhưng vẫn để lại trong lòng dân tộc những câu chuyện truyền kỳ bên bếp lửa hồng hàng đêm. Đó là những nét son trong truyền thống của dân tộc ta, đồng thời thể hiện sự gắn bó, biết ơn của cư dân Hà Nội với một thời kỳ khởi nguyên của dân tộc.

 
Cùng với khối tài liệu thư tịch, khảo cổ về thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương thì mảng truyền thuyết được truyền tụng trong dân gian là những tư liệu hết sức phong phú và quý giá về thời kỳ này. Truyền thuyết về thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương có mặt ở hầu hết các tỉnh thành vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Dù Phú Thọ mới là vùng đất Tổ, là cái nôi lưu giữ nhiều truyền thuyết về thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương nhưng Hà Nội cũng là nơi có nhiều truyền thuyết liên quan đến thời kỳ này. Địa bàn Hà Nội bao gồm cả khu vực mới được sáp nhập có nhiều những truyền thuyết liên quan đến thời Hùng Vương - An Dương Vương.
 
Đầu tiên phải kể đến là những truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Những địa danh liên quan trong truyền thuyết này đó là dãy núi Tản Viên, Ba Vì, Hà Tây và con sông Đà, gần ngã ba sông Việt Trì, Bạch Hạc. Đây là địa bàn Việt Mường cổ, tương truyền là kinh đô Văn Lang, vì vậy xung quanh vùng này có nhiều truyền thuyết và lễ hội thờ Tản Viên: Truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Vua Hùng kén rể, các lễ hội đua thuyền, rước nước… Trên địa bàn vùng núi Ba Vì có đến 95 địa điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh. Điều này cho thấy khu vực này xưa kia chính là mảnh đất phên dậu của vùng lõi nước Văn Lang thời vua Hùng. Liên quan đến thánh Tản còn có truyền thuyết về thần Tản Viên và hai người mẹ. Mẹ nuôi được phong là Cao Sơn Thần nữ Đại Thánh tôn thần, còn mẹ đẻ được phong là Thái Vĩ Đại Thánh tôn thần. Ngoài ra còn có truyền thuyết về các tướng Cao Sơn, Quý Minh và Tản Viên ở thời Hùng Vương thứ 18, họ là những người có công chống Thục Phán và đóng quân tại trại Tằm Xá được thổ thần giúp đỡ.
 
Ngoài những truyền thuyết về Tản Viên còn có những truyền thuyết về các tướng tá, gia quyến của các vua Hùng. Đó là những truyền thuyết các tướng giúp vua Hùng đánh giặc Ân, giặc Mũi Đỏ… và những truyền thuyết liên quan đến sự xung đột Hùng - Thục trên địa bàn Hà Nội. Một số tướng của Hùng Vương đã được ghi công trong các trận đánh này và được lưu truyền trong các truyền thuyết. Đó là truyền thuyết về tướng Thiên Cương, là người giỏi võ nghệ, có công dẹp giặc Xích Quỷ và đánh giặc Ân. Ông đã được vua phong làm Thiên Cương thần tướng, thượng đẳng phúc thần và cho lập đền thờ. Đó còn là truyền thuyết về thần Lã Đại Liêu, dưới thời Hùng Vương thứ 18 đã học được phép thần của Tản Viên và giúp ông đánh thục Phán, nên được vua cho lập đền thờ ở đình Giáp Nhất, phường Nhân chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội hiện nay. Đặc biệt trong số các truyền thuyết dân gian về các tướng lĩnh có công dẹp giặc phải kể đến hệ thống các truyền thuyết về Thánh Gióng đánh giặc Ân dưới thời Hùng Vương. Hiện nay ở nhiều nơi có đền thờ và tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng. Làng Phù Đổng huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi sinh của Thánh Gióng có lễ hội hàng năm vào ngày 9/4 âm lịch hàng năm. Tại đền Thượng của làng Phù Đổng còn có đền thờ Thánh Gióng rất bề thế, trong đó có câu đối của danh nhân văn hoá Nguyễn Du:
 
Thiên giáng Thánh nhân bình Bắc địch
Địa lưu Thần tích trấn Nam bang
 
Tạm dịch:
 
Trời sinh vị Thánh dẹp giặc phương Bắc
Đất lưu lại sự tích giữ nước Nam.
 
Ngoài đền thờ Thánh Gióng ở Phù Đổng, còn có đền Sóc và lễ hội ở núi Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nơi này theo truyền thuyết là nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời. Trong đền Sóc còn có đôi câu đối của danh nhân Nguyễn Quang Diệu:
 
Ân tặc đương tri, tam tuế nhung y trương nhất nộ
Sóc Sơn linh bất tán, đằng không thiết mã hễ trùng lai
 
Tạm dịch:
 
Giặc Ân phạm tội tày đình, mới ba tuổi đã mặc áo nhung căm hờn diệt giặc.
Núi Sóc tụ khí thiêng, muôn dân trông mong ngựa sắt lại quay về.
 
Dấu ấn của thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương, kinh đô Âu Lạc và thành Cổ Loa còn đậm đặc ở vùng Đông Anh, nhất là ở vùng lõi thành Cổ Loa với những câu chuyện như: An Dương Vương xây thành, thần Kim Quy, nỏ thần, Mỵ Châu Trọng Thuỷ. Hiện nay ở vùng Cổ Loa còn có lễ hội hằng năm ngày 6 tháng giêng, kéo dài 6 đến 12 ngày với nhiều lễ rước quan trọng tưởng nhớ về một triều đại xa xưa. Truyền thuyết còn in dấu ấn đậm nét trên một cụm kiến trúc tôn giáo, đền, đình thờ An Dương Vương, Cao Lỗ và nhiều bộ tướng khác, đền thờ công chúa Mỵ Châu, giếng Trọng Thuỷ.
 
Có thể nói, những truyền thuyết chủ yếu về thời Hùng Vương – An Dương Vương đã được hiện thực hoá qua lễ hội và đình đền còn được lưu giữ nhiều ở các địa phương của Hà Nội. Nhìn chung Hà Nội là một trong những vùng đất có nhiều truyền thuyết về thời Hùng Vương – An Dương Vương. Điều đó cho thấy mảnh đất này là nơi xảy ra nhiều sự kiện lịch sử từ những buổi đầu dựng nước. Từ những truyền thuyết dân gian đó đã gợi mở ra nhiều chứng cứ và sự thật lịch sử về thời kỳ khởi nguyên của dân tộc ta.
 
 
Anh Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)