Chính sách nông nghiệp của Nhà nước phong kiến Đại Việt từ đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XVI
Chính sách “dĩ nông vi bản” xuất phát từ đặc trưng bóc lột của nhà nước phong kiến là bóc lột bằng tô. Do đó, nhà nước muốn thông qua quyền sở hữu ruộng đất tối cao để thực hiện sự nô dịch và bóc lột nông dân. Vì vậy, vấn đề ruộng đất đã trở thành trung tâm của các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội thời phong kiến. Tình hình ruộng đất Việt Nam thời phong kiến luôn trong trạng thái biến động, nhưng nhìn chung ruộng đất tồn tại dưới hai hình thức chủ yếu là ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước và ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân.
Có thể thấy, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI là thời kỳ hình thành và phát triển cực thịnh của nhà nước phong kiến Việt Nam, nên ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước thường chiếm đại bộ phận ruộng đất trong nước. Chính trên cơ sở ấy, nhà nước mới duy trì được quyền lực kinh tế, chính trị của mình.
Ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước gồm các loại ruộng công làng xã, ruộng quốc khố, ruộng phong cấp.
Ruộng công làng xã là ruộng đất thuộc quyền sở hữu nhà nước, nhưng thông thường giao cho các làng xã quản lý và làng xã đứng ra phân chia ruộng đất cho nông dân cày cấy. Do vậy, người nông dân khi cấy ruộng công làng xã, họ phải chịu các nghĩa vụ với nhà nước như nộp tô, đi lao dịch, binh dịch. Dưới các triều đại Lý, Trần việc phân chia ruộng công làng xã do các làng xã đảm nhận. Sang triều Lê sơ thế kỷ XV, với chính sách “quân điền” ban hành 1429 nhà nước đã tham gia trực tiếp vào việc phân chia ruộng công làng xã. Như vậy, với chính sách “quân điền” nhà Lê dần huỷ bỏ quyền tự trị ruộng đất của làng xã, góp phần đẩy nhanh quá trình phong kiến hoá cơ cấu xã hội. Dưới các triều đại phong kiến, ruộng công làng xã còn sử dụng để ban thưởng cho quan lại, quý tộc hay người có công với nhà nước thông qua hình thức phong cấp. Hình thức phong cấp này đặc biệt phát triển vào thời Lý - Trần.
Ruộng quốc khố là ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước, do nhà nước trực tiếp quản lý. Nguồn gốc ruộng quốc khố là tịch thu từ các trang trại, đồn điền của chính quyền đô hộ và địa chủ quan lại người Hán hay còn có nguồn gốc từ việc khai hoang. Dưới các triều đại phong kiến, hoa lợi ruộng quốc khố thường dùng vào việc cúng tế, hay sửa sang các lăng tẩm, đền đài. Lực lượng lao động chủ yếu ở đó là những tù nhân và chiến tù. Tô ruộng quốc khố thường nặng hơn tô ruộng công làng xã.
Ruộng phong cấp là ruộng đất vua ban thưởng cho quan lại, quý tộc hay người có công với nước. Dưới triều đại phong kiến Lý - Trần, ruộng phong cấp có kèm theo số hộ nông dân để canh tác, từ đó đã dẫn đến việc hình thành các thái ấp của quý tộc. Trong các thái ấp, người nông dân trước đây vốn là thần dân của nhà nước nay bị lệ thuộc vào quý tộc. Thời Lê sơ phong cấp ruộng đất nhưng không có nông dân kèm theo. Nhìn chung, ruộng đất phong cấp trong một số triều đại phong kiến, quyền sở hữu vẫn thuộc về nhà nước. Người được hưởng ruộng phong cấp chỉ có quyền sử dụng để thu tô, chứ không có quyền chiếm hữu.
Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân là của địa chủ hay những người nông dân tự canh tác, trong đó ruộng đất của địa chủ là chủ yếu. Sự ra đời của ruộng đất tư trải qua quá trình phát sinh, phát triển lâu dài, chịu sự tác động của nhiều nhân tố. Đó là sự phân hoá giai cấp trong xã hội, do “chiếm công vi tư” ruộng đất, hoặc do nhà nước cho bán ruộng công làm ruộng tư.
Dưới chế độ phong kiến Việt Nam, từ thời Lý, ruộng đất tư mới được thừa nhận về phương diện pháp lý. Việc pháp luật nhà nước thừa nhận ruộng tư là thể hiện một khuynh hướng mới mang tính tích cực, đáp ứng yêu cầu khách quan mà lịch sử đặt ra trong quá trình vận động và phân hoá ruộng đất ở Việt Nam. Đến thời Trần, đánh dấu bước phát triển mới của ruộng tư. Nhìn chung, ruộng tư phát triển trong điều kiện khá thuận lợi. Nhà nước đánh thuế ruộng tư nhẹ hơn ruộng công. Khi nhà Hồ lên thay nhà Trần, nhà nước đã ban hành chính sách “hạn điền” khiến ruộng đất tư không có điều kiện phát triển. Theo chính sách “hạn điền”, nhiều ruộng đất tư phải sung công. Bên cạnh đó, nhà nước còn tăng mức thuế ruộng tư so với thời nhà Trần, mức thu thuế ruộng tư từ 3 tăng lên 5 thăng một mẫu. Việc kìm hãm sự phát triển của ruộng tư, nhà Hồ đã kìm hãm một loại hình kinh tế tiến bộ trong nông nghiệp. Sang thời Lê sơ, nhà Lê đại diện cho giai cấp địa chủ nên ruộng tư có điều kiện phát triển. Nhà nước ban hành nhiều luật lệ liên quan đến tình hình phát triển của ruộng tư. Sự phát triển của ruộng tư và các quan hệ kinh tế của nó phản ánh xu hướng tích cực, góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời Lê sơ nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Có thể thấy, ruộng đất công và tư luôn trong tình trạng biến động với khuynh hướng ruộng tư ngày càng phát triển từ thế kỷ X đến thế thế kỷ XV.
Thời phong kiến, chính sách kinh tế của nhà nước phong kiến là “dĩ nông vi bản”. Theo sử sách, với một số triều đại phong kiến, tư tưởng “trọng nông” thường được biểu hiện thành những biên pháp tích cực đối với sản xuất nông nghiệp. Nhưng khi nhà nước phong kiến đi vào con đường suy vong thì nó đã mất đi vai trò tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội và khi ấy chính sách “dĩ nông vi bản”, tư tưởng “trọng nông” chỉ còn là hình thức, không đem lại tác dụng gì với sản xuất nông nghiệp.
Dưới triều đại Lý - Trần, nhà nước phong kiến đã có một số biện pháp tác động đến sản xuất nông nghiệp. Nhà vua thường thực hiện một số nghi lễ trong nông nghiệp như cúng thần nông, cày ruộng tịch điền hay ra ngoài hành cung xem nông dân cày cấy, thể hiện sự quan tâm của vua đến sản xuất nông nghiệp, có tác dụng khuyến khích nông dân chăm lo công việc nghề nông: xây dựng các công trình thuỷ lợi, bảo vệ sức lao động nông nghiệp và thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, ban hành nhiều luật lệ bảo vệ trâu bò, chú trọng khai hoang để mở rộng đất canh tác. Nhưng vào cuối đời Trần, chế dộ điền trang thái ấp và chế độ nông nô, nô tỳ phát triển, nông dân bị biến thành nông nô, nô tỳ và chịu sự áp bức, bóc lột nặng nề, nên sức sản xuất trong nông nghiệp bị kìm hãm và rơi vào tình trạng trì trệ khủng hoảng, khởi nghĩa nông dân liên tiếp diễn ra dẫn tới sự sụp đổ của triều Trần.
Dưới triều đại nhà Hồ, những mâu thuẫn kinh tế - xã hội đang diễn ra sâu sắc. Muốn giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển thì phải xoá bỏ chế độ điền trang, thái ấp và chế độ nông nô, nô tỳ. Với bối cảnh đó, chính sách “hạn điền” và hạn nô” chẳng qua chỉ là chuyển phần lớn ruộng đất và nông nô, nô tỳ từ các thái ấp, điền trang của quý tộc Trần sang nhà nước quản lý. Hơn nữa, nhà Hồ còn tăng thuế ruộng tư làm hạn chế sự phát triển của loại hình kinh tế đang có xu hướng tiến bộ và nông nghiệp thời Hồ rơi vào tình trạng khó khăn.
Khi nhà Lê sơ nắm chính quyền, những mâu thuẫn kinh tế - xã hội từ cuối thời Trần đã được giải quyết. Thời Lê sơ, với chế độ “lộc điền” khiến điền trang, thái ấp không còn cơ sở tồn tại. Việc xuất hiện quan hệ địa chủ - tá điền là một tiến bộ so với quan hệ nông nô, nô tỳ. Vì lúc này, thân phận người nông dân tự do hơn, họ lĩnh canh ruộng đất và tự canh tác. Ngoài địa tô nộp cho địa chủ, phần còn lại là của những người nông dân lĩnh canh. Như vậy, sự chuyển biến ngay trong nội dung quan hệ sản xuất phong kiến đã có sự phù hợp nhất định với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Trí Nguyễn
Nhà xuất bản Hà Nội